Kinh doanh trung thực!
Sự kiện ông chủ của thương hiệu Khaisilk gian dối được xem như tiếng chuông cảnh báo về đạo đức kinh doanh! Bao năm đánh bóng tên tuổi, luôn rao giảng về đạo đức kinh doanh, bộ mặt thật của “ông hoàng tơ lụa” đã bị lật tẩy: Dùng hàng Trung Quốc đột lốt thương hiệu Việt, lừa người tiêu dùng.
Hội nhập sâu với kinh tế thế giới, cạnh tranh trên thương trường ngày càng rát bỏng. Nếu doanh nghiệp không muốn bị bỏ lại phía sau, bị loại khỏi cuộc chơi thì nên ý thức rằng trung thực vẫn phải đặt lên hàng đầu. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bản thân các doanh nghiệp phải quyết liệt tuyên chiến với trò chiêu giả dối. Uy tín, chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm là vấn đề không thể xem nhẹ.
Bấy lâu nay, thị trường hàng hóa như bị bủa vây trong ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ gói tăm, đôi đũa, hàng may mặc... cho đến mỹ phẩm, tân dược, đồ điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy… muôn hình, muôn vẻ làm hoa mắt người tiêu dùng.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đang rất quyết liệt. Nhưng nói thẳng các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý đến nơi, đến chốn. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có sự tiếp tay của đạo quân chống hàng giả, hàng lậu không? Có chuyện bảo kê cho hàng lậu, hàng giả không? Rõ ràng là có.
Cạnh tranh là tất yếu! Nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, chứ không thể khoác những thương hiệu thật nổi danh lên nhưng sản phẩm giả tinh vi.
Xây dựng thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì, biết chăm chút cho sản phẩm của mình từ chất lượng bên trong đến bao bì bên ngoài. Bên cạnh những doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng uy tín bằng chính chất lượng sản phẩm, thì vẫn còn những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kiểu chụp giật. Những lô hàng thủy sản, trái cây xuất đi các nước bị trả về vì hóa chất, kháng sinh dư thừa. Nhiều lô hàng thủy sản không rõ nguồn gốc bị đối tác “tuýt còi”!
Các doanh nghiệp không thể loay hoay, giằng co mãi giữa kiểu làm ăn chụp giật với tâm thế kinh doanh đĩnh đạc, đàng hoàng. Trung thực, công khai, minh bạch từ xuất xứ nguyên liệu đầu vào cho đến tuân thủ cam kết với đối tác trong hợp đồng xuất khẩu là việc dứt khoát phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Đã đến lúc phải đưa cung cách sản xuất kinh doanh bát nháo về dĩ vãng, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà. Người tiêu dùng trong nước giờ đã tỉnh táo hơn. Doanh nhân cho dù danh tiếng đến đâu mà vì lợi nhuận sẵn sàng bán rẻ chữ tín thì tìm đâu ra “đất sống” ? Cách sản xuất, kinh doanh trí trá, cố tình nhái các thương hiệu nổi danh trước sau cũng không có chỗ đứng trong mắt người tiêu dùng!