Kiện lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông “bó tay”
(Tài chính) Tuy quy định hiện hành cho phép cổ đông khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc doanh nghiệp, nhưng các chuyên gia cho rằng, do quy định này chỉ tồn tại... trên giấy, nên chưa giúp cổ đông bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nghị định 102/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, lần đầu tiên cho phép “con kiến” kiện “củ khoai” khi quy định: cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) khi các chức danh này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc Nghị quyết của đại hội cổ đông…
Quy định tưởng như rất tiến bộ trên, nhưng sau hơn 3 năm triển khai, theo đánh giá của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan hoạch định chính sách, là chỉ tồn tại trên giấy, do không có tính khả thi. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định hiện hành trao quyền cho cổ đông theo kiểu nửa vời.
TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty cổ phần Cửa sổ Châu Âu (Eurowindow Holding) nhìn nhận, việc trao quyền khởi kiện cho cổ đông theo kiểu gián tiếp thông qua Ban kiểm soát đang khiến cho quy định hiện hành không có tính khả thi. Mặt khác, các trường hợp (hay các căn cứ) mà thành viên, cổ đông có quyền khởi kiện như quy định tại Điều 19 và Điều 25 của Nghị định 102/2010 là quá rộng, dễ gây khiếu kiện tràn lan.
“Quy định hiện hành chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên thực hiện quyền khởi kiện người quản lý doanh nghiệp khi vi phạm bổn phận của họ. Lý do là bởi trình tự, thủ tục khởi kiện còn phức tạp, khi quy định Ban kiểm soát không khởi kiện theo yêu cầu, thì cổ đông mới được trực tiếp khởi kiện...”, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đồng thời là Tổ phó Tổ biên tập Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhìn nhận và phân tích thêm, một lý do khác khiến cơ chế khởi kiện chưa phát huy hiệu quả trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông là thủ tục theo đuổi vụ kiện dân sự rườm rà, kéo dài với nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn phức tạp; chi phí khởi kiện tính cho bên khởi kiện, kể cả trường hợp khởi kiện nhân danh công ty.
Cách nào khắc phục?
Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình đang xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2005 sửa đổi, cần bổ sung quy định về quyền khởi kiện của cổ đông đối với người quản lý doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định 102/2010.
“Cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ cần được hoàn thiện theo hướng bổ sung nội dung đang được quy định tại khoản 1, Điều 25 Nghị định 102/2010 về quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi…”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đề xuất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp lưu ý hai điểm. Theo đó, cùng với trao quyền khởi kiện trực tiếp cho cổ đông, cần khắc phục bất cập của cơ chế khởi kiện quy định tại Nghị định 102/2010 là các căn cứ khởi kiện quá rộng, dễ gây khiếu kiện tràn lan theo hướng: chỉ những vi phạm của người quản lý doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp, thì thành viên, cổ đông mới có quyền khởi kiện. Đối với các vi phạm của người quản lý doanh nghiệp, mà không gây thiệt hại về vật chất, thì chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính, như tiến hành kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức…
Theo ông Khánh, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng cần bổ sung quy định về quyền của cổ đông được khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do thành viên HĐQT giao kết, thực hiện vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 120 của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, khi HĐQT có hành vi vi phạm trong quá trình chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất, hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, thì cổ đông có quyền khởi kiện, để bảo vệ quyền lợi của họ, cũng như doanh nghiệp…
Tuy nhiên, cũng tương tự như trên, để tránh tình trạng khiếu kiện tràn lan, tác động xấu đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần bổ sung quy định theo hướng: đối với các giao dịch nêu trên, Tòa án có quyền từ chối giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu nếu có căn cứ cho rằng, các giao dịch đó không gây thiệt hại về vật chất, hoặc không gây các hậu quả bất lợi khác cho doanh nghiệp...
Đại diện thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Hiếu cho hay, Ban soạn thảo đang có những bước tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, để hoàn chỉnh dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp đầu năm nay và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2014.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến này, việc khắc phục bất cập của cơ chế khởi kiện hiện hành đang được xem xét theo hướng: bổ sung các quy định để cổ đông thực hiện hiệu quả hơn quyền của mình. Trong đó, quy định cụ thể nghĩa vụ của công ty, người quản lý doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu trong trường hợp cổ đông khởi kiện người quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định mới đang xem xét cho phép cổ đông khởi kiện trực tiếp Ban lãnh đạo doanh nghiệp, mà không cần phải thông qua Ban kiểm soát như quy định hiện hành...