Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP).
Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề xuất mô hình quản lý ATTP, xây dựng hệ thống thông tin hỏi đáp phục vụ người dân, cung cấp thông tin, phản ánh về ATTP và có các giải pháp để giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn.
Với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP được phân công tổ chức chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý, bảo đảm ATTP theo Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thống nhất mô hình quản lý ATTP phù hợp với tình hình hiện nay và đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về ATTP các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Để thực hiện tốt công tác quản lý ATTP, Bộ Tài chính cần bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý theo dự toán và có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để phục vụ quản lý nhà nước về ATTP, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm ATTP.
Ngoài ra, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật còn UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân cấp quản lý, hướng dẫn công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác ATTP theo hình thức kiêm nhiệm.