Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm gánh nặng cho ngân hàng
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tinh thần của Chính phủ là bắt buộc phải phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm gánh nặng cho ngân hàng nhưng cần kiểm soát chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đề xuất kiểm soát nghiêm ngặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
"Chỉ phát hành cho các nhà đầu tư có tổ chức. Sẽ có quy định khung ở luật này và quản lý chặt chẽ trong Luật Doanh nghiệp về việc phát hành của nhà đầu tư không đại chúng", Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện nay, doanh nghiệp thường chỉ huy động trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong trung và dài hạn 0,5-1 điểm % nhưng cá biệt có doanh nghiệp bất động sản huy động lãi suất tới 14,5%. Điều này gây ra rủi ro phá vỡ đường cong lãi suất giữa trái phiếu chính phủ, ngân hàng thương mại và trái phiếu doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ tăng cường việc hỗ trợ thông tin, trong đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thành lập cổng thông tin cung cấp cho cả nhà phát hành và người mua.
Mới đây, tại cuộc họp về tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá mặt tích cực của trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại, hỗ trợ các ngân hàng thương mại huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Đối với kỳ hạn phát hành dài (kỳ hạn 5 năm chiếm 66% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%.
Trong đó, có 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Lãi suất một số đợt phát hành cao 13%-14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14%-15%, cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
"Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khái quát.
Bên cạnh việc hoàn thiện, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, trong trung và dài hạn, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, Bộ Tài chính cần sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn, gắn phát hành ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, cần thể chế hóa chính sách để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong phát hành trái phiếu...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó,ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỉ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỉ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.