Kiểm toán ngân hàng 0 đồng: Cần nhưng chưa đủ
Thực trạng các ngân hàng 0 đồng ra sao đang là mối quan tâm của không ít người, thậm chí có đại biểu Quốc hội đã đề nghị thực hiện kiểm toán 3 ngân hàng 0 đồng.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, đó là điều bình thường như bao doanh nghiệp nhà nước khác, song điều quan trọng hơn là phải đưa ra phương án tái cơ cấu các ngân hàng này.
“Mù mờ” ngân hàng 0 đồng
Còn nhớ hồi năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng khác, trong đó có các ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 được gửi đến Quốc hội cho biết, việc tái cơ cấu các NHTM được NHNN mua 0 đồng diễn ra chậm chạp và chưa triệt để, thực trạng tài chính của nhiều ngân hàng chưa được cải thiện... Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng 0 đồng rất cao. Cụ thể, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbak là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Còn với CB, nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng)… Đáng chú ý, theo Kiểm toán Nhà nước, việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng 0 đồng là rất khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này thế nào rất ít được công bố, nếu có cũng rất sơ sài khiến người ta rất khó có thể hình dung về hoạt động của các ngân hàng này. Số liệu mới nhất mà CB công bố cũng chỉ bao gồm mấy thông tin cơ bản: Đến cuối năm 2018, huy động vốn từ thị trường 1 của ngân hàng này tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên mức gần 29.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Đáng chú ý hơn cả là có hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi.
Mới đây, vấn đề của các ngân hàng 0 đồng lại rộ lên sau khi có một số nhà đầu tư nước ngoài đánh tiếng mua lại các ngân hàng này. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng 3/2019, ông Nobiru Adachi - Giám đốc Điều hành cấp cao của J Trust cho biết, muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu Ngân hàng CB. Trong khi trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội thời điểm đó, NHNN Việt Nam cho biết đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Còn phương án cơ cấu lại CB, GPBank và DongABank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật...
Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy nhà đầu tư nước ngoài nào “se duyên” cùng các ngân hàng 0 đồng. Dư luận cũng không rõ vì sao không có thông tin nào được công bố từ phía cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng này.
Kiểm toán mới là bước đi đầu tiên
Quay trở lại với đề nghị của các đại biểu Quốc hội kiểm toán các ngân hàng 0 đồng, các chuyên gia ngân hàng cho biết, đó là việc làm bình thường và hoàn toàn cần thiết để biết được thực trạng hiện nay của các ngân hàng này.
“Về bản chất, sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng, thì cả 3 ngân hàng này đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Vì thế, việc kiểm toán 3 ngân hàng này là điều hoàn toàn bình thường như hoạt động kiểm toán đối với các doanh nghiệp Nhà nước khác”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Thậm chí theo ông, do các ngân hàng 0 đồng đều là những ngân hàng yếu kém, nên việc kiểm toán lại càng cần thiết hơn để xác định thực trạng hoạt động cũng như sớm phát hiện những rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng này. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên, là điều kiện cần; bước đi tiếp theo được xem là quan trọng hơn, là “điều kiện đủ”, đó là phải tìm ra được giải pháp để tái cơ cấu nhằm vực dậy các ngân hàng này, hoặc nếu không phục hồi được thì cần phải có giải pháp để xử lý.
“Tái cơ cấu ngân hàng rất phức tạp, tốn thời gian và chi phí, chưa tính việc phải thay đổi bộ máy nhân sự, nâng cấp công nghệ, hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng,... Do đó, kiểm toán là một việc, nhưng tái cơ cấu để vực dậy các ngân hàng 0 đồng là một câu chuyện khác”, TS. Luật sư Bùi Quang Tín – Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Trước đó, trả lời trước cử tri về việc tăng vốn của 3 ngân hàng 0 đồng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết phương án tăng vốn điều lệ là phương án nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động, nhưng lại cần nguồn lực lớn từ Nhà nước nên chưa thể thực hiện khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, NHNN ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, các ngân hàng 0 đồng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ocenbank. Còn đối với CB, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.