Kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Theo Thái Phương - Sơn Nhung/ndh.com.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích vào chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các NH thương mại yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN).

Cạnh tranh với kênh tiền gửi

Từ đầu năm đến nay, xu hướng NHTM đổ vốn vào trái phiếu DN nở rộ, nhất là khi một số DN trong lĩnh vực địa ốc, bất động sản (BĐS) huy động vốn với lãi suất rất cao, thậm chí cạnh tranh với lãi suất tiền gửi ở NHTM. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh NHNN đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, giảm dần tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Nhiều DN bất động sản bổ sung vốn từ phát hành trái phiếu Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều DN bất động sản bổ sung vốn từ phát hành trái phiếu Ảnh: TẤN THẠNH

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận yêu cầu kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu DN của NHNN là hợp lý vào thời điểm này. Bởi NH đầu tư trái phiếu DN, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thực chất cũng là hình thức cấp tín dụng.

"Nếu NH cho DN BĐS vay sẽ bị giới hạn bởi tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, bị hạn chế cấp tín dụng và phải kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn. Nhưng NH cấp vốn qua kênh mua hoặc đầu tư trái phiếu DN thì DN sẽ được sử dụng vốn linh hoạt hơn" - vị phó tổng giám đốc này phân tích.

Theo quan sát, gần đây, một số DN BĐS lớn đã phát hành trái phiếu, huy động vốn bằng nhiều cách, trong đó có DN chuyển đổi bằng chính dự án họ sắp mở bán hoặc phát hành cho cán bộ - công nhân viên để thu hút dòng tiền.

Bộ phận nghiên cứu và phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định thời gian qua, các DN, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS, đã phát hành trái phiếu DN với lãi suất cao. Nhìn ở mặt tích cực, với mức lãi suất hấp dẫn như vậy, tỉ lệ hấp thu cao sẽ giúp giá BĐS duy trì đà tăng ổn định. Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, trong nửa đầu năm có gần 70.000 tỉ đồng trái phiếu DN đã được phát hành, trong đó 1/3 là từ các DN thuộc nhóm BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết sau khi NHNN triển khai lộ trình giảm vốn trung dài hạn vào BĐS, các DN gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn khác thay thế một phần vốn tín dụng. Do đó, một số DN BĐS đã lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu DN để bổ sung vốn. Trong 5 tháng đầu năm 2019, các DN BĐS, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu DN với giá trị lên đến 16.230 tỉ đồng, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành. Thậm chí, có DN BĐS đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12%-14,5%/năm, gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.

TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính DN Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, phân tích có một số lý do để DN không thể vay được tiền từ NH dù lãi suất NH thấp. Nhiều dự án không đầy đủ yêu cầu về pháp lý, không đủ điều kiện vay, chưa kể vay NH phải chịu sự kiểm soát dòng vốn nên yêu cầu cao về thủ tục hồ sơ rõ ràng, minh bạch... Do đó, DN buộc phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng được thoải mái sử dụng vốn hơn, do rủi ro cao nên lãi suất cũng phải cao.

"Trong bối cảnh này, cảnh báo của NHNN là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hệ thống NH" - TS. Lê Đạt Chí nhận xét.

Giám sát sử dụng vốn đúng mục đích

Theo NHNN, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động NH trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu DN ở các NHTM trong nước còn tiềm ẩn rủi ro. Bởi một số NHTM có số dư đầu tư trái phiếu DN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, BĐS lớn khi thị trường này chưa hồi phục vững chắc, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN còn nhiều khó khăn.

Vài NH đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát hoặc tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm nay.

Do đó, NHNN yêu cầu NHTM phải kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro. Trong văn bản, Thống đốc NHNN yêu cầu rà soát lại quy định nội bộ, bảo đảm ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu DN về quản lý rủi ro, xác định các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này...

NH thương mại không được mua trái phiếu DN trong đó có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của DN phát hành. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào những chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS nhằm hạn chế rủi ro.

Chủ tịch HĐQT, HĐTV hoặc tổng giám đốc của các NHTM cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu của DN. Thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của DN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật. Tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu DN, tích cực triển khai biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng...

"NH thương mại tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các DN có số dư lớn, nhất là DN có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng hoặc DN khác, bảo đảm tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động NH. Đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. NHNN sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN" - Thống đốc NHNN nêu rõ. 

Tiềm ẩn rủi ro

Một chuyên gia BĐS cho rằng so sánh việc phát hành trái phiếu và đi vay vốn thì DN nhận thấy phát hành trái phiếu quá thuận lợi, chủ yếu là vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Trái phiếu có loại chuyển đổi và không chuyển đổi. Nếu không chuyển đổi thì chỉ trả lãi nên DN thuận lợi hơn và họ đổ xô phát hành. Từ sau khi Nghị định 163 nới lỏng hơn về quy định phát hành trái phiếu, trong đó đáng chú ý là bỏ điều kiện DN phát hành trái phiếu phải có lãi trong năm gần nhất, khiến thị trường này sôi động hơn nhưng cũng rủi ro hơn, bởi dù làm ăn thua lỗ, DN vẫn được phát hành trái phiếu ra công chúng.