Kiểm toán Nhà nước chú trọng sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp

Theo Anh Phương/sggp.org.vn

Theo Báo cáo tổng kết của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại hội nghị, năm 2019, KTNN đã hoàn thành 100% các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch năm 2019, để lại 10 dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước và công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Kiểm toán Nhà nước chú trọng sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp.
Kiểm toán Nhà nước chú trọng sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp.

Sáng 8/1, tại Hà Nội, Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; cùng lãnh đạo của nhiều uỷ ban, bộ ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, KTNN ngày càng tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thể hiện rõ nét vai trò của mình, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. “Các kết quả kiểm toán là căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định và giám sát các nội dung về ngân sách Nhà nước và đầu tư công; giúp Chính phủ kịp thời nắm được tình hình để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Lưu ý về một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN chủ động phối hợp và cung cấp các thông tin kịp thời, xác thực phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các địa phương và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và các nội dung phục vụ cho đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Người đứng đầu Quốc hội nhắc nhở toàn ngành và từng kiểm toán viên Nhà nước phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, trách nhiệm, trung thực, bảo đảm nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, KTNN cần chú trọng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động; bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ; phân tích, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu KTNN khẩn trương triển khai kế hoạch thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước nhằm tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

“Những năm gần đây, vị thế của Kiểm toán Nhà nước đang ngày càng được đề cao, quyền hạn, trách nhiệm đã được nâng lên. Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước luôn quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn Kiểm toán Nhà nước phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm của cơ quan kiểm tra tài chính công “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Báo cáo tổng kết của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại hội nghị, năm 2019, KTNN đã hoàn thành 100% các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch năm 2019, để lại 10 dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước và công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2019, toàn ngành đã xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.

Trong đó, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỷ đồng, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản; tổng hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định.

Mặc dù vậy, công tác năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính mặc dù có nhiều nỗ lực, số thu tuyệt đối lớn (63.102 tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp (đạt 70,4%); việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa khai thác, phát huy được tốt phần mềm công cụ công nghệ thông tin trong công tác kiểm toán...