Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ:
Khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ đã góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa.
Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định chi tiết về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã phân loại mức tự chủ tài chính đối với 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công, gồm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Đánh giá về mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã được hoàn thiện theo hướng tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, xác định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp.
Mặt khác, Nghị định này cũng quy định, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở mức cao (tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chỉ thường xuyên) được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ…
Nêu bật điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Nghị định đã bổ sung quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chia thành 3 nhóm đơn vị, phân loại như sau: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm dưới 30% chỉ thường xuyên.
Việc quy định rõ 3 nhóm đơn vị trên để đảm bảo công bằng trong việc quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị. Nhóm đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sẽ được khuyến khích hơn để nâng dần mức độ tự chủ lên tự bảo đảm chi thường xuyên.
Cùng với các nội dung trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Những quy định này nhằm tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá.
Về tổ chức thực hiện, đối với các đơn vị đã được giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2021.
Từ năm 2022, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này và các quy định sau: Đến ngày 31/3/2022, đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 thực hiện báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án tự chủ tài chính; Đến ngày 30/6/2022, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
Đơn vị sự nghiệp công đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh cho phép thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được phân loại là đơn vị nhóm 1 và được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định này.
Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền hoặc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị nhóm 1 theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021.