Kiểm tra, giám sát việc thu phí xả thải của các tổ chức, cá nhân


Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đề nghị kiểm tra, giám sát việc thu phí xả thải của các tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính dẫn chứng cụ thể quy định pháp luật về nước thải. Theo đó, khoản 1 và khoản 4 Điều 44 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải, quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận nội tỉnh; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận có phạm vi liên tỉnh theo quy định.

Theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đối với nước thải sinh hoạt, đơn vị cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường cùng với thu tiền bán nước sạch (phí thu theo nước đầu vào sử dụng, không thu khi xả thải).

Đối với nước thải công nghiệp, phí tính và thu đối với nước thải khi thải ra môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện) quản lý, thu phí của tổ chức, cá nhân xả thải. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn.

Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các cơ sở trên địa bàn.

Trường hợp tổ chức thu phí thuộc diện khoán chi phí hoạt động thì được để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trong đó, các khoản chi khác bao gồm cả: Chi phí cho điều tra, thống kê, rà soát, phân loại, cập nhật, quản lý đối tượng chịu phí; chi phí đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải phục vụ cho việc thẩm định tờ khai phí, quản lý phí; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất cơ sở thải nước thải công nghiệp.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành phân loại đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi theo quy định; Thẩm định tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ra thông báo số phí phải nộp, quản lý thu, nộp phí bảo vệ môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số liệu thu phí bảo vệ môi trường báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3 năm sau.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp số liệu về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại địa phương, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/5 năm sau. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung về mức thu, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (nếu có) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với quy định pháp luật về chất thải rắn, Bộ Tài chính cũng dẫn chứng Phụ luc 2 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí đã quy định phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí vệ sinh (bao gồm cả rác thải sinh hoạt) chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ

Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, tổ chức chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng mức thu phí vệ sinh cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và quy định khác của pháp luật có liên quan tại địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị với Ủy ban nhân dân và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh về hoạt động kiểm, giám sát hoạt động xả thải và thu phí, giá dịch vụ xả thải của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.