Đổi mới quản lý Nhà nước để kinh tế phát triển bền vững
Chiều ngày 18/2, Thường trực Chính phủ đã có buổi họp thảo luận Đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã có buổi thảo luận để thống nhất định hướng chỉ đạo hoàn thiện Đề án theo hướng rà soát kỹ các nội dung, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án, đồng thời lưu ý một số vấn đề quan trọng tác động đến yêu cầu đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế như tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ, cách mạng công nghệ 4.0.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Theo cơ quan soạn thảo Đề án (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là Đề án quan trọng, quy mô và phạm vi rất rộng, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mới của đất nước sau Đại hội Đảng XIII.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc giải phóng mọi nguồn lực phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức. Bên cạnh đó, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế và ràng buộc nhất định cho phát triển, phải đổi mới quản lý Nhà nước để kinh tế phát triển tốt, bền vững hơn.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí đưa các nội dung của Đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.