Doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô

PV. (t/h)

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với DNNN tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò DNNN một lần nữa được khẳng định và phát huy, tiếp tục là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các các bộ, ngành, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung đánh giá tình hình, vai trò, sự đóng góp của DNNN đối với phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, hiến kế, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để cả nước thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu quan trọng là vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Riêng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000  tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều DNNN quy mô lớn chưa đạt kế hoạch; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa được xem xét, ưu tiên.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các DNNN còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm… 

Việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với những gì được được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, quyết định đầu tư khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu mà chủ yếu dựa vào vốn vay, một số dự án tồn đọng kéo dài.

Khu vực DNNN nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Hệ thống pháp luật về DNNN, quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra một số định hướng đối với DNNN trong thời gian tới, cụ thể: 

Thứ nhất, luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; Chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là "then chốt của then chốt", tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

Thứ năm, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.