Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia
Để mở đường cho kinh tế ban đêm tại Việt Nam phát triển, việc nghiên cứu thực trạng, chính sách phát triển hoạt động kinh tế ban đêm tại một số quốc gia là hết sức cần thiết. Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới, phải kể đến những mô hình phát triển rất thú vị và sáng tạo như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan hay Trung Quốc…
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển và chính sách quản lý kinh tế ban đêm tại một số quốc gia bài viết rút ra những kinh nghiệm có thể nghiên cứu áp dụng vào bối cảnh thực tiễn phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam hiện nay.
Nhận diện về tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm
Khái niệm nền kinh tế ban đêm (Night-time economy) hay ý tưởng về thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại Thủ đô Roma (Italia) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ (Bianchini, 1995).
Vào những năm 1990, một số thành phố lớn ở Vương quốc Anh như London, Manchester đã không coi ban đêm là không gian tiêu cực (tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn, tội phạm, bạo lực đường phố) và chuyển hướng sang việc bắt đầu ước tính giá trị của nền kinh tế ban đêm.
Phần lớn các quốc gia có chung quan điểm, coi kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế, mà tập trung phát triển các hoạt động dịch vụ diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06h sáng hôm sau, cụ thể như: dịch vụ văn hoá, vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình. Thông thường, kinh tế ban đêm được chia thành “kinh tế buổi tối” (từ 06h tối hôm trước đến 0h sáng hôm sau) và “kinh tế đêm muộn” (từ 0h sáng đến 06h sáng).
Ngày nay, kinh tế ban đêm không chỉ đơn thuần là các hoạt động dịch vụ phục vụ tầng lớp thanh niên ở khu vực đô thị. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ mở rộng giờ hoạt động của mình vào buổi tối, kinh tế ban đêm đã thu hút được nhiều độ tuổi hơn và ngày càng trở nên toàn diện hơn thông qua việc phục vụ nhiều nhóm nhóm đối tượng nhân khẩu học khác nhau.
Hầu hết các thành phố “toàn cầu” hiện nay trên thế giới đang tích cực đánh giá những lợi ích từ việc hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế ban đêm. Một nền kinh tế ban đêm phát triển mạnh mẽ bao hàm các hoạt động sôi động từ quán bar, nhà hàng, lễ hội âm nhạc, nhà hát, biểu diễn văn nghệ, rạp chiếu phim, câu lạc bộ đêm và sự kiện thể thao, các hoạt động thu hút đông đảo du khách và doanh nhân, tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các thành phố, quốc gia.
Dựa trên số liệu từ Google Trends (hình 2), có thể thấy rằng mức độ quan tâm đối với người dùng Internet toàn cầu đối với từ khoá “night-time economy” ngày càng tăng cao và có cường độ mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu từ tháng 3/2020 (đã khiến các hoạt động kinh tế ban đêm phải đình trệ tại các quốc gia phát triển khắp khu vực châu Âu và Bắc Mỹ). Trong một năm trở lại đậy, “night-time economy” đã được tra cứu thường xuyên nhất tại lần lượt Vương quốc Anh, Australia và Hoa Kỳ.
Tương tự, tại Việt Nam, trong một năm trở lại đây, từ khóa “kinh tế ban đêm” ngày càng được quan tâm mạnh mẽ, nhất là từ tháng 7/2020 kéo dài đến cuối năm 2020 (Hình 2), khi ngày 27/07/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát triển hoạt động kinh tế ban đêm
Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới, phải kể đến những mô hình phát triển rất thú vị và sáng tạo như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan hay Trung Quốc…
Theo tính toán, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường kinh tế ban đêm tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dụng số. Các dịch vụ điện tử, truyền thông đã giúp kết nối khu vực kinh tế đêm truyền thống (giao thương trực tiếp) và khu vực kinh tế đêm trực tuyến (giao thương gián tiếp) tại nước này.
Loại hình kinh tế này đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm tại Vương quốc Anh; 1,1 triệu việc làm tại Australia; 3,5 triệu việc làm tại Pháp; 300.000 việc làm tại New York (Hoa Kỳ). Theo báo cáo của Tổ chức London First và E&Y (2018), cơ cấu việc làm trong nền kinh tế 24 giờ tại London tương đối phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, phong phú và đa dạng. Cụ thể, không chỉ riêng công việc phục vụ nhà hàng, quầy bar thu hút lượng lớn người lao động, mà hàng loạt công việc khác cũng cho thấy mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu lao động, chẳng hạn như: Công việc kỹ sư, nhân viên bảo vệ, y tá, lao động dọn vệ sinh, tài xế taxi, chuyên gia hỗ trợ công nghệ - thông tin, nghệ sỹ biểu diễn… (Bảng 2).
Nhìn chung, hoạt động kinh tế diễn ra vào buổi tối tại London đã hỗ trợ rất tốt thị trường việc làm, tạo ra một hệ sinh thái việc làm có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tổng thể các hoạt động kinh tế ban đêm tại Thành phố này. Các hoạt động kinh tế ban đêm đem lại doanh thu cao tại các quốc gia chủ yếu hướng tới các lĩnh vực du lịch, văn hoá, cụ thể đó là dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, nghệ thuật, sân khấu kịch, thăm quan bảo tàng, nghỉ dưỡng khách sạn.
Điển hình như: Thái Lan đã phát triển rất tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc, câu lạc bộ đêm, thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tới nghỉ dưỡng và chi tiêu. Năm 2017, theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Thái Lan là điểm đến mà khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều thứ 4 thế giới, sau Hoa Kỳ, Pháp và Tây Ban Nha, với tổng mức chi tiêu đạt khoảng 57 tỷ USD.
Còn tại thị trường Trung Quốc, hoạt động kinh tế ban đêm còn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh của các hoạt động trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển vượt bậc tại đất nước này. Các hoạt động trực tuyến ban đêm tại Trung Quốc vô cùng đa dạng, từ xem phim, nghe nhạc, đọc truyện trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi điện tử, hàng loạt chương trình khuyến mại mua sắm buổi tối…
Theo báo cáo của Alibaba (tháng 7/2019), hoạt động mua sắm trên trang thương mại điện tử Taobao hàng tối của người dùng internet đã đóng góp hơn 36% tổng giá trị chi tiêu cả ngày thực hiện trên trang web này. Chuỗi cung ứng thông minh dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đã thực sự giúp tạo ra những điểm khác biệt mới của hoạt động kinh tế ban đêm tại Trung Quốc so với các quốc gia khác trên thế giới…
Tiềm năng doanh thu lớn kinh tế ban đêm tại một số nước
Bảng 1 cho thấy, nhiều quốc gia đã đo lường được mức độ đóng góp, tiềm năng phát triển của kinh tế ban đêm vào giá trị GDP quốc gia. Điển hình như: Vương quốc Anh, kinh tế ban đêm có doanh thu trung bình hàng năm đạt khoảng 66 tỷ Bảng, đóng góp khoảng 6% GDP vào nền kinh tế của nước này.
Riêng tại London, quy mô hoạt động kinh tế ban đêm có thể đạt mức tăng trưởng 2 tỷ Bảng (từ 2017 - 2026). Các thành phố tập trung đông dân cư tại Hoa Kỳ như San Francisco hay New York có thể thu về doanh thu lần lượt khoảng 6 tỷ USD và 10 tỷ USD từ các hoạt động dịch vụ buổi tối.
Với doanh thu gần 134 tỷ USD vào năm 2018, các hoạt động kinh tế ban đêm đóng góp khoảng 4% GDP của Australia. Còn đối với các nước tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, quy mô thị trường kinh tế ban đêm có doanh thu lần lượt đạt khoảng 3,7 tỷ USD và 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây là con số ước tính.
Chính sách quản lý kinh tế ban đêm ở các quốc gia thể hiện sự linh hoạt và đa dạng, không tuân theo một khung chính sách khuôn mẫu nhằm phát triển kinh tế ban đêm. Cụ thể:
Thứ nhất, về mô hình tổ chức bộ máy quản lý, phần lớn các quốc gia phát triển kinh tế ban đêm đã phân quyền việc quản lý hoạt động kinh tế này tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận). Thực hiện chủ trương này, chính quyền các địa phương có thể bổ nhiệm chức vụ chủ chốt quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm. Đó có thể là một cá nhân chuyên trách như “Thị trưởng ban đêm” tại Vương quốc Anh, Australia hay một hội đồng gồm nhiều thành phần tham gia nền kinh tế ban đêm như Pháp, Trung Quốc. Chức vụ quản lý này hoàn toàn tách biệt với chức vụ quản lý chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh tế ban ngày. Về cơ bản, mô hình tổ chức bộ máy quản lý tại các quốc gia này có sự tham gia, tham vấn mật thiết từ cộng đồng địa phương (từ cơ sở cung ứng dịch vụ, hiệp hội cư dân, nhà quản lý, lực lượng đảm bảo an ninh).
Thứ hai, về chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, các thành phố trên thế giới khai thác kinh tế ban đêm đều chú trọng mở rộng, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, tăng thời gian phục vụ trong đêm của dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện suốt đêm, bus đêm, dịch vụ dùng chung xe đạp công cộng.
Tại Trung Quốc, Vương quốc Anh hay Pháp, các tuyến tàu điện ngầm đi qua các khu vực thương mại sầm uất vào ban đêm được kéo dài thời gian hoạt động nhằm phục vụ cả khách hàng và người lao động cung ứng dịch vụ. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, thiết bị chiếu sáng công cộng, wifi công cộng, dịch vụ 5G cũng được các quốc gia này chú trọng đầu tư tại các khu vực du lịch, thương mại lớn.
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ tài chính, Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai chương trình trợ cấp cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ban đêm, hay quảng bá các hoạt động du lịch về đêm. Các hộ kinh doanh tại Bắc Kinh có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD để thúc đẩy hoạt động kinh doanh vào buổi tối. Hình thức hỗ trợ tài chính này tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Australia tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh ban đêm bị tác động từ việc giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thứ tư, về chính sách triển khai, quản lý, cấp phép, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thể thao, giải trí được khuyến khích kéo dài thời gian mở cửa vào ban đêm. Các cơ sở kinh doanh rượu cũng được cấp phép mở cửa muộn tới sáng tại nhiều quốc gia (Vương quốc Anh, Hoa Kỳ). Hoạt động kinh tế ban đêm được áp dụng thí điểm tại một số khu vực quy hoạch nếu có hiệu quả sẽ được nhân rộng mô hình.
Thứ năm, về chính sách tăng cường nguồn nhân lực, các quốc gia phát triển trên thế giới đều có sự chuẩn bị trong dài hạn về chất lượng môi trường làm việc ban đêm cũng như các kỹ năng, khả năng của người lao động khi tham gia nền kinh tế đặc thù này.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển và chính sách quản lý kinh tế ban đêm tại một số quốc gia như: Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, có thể rút ra kinh nghiệm Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng vào bối cảnh thực tiễn phát triển kinh tế ban đêm hiện nay như sau:
Kinh tế ban đêm đã đóng góp nổi trội vào GDP, ngân sách quốc gia tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Các chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm cần chú trọng tới nhu cầu trải nghiệm an toàn của người dân, khách du lịch đối với các hoạt động dịch vụ ban đêm; đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, tôn trọng không gian sống. Dữ liệu về kinh tế ban đêm cần được thống kê minh bạch, phục vụ công tác tính quy mô và cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế.
Địa phương các cấp cần được phân quyền rõ ràng và khuyến khích triển khai các công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm mang tính đặc thù, phát huy sáng tạo, gìn giữ bản sắc của địa phương.
Cần đồng bộ hoá và quy hoạch trong tầm nhìn dài hạn các chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm tại địa phương thông qua nhóm chính sách tăng cường hệ thống giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình quản lý, chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách triển khai, quản lý, cấp phép và chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Các địa phương nên đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị những điều kiện phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ văn hoá, giải trí vào ban đêm trên địa bàn. Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế ban đêm cần kết hợp linh hoạt, sáng tạo cùng các chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, công nghệ 4.0 và kinh tế chia sẻ.
Mô hình quản lý kinh tế ban đêm theo xu hướng thành lập Hội đồng quản lý hoặc bổ nhiệm chức vụ Thị trưởng ban đêm cần được thúc đẩy tại các địa phương. Cơ quan này cần phối hợp, kết nối tốt với tất cả các ban, ngành, thành phố trong các lĩnh vực quy hoạch, cải tạo, du lịch và văn hoá, môi trường, an ninh, dịch vụ y tế, từ đó tạo ra những giá trị thiết thực với cộng đồng thông qua hoạt động kinh tế đêm.
Quản lý kinh tế ban đêm cần được quy hoạch phát triển thí điểm tại một số khu vực nhất định để đánh giá tính khả thi, hiệu quả, tác động kinh tế - xã hội trước khi phát triển đại trà trên cả nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khu vực như Thái Lan, Singapore trong việc thu hút khách du lịch quốc tế tới lưu trú và chi tiêu, các nhà hoạch định chính sách tại địa phương cần có kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm một cách rõ ràng, áp dụng thí điểm từng giai đoạn và được nghiên cứu cụ thể với tầm nhìn dài hạn nhằm đảm bảo tốt nhất nền tảng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Bianchini, (1995), Night Cultures, Night Economies. Planning Practice & Research, 10(2), 121-126;
- Chatterton, , & Hollands, R. (2003), Urban Nightscapes. Routledge;
- Heath, (1997), The twenty‐four hour city concept - A review of initiatives in British cities. Journal of Urban Design, 2(2), 193-204;
- Hinz, J. (2017), The view from space: Theory-based time-varying distances in the gravity model. Kiel Working Paper, Kiel Institute for the World Economy, Kiel;
- London First & EY (2018), London’s 24 hour economy: The economic value of London’s 24 hour economy.