Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhìn từ hiệu quả quản lý và điều hành giá
(Tài chính) Một trong những nội dung được các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII là kết quả thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH 13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có báo cáo gửi Quốc hội trình bày về những kết quả Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH 13 của Quốc hội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác. Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý giá, Bộ Tài chính đã tích cực, quyết liệt, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý giá, góp phần tích cực để kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và an sinh xã hội.
Lộ trình thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than là chủ trương nhất quán của Quốc hội, Chính phủ và đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ vào các quy định này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương điều hành giá các mặt hàng này vừa phải đảm bảo mục tiêu theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, vừa phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội.
Giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch
Điều hành giá xăng, dầu là một trong những vấn đề nóng nhất và có thể coi là khó khăn nhất trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, diễn biến rất phức tạp, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch.
Từ cuối năm 2011, giá xăng dầu thành phẩm thế giới luôn vận động theo xu hướng tăng. Để bình ổn giá trong nước nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Chính phủ đã xử lý bằng nhiều biện pháp như tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu (việc điều hành giá cụ thể đã báo cáo Quốc hội tại văn bản số 91?BC-BTC ngày 22/11/2011). Từ đầu năm đến cuối tháng 4/2012, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã cho phép điều chỉnh tăng giá xăng dầu 2 lần (vào ngày 7/3/2012 và 20/4/2012, tổng mức tăng giá của cả 2 lần là: xăng RON 92 tăng thêm 3.000 đồng/lít, dầu Diezen 0,05S tăng thêm 1.5000 đồng/lít, dầu hỏa tăng thêm 1.200 đồng/lít, dầu madút tăng thêm 2.400 đồng/kg), kết hợp với sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính để giảm các tác động của việc tăng giá (cho tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá; giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ 4% xuống 0%, mặt hàng dầu diêzen và dầu hỏa từ 5% xuống 3% từ ngày 21/2; sau đó tiếp tục giảm thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diêzen và dầu hỏa từ 3% xuống 0% từ ngày 8/3. Thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu là 0% được thực hiện đến ngày 10/5/2012 mới khôi phục lại một phần).
Từ cuối tháng 4/2012, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới giảm, Liên Bộ Tài chính- Công thương đã kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện 5 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu trong nước (vào các ngày 9/5, 23/5, 7/6, 21/6 và 2/7), kết hợp với khôi phục một phần thuế suất nhập khẩu và mức trích Quỹ bình ổn giá theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Tổng mức giảm giá xăng dầu qua 5 lần là: xăng RON 92 giảm 3.200 đồng/lít, dầu diezen 0,05S giảm 2.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.550 đồng/lít, dầu madút giảm 1.550 đồng/kg.
Khi các yếu tố công thức giá cơ sở khá ổn định, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho DN quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, thực hiện kiểm soát giá bằng hình thức yêu cầu các DN xăng dầu đầu mối đăng ký giá đối với mỗi lần điều chỉnh tăng (hoặc giảm giá) theo biên độ và tần suất (tối thiểu 10 ngày) như quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kiinh doanh xăng dầu. Kể từ ngày giảm đợt 2/7 cho đến cuối tháng 8/2012, giá xăng dầu thành phẩm thế giới biến động theo xu hướng tăng. Trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới kết hợp với việc sử dụng Quỹ BOG; các DN đã đăng ký và được phép điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước 4 lần.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục dao động ở mức cao, để giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn trong DN và người tiêu dùng, ngày 11/9, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã yêu cầu DN không tăng giá, sử dụng các công cụ để bỉnh ổn giá (sử dụng Quỹ BOG với mức 500 đồng/lít,kg); giảm thuế suất thuế nhập khẩu 2%), đồng thời không tính lợi nhuận định mức của DN xăng dầu trong giá cơ sở.
Cùng với những nỗ lực trong điều hành giá xăng dầu, việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đạt được những kết quả tích cực. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hình thành theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính. Về cơ bản các DN đã chấp hành việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo quy định và việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu.
Sau khi thực hiện việc kiểm toán Quỹ, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận và đánh giá như sau: “ Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng, dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp và bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát”.... “Nhờ cơ chế trích lập, sử dụng và quyết toán Quỹ BOG mà năm 2010 đã giảm được tần suất điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động phức tạp khó lường; người tiêu dùng được dùng xăng dầu giá rẻ hơn giá xăng, dầu các nước trong khu vực và ổn định hơn; góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định xã hội”. (Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước số 271/KTNN-TH ngày 11/10/2011 về việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ BOG xăng dầu giai đoạn 2009 - 2010).
Hiện nay, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài chính (văn bản số 15951/BTC-QLG ngày 24/11/2011), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, trong đó có Quỹ BOG (công văn số 259/TB-VPCP ngày 19/7/2012 của Văn phòng Chính Phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009-CP về kinh doanh xăng dầu).
Điều chỉnh giá điện từng bước theo cơ chế giá thị trường, hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội
Thực hiện theo tinh thần của Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ ngày 20/12/2011, giá điện bình quân đã được điều chỉnh tăng thêm 5%, từ 1242 đ/kwh lên 1304 đ/kwh. Trong các thông số tính toán phương án giá bán điện bình quân mới này, giá than mới chỉ tính bằng từ 57% đến 635 giá thành tiêu thụ than năm 2010 (đã được kiểm toán); chưa phản ánh khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2011; chưa phản ánh khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại của năm 2010 trở về trước, tổng cộng khoảng 23.859 tỷ đồng.
Từ ngày 1/7/2012, trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và biến động của các thông số đầu vào cơ bản, giá điện bình quân được Bộ Công thương chấp thuận tăng thêm 5% (từ 1.304 đ/kwh lên 1.369 đ/kwh). Với việc điều chỉnh giá điện tăng 5% này, doanh thu bán điện trong năm 2012 của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng và được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo lại của năm 2010 trở về trước.
Song song với việc điều chỉnh giá điện từng bước để tiến tới thực hiện theo cơ chế giá thị trường, để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng (Quyết định số 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện); kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước. Kể từ khi quyết định số 268/QĐ-TTg có hiệu lực, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ khoảng 930 tỷ đồng, năm 2012, thực tế đến hết quý II đã bổ sung cho các địa phương 498 tỷ đồng.
Giá than có tăng, có giảm
Trong thời gian vừa qua, giá than cho các hộ tiêu dùng nhỏ lẻ được điều hành theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: có tăng, có giảm và thấp hơn giá than xuất khẩu 10%. Trong năm 2012, giá bán than đã thực hiện theo nguyên tắc có tăng, có giảm, bằng khoảng 74% - 92% giá than xuất khẩu cùng chủng loại (thời điểm tháng 8/2012).
Đối với giá than bán cho điện: Thực hiện Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu để xây dựng lộ trình giá bán than cho sản xuất điện từ nay đến hết năm 2013. Căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ngày 7/9, Bộ Tài chính đã có văn bản số 480/BTC-QLG thông báo giá bán than cho điện, trong đó, giá than bán cho điện từ 15/9 tăng khoảng 27,9% - 41,9% so với giá than bán cho điện hiện hành. Sau khi điều chỉnh, giá than bán cho điện bù đắp được từ 87% - 90% giá thành sản xuất than năm 2011; bằng 71% - 73% giá thành tiêu thụ năm 2011 tùy chủng loại và bằng 48% - 52% giá xuất khẩu than cùng chủng loại. Tương tự như giá điện, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.
Công khai, minh bạch trong điều hành giá
Bộ Tài chính luôn quán triệt và thực hiện công khai về cơ chế chính sách; điều hành giá, và công khai trong chấp hành các quy định về giá của các DN kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý của Nhà nước. Kết quả này thể hiện trên các mặt cụ thể:
Cơ chế điều hành giá xăng dầu tiếp tục được hoàn thiện: Ngày 23/11/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2833/QĐ-BTC, Quyết định số 2822/QĐ-BTC kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ giám sát Liên hành về giá xăng dầu. Bộ Tài chính cũng chủ động đánh giá tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả vấn đề hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia với Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đều tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các DN, đối tượng có liên quan và lấy ý kiến rộng rãi, công khai trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đã nghiêm túc và thực hiện công khai trong chấp hành các quy định về giá, cụ thể như: Cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã có các quyết định thành lập 03 Tổ kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại 04 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chiếm thị phần lớn và trong tháng 12/2011 đã tổ chức họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra, trong đó có nội dung về kết quả kinh doanh của các DN kinh doanh xăng dầu đối mối được kiểm tra.
Từ tháng 5/2012 đến tháng 7/2012, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại 6 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc thực hiện đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán xăng dầu; kiểm tra việc chấp hành thuế và chi trả thù lao đại lý của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra nếu có phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá và thực hiện nghĩa vụ với NSNN tại 16 công ty sản xuất điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và đã có văn bản số 49/BC-BTC ngày 28/6/2012 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra các công ty sản xuất điện ngoài EVN.
Bên cạnh việc quản lý, điều hành giá xăng dầu theo những quy định hiện hành, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị có liên quan thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên tắc điều hành và về mức điều chỉnh giá của các lần điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu. Mỗi lần điều chỉnh đều gửi các cơ quan thông tấn, báo chỉ biểu tính giá xăng dầu 30 ngày, biểu tính giá cơ sở và phương án sử dụng các công cụ thuế, Quỹ Bình ổn và phương án (tăng, giảm) giá. Định kỳ hàng quý, Bộ Tài chính họp báo để cung cấp thông tin (trong đó có vấn đề điều hành giá) và định kỳ hàng tháng đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Qua những kết quả trên, có thể khẳng định rằng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, trong lĩnh vực quản lý giá, Bộ Tài chính đã tích cực, quyết liệt, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý giá, góp phần tích cực để kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và an sinh xã hội. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2012 tăng 5,13% so với tháng 12/2011, làm cơ sở để giữ lạm phát ở mức dưới 1 con số như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.