Kiểm toán Nhà nước làm gì cho việc hoạch định chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dự kiến, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành 184 cuộc kiểm toán, tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc Hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc Hội nêu rõ, phải chú trọng chất lượng, không dàn trải ra tất cả các tỉnh, thành, các bộ, ngành. Kiểm toán Nhà nước cần xác định rõ hơn các trọng điểm cần kiểm toán trong mỗi lĩnh vực và lưu ý, kết quả kiểm toán chỉ ra đúng – sai là tốt nhưng quan trọng hơn là phải rút ra kết luận để giúp Quốc Hội hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước làm gì cho việc hoạch định chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Dự kiến, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành 184 cuộc kiểm toán, tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc Hội. Nguồn: internet

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng: Tập trung kiểm toán việc tuân thủ pháp luật về ngân sách để giúp Quốc Hội hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách

Tôi đề nghị một số việc:

Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước trọng về chất lượng, không chạy theo số lượng. Mỗi cuộc kiểm toán cố gắng làm tập trung, kết luận rút ra gọn thôi, đừng kéo dài. Rút ra được vấn đề gì qua kiểm toán đó, không phải chỉ phát biểu đúng, sai. Đúng – sai rất quan trọng rồi nhưng rút ra được vấn đề gì. Tiếp đó là, có đề xuất xử lý gì về trách nhiệm, từ hành chính cho tới hình sự, chuyển hồ sơ... thời gian không nên để quá dài. Mặc dù có luật, có thông tư, nghị định cho phép một cuộc kiểm toán bao nhiêu thời gian, nhưng không nên tận dụng hết thời gian theo các quy định đó. Phạm vi, nội dung từng cuộc kiểm toán nên cố gắng tập trung. Kết luận rõ ràng, minh bạch và rút ra được vấn đề gì về thể chế, luật pháp cũng như kiến nghị để giải quyết, xử lý. Năm nay phải có tiến bộ hơn ở chỗ đó.

Thứ hai, năm 2015, Quốc hội có một số công việc liên quan đến xây dựng pháp luật, trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước. Ngoài 2 luật này liên quan trực tiếp đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thì còn có một số luật khác về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kế hoạch kiểm toán năm 2015 phục vụ được việc này thì rất tốt. Không phải chỉ thông qua kiểm toán năm 2015 mà thông qua kiểm toán lâu nay. Năm nay tập trung vào kiểm toán ngân sách là phải kiểm toán luôn việc tuân thủ pháp luật về ngân sách Nhà nước. Thực tế, có những nội dung nếu tuân thủ pháp luật về ngân sách Nhà nước thì không phù hợp với cuộc sống. Ví dụ, thiết kế ngôi trường mà căn cứ vào thiết kế của Bộ Giáo dục để làm trên Mường Tè, Mường Lát... thì làm sao phù hợp được? Hay căn cứ vào chỉ đạo, thiết kế của Bộ Văn hóa như làm nhà văn hóa ở Tây Nguyên bằng bê tông, tôi đến thấy bà con có họp đâu. Nhưng nếu địa phương không căn cứ vào quy định đó, dự toán không theo quy định thì Kiểm toán Nhà nước lại bác bỏ. Vậy thẩm quyền Trung ương, thẩm quyền địa phương tính toán thế nào? Vì vậy, một mặt là tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm toán, một mặt, qua thực tiễn hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước góp ý vào 2 Luật quan trọng này và các luật khác có liên quan như thế nào? 

Phó chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu: Không nên dàn trải ra tất cả các tỉnh, thành, các bộ, ngành

Tôi tán thành cơ bản với Báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Báo cáo của Kiểm toán đã nói rất rõ những tồn tại, hạn chế của công tác kiểm toán năm 2014 cũng như công tác kiểm toán thời gian qua; trong đó có nói rõ, vừa qua, kiểm toán còn thiếu tập trung, chưa có được những bước đột phá. Nguyên nhân cũng đã nói rất rõ, nhất là những nguyên nhân chủ quan.

Năm 2015, Quốc hội làm rất nhiều dự án luật. Qua kiểm toán sẽ đóng góp quan trọng, giúp Quốc hội hoàn thiện các dự luật này. Ví dụ, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ thảo luận các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì vấn đề phân cấp, phân quyền, phân công và nhất là xác định các cấp ngân sách như thế nào? Qua hoạt động kiểm toán các bộ, ngành, kiểm toán ngân sách của các địa phương, Kiểm toán Nhà nước phải rút ra được những đánh giá, những nhận định để tham mưu, giúp cho Quốc hội sửa đổi và hoàn thiện hai dự án luật này.

Tôi tán thành với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là hoạt động kiểm toán năm 2015 không nên dàn trải ra tất cả các tỉnh, thành, các bộ, ngành mà nên tập trung vào một số trọng điểm hay một số nơi mà chúng ta thấy có nguồn thu lớn, có nguồn thu chưa cân đối hoặc có thể rất thấp để rút ra được kết luận gì về việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Không phải là đi dàn ra 63 tỉnh, thành phố - tôi cho như thế là không hiệu quả. Nếu làm được tất cả, làm tốt thì không nói làm gì, nhưng bây giờ lực lượng kiểm toán thiếu, cán bộ ít thì không nên làm theo cách như vậy. Trước khi bàn về chiến lược phát triển của ngành kiểm toán, chúng ta nói Kiểm toán phải bám sát vào chương trình hoạt động của Quốc hội, trong đó có chương trình giám sát và những hoạt động của Quốc hội, những dự án, công trình mà Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Kiểm toán là một trong những cơ quan tham mưu để giúp Quốc hội trong vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Kiểm toán không đơn thuần kiến nghị thu hồi là xong, phải kiến nghị xử lý thật nghiêm

Tôi đánh giá rất cao những cố gắng của Kiểm toán Nhà nước trong những năm gần đây, đặc biệt là cùng với các cơ quan khác trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm toán đã phát hiện rất nhiều sai sót trong việc thu, chi tài chính, kiến nghị một số việc để các cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra của Nhà nước tiến hành xử lý, kể cả xử lý về hành chính và xử lý hình sự. Đây là những việc rất quan trọng vì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo kinh nghiệm của các nước thì thanh tra, kiểm toán phát hiện là chính, nguồn để chống tham nhũng từ hai nguồn này. Tôi rất mong, tới đây, chúng ta tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm toán. Khi phát hiện sai sót trong lĩnh vực thu, chi ngân sách Nhà nước có dấu hiệu phạm tội hình sự đề nghị phải kiến nghị với cơ quan chức năng để xử lý thật nghiêm minh, không đơn thuần là kiểm toán, kiến nghị thu lại là xong rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Tôi nghĩ không nên như vậy.

Về kế hoạch kiểm toán trong năm 2015, tôi mong muốn, đối với mảng chi tiêu ngân sách Nhà nước, mục đích kiểm toán là bảo đảm giữa thu, chi làm sao cho hợp lý, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với mảng doanh nghiệp, mục đích kiểm toán làm sao bảo đảm vốn đầu tư, lỗ, lãi cho đúng, lỗ thật và lãi thật. Đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp hiện nay, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vấn đề lỗ, lãi hiện nay rất rắc rối, có khi lãi thật nhưng họ cứ nói lỗ. Tôi cũng đề nghị lưu ý việc gần đây cử tri rất quan tâm đến là các doanh nghiệp mở các siêu thị hoặc một số doanh nghiệp đầu tư lớn ở Việt Nam, doanh số rất lớn, thậm chí hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ, các chi nhánh không ngừng mở rộng tại Việt Nam nhưng năm nào cũng báo lỗ. Làm thế nào để xác định xem các doanh nghiệp này có trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước hay không? Tôi nghĩ đây là một mảng rất quan trọng trong điều kiện chúng ta hội nhập để vừa bảo đảm kêu gọi đầu tư, nhưng cũng vừa bảo đảm thu được thuế vào ngân sách Nhà nước đúng với lãi - lỗ phản ánh thực tế kinh doanh tại nước ta của các doanh nghiệp này?