Kiểm toán Nhà nước:
Kiến nghị thu hồi hàng chục tỷ đồng từ các Quỹ Tài chính ngoài ngân sách của Yên Bái
Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020-2022 tại Yên Bái, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện thị, thành phố rà soát, đôn đốc và thu Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các trường hợp còn nợ, thu chưa đúng, chưa đủ số tiền 17,454 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn của Quỹ Phát triển đất đối với 14 dự án ứng vốn nợ quá hạn tại khối huyện là 36,083 tỷ đồng…
Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020-2022 tại Yên Bái, KTNN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện thị, thành phố rà soát, đôn đốc và thu Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các trường hợp còn nợ, thu chưa đúng, chưa đủ số tiền 17,454 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn của Quỹ Phát triển đất đối với 14 dự án ứng vốn nợ quá hạn tại khối huyện là 36,083 tỷ đồng…
Quy chế quản lý tài chính chưa đúng thẩm quyền, còn tồn đọng nợ phải thu nhiều qua các năm
Theo kết quả kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Yên Bái mà KTNN vừa công bố, Yên Bái có 16 Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách (Quỹ TCNNS) được thành lập theo các quy định của pháp luật về mục tiêu, phạm vi và lĩnh vực hoạt động của quỹ.
Các Quỹ TCNNS đã xây dựng điều lệ, quy chế quản lý tài chính sử dụng quỹ và đều có Ban quản lý hoặc ban điều hành được thành lập ở các cấp; công tác quản lý nghiệp vụ quỹ được tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn trực tiếp tham gia; cơ chế huy động nguồn lực của các Quỹ TCNNS đã được UBND tỉnh Yên Bái xây dựng ban hành theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các Quỹ TCNNS trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với các cơ quan trực tiếp quản lý quỹ, cơ quan cấp trên và gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính theo quy định. UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm của Quỹ TCNNS; các cơ quan theo chức năng được phân công đã phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát Quỹ TCNNS; các Hội đồng quản lý quỹ cơ bản đã thực hiện theo chức năng được giao trong đôn đốc, quyết toán quỹ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Quỹ TCNNS còn một số hạn chế như: UBND tỉnh Yên Bái khi ban hành quyết định thành lập Quỹ Phát triển đất chưa phê duyệt mức vốn điều lệ cho Quỹ; tại quyết định ban hành quy chế quản lý tài chính Quỹ Bảo vệ môi trường có nội dung “Thu lãi từ hoạt động mua, bán trái phiếu” quy định trong nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ có thể rủi ro cho nguồn vốn hoạt động của Quỹ khi mua trái phiếu của các doanh nghiệp; Quỹ Hỗ trợ nông dân còn ban hành Quy chế quản lý tài chính chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân 11 tỷ đồng; Quỹ Phát triển Hợp tác xã 9,04 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện trình tự thủ tục bằng hình thức đầu tư công theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13; bổ sung kinh phí hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường gần 34,666 tỷ đồng và Quỹ Phát triển đất gần 41,186 tỷ đồng chưa đúng với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật NSNN năm 2015.
Việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân 11 tỷ đồng; Quỹ Phát triển Hợp tác xã 9,04 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện trình tự thủ tục bằng hình thức đầu tư công theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13; bổ sung kinh phí hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường gần 34,666 tỷ đồng và Quỹ Phát triển đất gần 41,186 tỷ đồng chưa đúng với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật NSNN năm 2015.
Chưa kể, một số Quỹ có nguồn thu nhiệm vụ chi giống nhau như Quỹ Cứu trợ khẩn cấp, Quỹ Nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái quản lý, Quỹ Cứu trợ tỉnh (do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái quản lý) có nguồn thu đều từ huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ, nhiệm vụ chi đều hỗ trợ, cứu trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi… dẫn đến phân tán nguồn thu và quá trình chi hỗ trợ có thể bị trùng đối tượng; Quỹ Bảo lãnh tín dụng giai đoạn năm 2020-2022 không phát sinh doanh số bảo lãnh, nợ quá hạn của các hợp đồng bảo lãnh không có khả năng thu hồi có thể sẽ phải trả nợ thay đến 30/4/2023 là hơn 22,76 tỷ đồng.
Đối với Quỹ Phòng, chống thiên tai: Còn để tồn đọng nợ phải thu nhiều qua các năm, tập trung chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và huyện (Tổng số nợ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đến 31/12/2022 là hơn 17,358 tỷ đồng); Quỹ chưa thực hiện việc mở sổ sách kế toán, sổ chi tiết theo dõi, lập các biểu mẫu quyết toán theo quy định tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, chế độ kế toán áp dụng cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Với Quỹ Hỗ trợ nông dân: Quá trình hỗ trợ cho vay còn tồn đọng nợ quá hạn nguồn vốn tỉnh 40,5 triệu đồng (hình thành từ trước khi thành lập Quỹ), nguồn vốn ủy thác phải thu hồi từ tháng 03/2014 Quỹ đã khởi kiện ra Tòa án huyện Văn Chấn và có văn bản đề nghị Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương xử lý nhưng chưa thu hồi được số tiền 441 triệu đồng.
Còn với Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Quá trình hỗ trợ các hợp tác xã còn trường hợp tài sản thế chấp là tài sản sau đầu tư (chủ yếu là phương tiện vận tải) chưa được sang tên hợp tác xã vay vốn là chưa phù hợp tại Điều 52 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.
Về Quỹ Phát triển đất: Các dự án ứng vốn giai đoạn 2020-2022 đều đã hoàn trả nhưng hầu hết đều không đúng thời hạn trả theo quyết định cho ứng vốn.
Đối với Quỹ Bảo vệ môi trường: Còn trích Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi vượt quá 03 tháng tiền lương tiền công, thu nhập tăng thêm của quỹ số tiền gần 2,843 tỷ đồng, chưa đảm bảo theo Điều 15 Quyết định 3260/QĐ -UBND ngày 31/12/2015 và Điều 16 Quyết định 1176/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Yên Bái; quá trình hoạt động Quỹ chưa trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định tại Quy chế quản lý Quỹ ban hành kèm Quyết định số 1176/QĐ-UBND nêu trên.
Nhiều chính sách về đất đai, phòng chống thiên tai không còn phù hợp
Đáng chú ý, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 về việc ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất, tuy nhiên căn cứ để ban hành Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg là Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002, Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đến nay đã được bãi bỏ, thay thế. Do vậy, quy định về nguồn vốn hoạt động của Quỹ tại khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg, trong đó việc cấp nguồn vốn hoạt động cho Quỹ từ nguồn vốn Nhà nước cấp không còn phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật NSNN.
Thêm vào đó, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai quy định: Quỹ Phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Điều 5, Điều 11 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ quy định việc cán bộ, công chức của cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai thực hiện kiêm nhiệm chức danh tại Hội đồng quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai là chưa phù hợp với quy định của Điều 20 Luật Cán bộ, công chức: “Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh” và điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định công chức không được làm: “Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Ngoài ra, việc quy định Quỹ Phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có sự khác biệt với mô hình hoạt động là đơn vị sự nghiệp công lập của một số Quỹ TCNNS khác được quy định tại các Luật có liên quan như Quỹ Bảo vệ môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quỹ Phát triển đất tại Luật Đất đai năm 2013….
Bổ sung vốn điều lệ, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị UBND tỉnh Yên Bái báo cáo HĐND tỉnh về việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân vượt quá vốn điều lệ đã quy định với số hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2022 là 11 tỷ đồng; phê duyệt mức vốn điều lệ cấp cho Quỹ Phát triển đất theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo UBND các huyện thị, thành phố thực hiện rà soát lập danh sách, đôn đốc và thu Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các trường hợp còn nợ, thu chưa đúng, chưa đủ số tiền 17,454 tỷ đồng; xem xét, sửa đổi Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường; tại các quyết định ứng vốn cần quy định thời gian thu hồi vốn hợp lý để các tổ chức được ứng vốn có đủ thời gian thực hiện.
KTNN kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo UBND các huyện thị, thành phố thực hiện rà soát lập danh sách, đôn đốc và thu Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các trường hợp còn nợ, thu chưa đúng, chưa đủ số tiền 17,454 tỷ đồng; xem xét, sửa đổi Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường...
KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xử lý đối với việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã số tiền 9,04 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân số tiền 11 tỷ đồng bảo đảm đúng Luật Đầu tư công; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân chia số thu tiền sử dụng đất, tiền thu phí môi trường cấp tỉnh hàng năm theo quy định của Nghị quyết về tỷ lệ điều tiết năm đầu thời kỳ ổn định và phù hợp với quy định Luật NSNN; có hướng dẫn để các Quỹ khi lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan tài chính thẩm tra phải có đủ thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Quỹ.
Với Quỹ Phát triển đất: Đôn đốc thu hồi nợ quá hạn các dự án ứng vốn nợ quá hạn tại khối huyện là 36,083 tỷ đồng với 14 dự án.
Còn với Quỹ Bảo vệ môi trường: Trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định; xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động lãi tiền gửi từ nguồn quỹ nhàn rỗi của đơn vị tại các ngân hàng thương mại để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; trích lập các quỹ theo đúng chế độ quy định.
Đôn đốc và có biện pháp thu hồi nợ quá hạn chưa thu hồi của Quỹ Hỗ trợ nông dân số tiền 481 triệu đồng (vốn ủy thác 441,5 triệu đồng, vốn tỉnh 40 triệu đồng)
Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân: Bãi bỏ Quyết định số 148-QĐ/HNDT ngày 20/11/2019 của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Yên Bái về Ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân; rút kinh nghiệm trong việc ban hành Quy chế quản lý tài chính chưa đúng thẩm quyền. Đôn đốc và có biện pháp thu hồi nợ quá hạn chưa thu hồi 481 triệu đồng (vốn ủy thác 441,5 triệu đồng, vốn tỉnh 40 triệu đồng).
Về Quỹ Bảo lãnh tín dụng: UBND tỉnh Yên Bái có giải pháp xử lý sớm và đúng theo quy định của pháp luật đối với các hạn chế tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Sửa đổi các cơ chế, chính sách không còn phù hợp
Đáng chú ý, KTNN đã kiến nghị HĐND tỉnh Yên Bái sửa đổi quy định ngân sách cấp tỉnh được hưởng 20% (để bổ sung cho Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh); 30% nguồn thu tiền thuê đất hàng năm cho Quỹ Phát triển đất tại Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 23/12/2016 thời kỳ ổn định ngân sách (2017-2020); Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 thời kỳ ổn định (2022-2025) về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương của thời kỳ ổn định ngân sách.
KTNN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chính phủ sửa đổi quy định về mô hình hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tại khoản 4 Điều 3, quy định về bộ máy của Quỹ tại Trung ương và cấp tỉnh tại Điều 5, Điều 11Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ, tránh tình trạng các công chức kiêm nhiệm sẽ không phù hợp với quy định Luật Cán bộ, công chức và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đối với Bộ Tài chính, KTNN kiến nghị Bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển đất do đến nay các văn bản làm căn cứ ban hành Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg này đã được bãi bỏ./.