Tỉnh Đắk Nông:

Kiên quyết xử lý tình trạng thuê đất để... “chơi”

Theo Nguyễn Lương/Đắk Nông

Hơn 19 năm đi vào hoạt động, Khu Công nghiệp (KCN) Tâm Thắng (Cư Jút) vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ che phủ tại KCN không đạt, các doanh nghiệp ở đây hoạt động kém hiệu quả, đóng góp vào ngân sách còn hạn chế.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Thái An, KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Ảnh: Nguyễn Lương
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Thái An, KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Ảnh: Nguyễn Lương

Những trở ngại từ thực tế

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 28/10/2002. Tổng diện tích được phê duyệt là 179 ha, vốn đầu tư 230 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2021, KCN mới có 44 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 120 ha. Trong đó, có 33 doanh nghiệp đang hoạt động, 7 dự án đang xây dựng cơ bản, 3 dự án đăng ký đầu tư, 1 dự án sang nhượng nhưng chưa triển khai xây dựng.

Sau nhiều năm đi vào vận hành, KCN chỉ thu được hơn 66 tỷ đồng từ hoạt động cho thuê đất. Số nộp ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp hoạt động trong KCN rất hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến KCN hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, quyền hạn, nhiệm vụ về thực hiện quy trình đầu tư của chủ đầu tư cơ sở hạ tầng còn bất cập là nguyên nhân chính.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng, nhiệm vụ kêu gọi, thu hút đầu tư, thỏa thuận vị trí, ký kết hợp đồng là nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, về phía Ban Quản lý các KCN tỉnh ban hành quy định quy trình đầu tư vào KCN là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ này của đơn vị.

Do đó, lâu nay nhà đầu tư đến tìm hiểu quy hoạch tại KCN, xem vị trí, giá thuê đất… rồi ra về. Trường hợp muốn thuê và cam kết đầu tư, doanh nghiệp tự liên hệ với Ban Quản lý các KCN, không thông qua Công ty.

Vì vậy, Công ty không biết được khi nào nhà đầu tư liên hệ với Ban quản lý để được chấp nhận vị trí, thửa đất, diện tích thuê. Trong trường hợp có nhà đầu tư khác đến tìm hiểu, một lần nữa Công ty lại bị động trong việc hướng dẫn, giới thiệu.

Song song với bất cập trong thẩm quyền cấp quy trình đầu tư, việc thu tiền đặt cọc tại KCN cũng còn những hạn chế. Nhiều năm qua, một số nhà đầu tư mặc dù đã cam kết nhưng không thực hiện đúng tiến độ.

Công ty biết rõ ràng nhưng do không có chế tài, nghĩa vụ nên khó khăn trong việc thu hồi dự án. Điều này gây trở ngại trong việc tạo mặt bằng sạch để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khác.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, công tác thu nợ, phương án tự chủ theo giai đoạn của công ty mang tính khả thi không cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến hoạt động KCN kém hiệu quả.

Xử lý đơn vị hoạt động không hiệu quả

Vai trò quan trọng của KCN là làm tăng giá trị thặng dư, đóng nộp ngân sách Nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xét về các yếu tố này, KCN Tâm Thắng thực sự chưa làm được. Để thoát khỏi tình trạng này, cần những cách làm mới, linh hoạt và chủ động hơn.

Ông Dương Xuân Thành - Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: “Vài năm trở lại đây, KCN mới có nhiều nhà đầu tư vào đặt vấn đề. Còn hầu như trước đó, không có nhà đầu tư nào dòm ngó. Vì ít nhà đầu tư nên KCN không có sự lựa chọn nhà đầu tư hiệu quả”.

Theo ông Thành, để KCN hoạt động hiệu quả hơn, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Một số đơn vị chưa làm hết mục tiêu cam kết, cơ quan quản lý đôn đốc đẩy nhanh việc hoàn thành các mục tiêu. Các sở, ban ngành hỗ trợ để KCN hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là một số tuyến đường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi vào hoạt động.

Cùng chung quan điểm, ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần cương quyết thu hồi những dự án thuê đất nhưng hoạt động không hiệu quả.

Quan trọng nữa, khi thu hút các nhà đầu tư vào KCN, đơn vị quản lý tìm hiểu và ưu tiên những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn với đặc thù các sản phẩm của tỉnh. Tránh tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động với mô hình sản xuất không phù hợp.

Tại buổi làm việc với KCN Tâm Thắng mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, KCN hoạt động không hiệu quả không những không phát huy được vai trò của KCN, mà còn lãng phí tài sản của Nhà nước.

“Sắp tới đây, những doanh nghiệp nào thuê đất giữ chỗ để “chơi”, không hoạt động hiệu quả sẽ kiên quyết thu hồi quyết định đầu tư ngay”, Chủ tịch Hồ Văn Mười khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, quỹ đất càng ngày càng hiếm. Sau dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cơ hội phục hồi kinh tế rất tốt. Do vậy, đơn vị quản lý phải chọn lựa nhà đầu tư có thực lực.

Các đơn vị liên quan phải tìm hiểu kỹ lĩnh vực đầu tư, hiệu suất kinh tế, sử dụng nhân công, vấn đề xử lý môi trường của doanh nghiệp. Đối với những nhà đầu tư đủ tiềm lực, làm ăn chân chính, UBND tỉnh cho đơn vị quản lý chủ động đề xuất giảm cơ chế để cam kết đầu tư bền vững.