Kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số khó khăn thách thức, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 khoảng 6-6,5%. Việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024.
Kinh tế - xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Tăng trưởng kinh tế khởi sắc với mức tăng 6,42% (trong đó quý 2 tăng 6,93%).
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư tăng cao cũng phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý 1 đạt 617,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; quý 2 đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, riêng hoạt động xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm có nhiều kết quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, xuất siêu hàng hóa ước đạt 11,63 tỷ USD. Không chỉ tác động tích cực vào tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu còn góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo việc làm cho hàng triệu lao động, giúp kích thích đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất. Xuất khẩu không chỉ giúp Việt Nam thu được nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu mà còn giúp Việt Nam tăng tích lũy vốn và nâng cao mức sống cho người dân.
“Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số khó khăn thách thức trên, Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Đồng bộ nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng
Để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; tăng cường gắn lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối chuỗi cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày, điện tử...
Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng… Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý đến việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước. Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, đây được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
Để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; đẩy mạnh sức mua trong nước bằng việc thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết thêm, đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế.