Kinh nghiệm phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế dữ liệu đã hình thành, phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Qua kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thực hiện chính sách xây dựng, phát triển các ngành kinh tế dữ liệu, bài viết đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số thông qua xây dựng những ngành công nghiệp dựa vào dữ liệu.
Giới thiệu về kinh tế dữ liệu
Trong thời đại công nghệ số với những dòng chảy dữ liệu khổng lồ từ những thiết bị thông minh và nguồn dữ liệu này ngày càng lớn dần, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Internet vạn vật (IoT) đang trở thành xu hướng dẫn đầu. Xu hướng này là cơ sở hình thành và phát triển loại hình kinh tế mới - kinh tế dữ liệu. Trong đó, dữ liệu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là tài nguyên quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh các nguồn lực: đất đai, vốn, lao động, tài nguyên khoáng sản, dữ liệu đã trở thành đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất trong các mô hình kinh tế truyền thống. Dữ liệu cung cấp nguyên liệu cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo ra những dự báo được sử dụng cho nhiều ứng dụng… Dữ liệu có đặc điểm khác biệt so với những yếu tố đầu vào truyền thống. Nếu tài nguyên, sức lao động, máy móc bị hao mòn và cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng thì ngược lại, nguồn dữ liệu không bị cạn kiệt, càng nhiều người sử dụng càng làm tăng tăng giá trị của nó. Dữ liệu riêng lẻ có thể mang ít giá trị, nhưng nó có thể nhân lên khi được tổng hợp và phân tích với các dữ liệu liên quan khác, từ đó tạo ra cạnh tranh trong quá trình đổi mới sáng tạo và hình thành tri thức.. Vì vậy, tích lũy dữ liệu càng nhiều sẽ càng tạo ra cơ hội tăng năng suất và tăng trưởng dài hạn tốt hơn. Trong những năm gần đây, những tiến bộ vượt bậc về khă năng xử lý các tập dữ liệu lớn, điện toán nhận thức, công nghệ đám mây đã mang lại cho con người khả năng khai phá dữ liệu chưa từng có, phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động của con người.
Từ những phân tích trên, khái niệm kinh tế dữ liệu được hiểu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, trong đó dữ liệu được thu thập, tổ chức và trao đổi bởi một mạng lưới các nhà cung cấp với mục đích thu được giá trị từ thông tin tích lũy. Trong nền kinh tế, ngành công nghiệp dữ liệu là ngành cơ bản làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống kinh tế, vì ngành này tạo ra tài nguyên là dữ liệu và cung cấp tài nguyên đó cho nền kinh tế.
Chính sách phát triển kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc
Từ những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách tổng thể về các chương trình thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) với những ngành công nghệ cao dựa vào dữ liệu, bắt đầu với dự án phát triển công nghệ hàng đầu G7 (1992-2002). Đây là dự án đầu tiên lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, chất bán dẫn, năng lượng hạt nhân, công nghệ vũ trụ, hải dương… Sau đó, Hàn Quốc thực hiện nhiều chương trình, điển hình như: Thúc đẩy tăng trưởng thế hệ tiếp theo (2003); Tăng trưởng mới (2009); Tăng trưởng cho tương lai (2014); Thúc đẩy tăng trưởng đổi mới (2017), nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, với ba mục tiêu: (i) Phát triển của các ngành công nghiệp chính, (ii)Tăng thị phần toàn cầu, (iii) Hỗ trợ các ngành công nghiệp mới.
Chương trình thúc đẩy tăng trưởng đổi mới được thực hiện trong nhiều lĩnh vực: Dữ liệu lớn, truyền thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo AI, xe tự lái, máy bay không người lái, thành phố thông minh, công nghệ thực tế ảo, chăm sóc sức khỏe cá nhân, robot thông minh, chất gây nghiện mới và tái tạo, chất bán dẫn thông minh và vật liệu tiên tiến. Chương trình Nền tảng sáng tạo (IPP) bao gồm các lĩnh vực trên đã đóng vai trò là nền tảng cho bốn hoạt động chính sách, ba lĩnh vực đầu tư chiến lược và tám loại hình kinh doanh dẫn đầu. Theo kế hoạch của IPP, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra 3 chiến lược chính cho các lĩnh vực đầu tư: (i) Dữ liệu lớn, blockchain và nền kinh tế chia sẻ, (ii) AI, (iii) nền kinh tế hydro.
Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược đầu tư cho dữ liệu lớn qua việc thành lập Cơ quan dữ liệu Hàn Quốc (K-DATA) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 1993). Cơ quan này được thành lập nhằm tạo ra giá trị tương lai dựa trên công nghệ dữ liệu là cốt lõi của ngành CNTT. K-DATA đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái dữ liệu, tăng cường năng lực sử dụng dữ liệu, chuẩn bị cơ sở để hỗ trợ ngành công nghiệp và mở rộng thị trường liên quan đến dữ liệu. K-DATA làm đầu mối thực hiện các chiến lược đổi mới quốc gia và nền kinh tế thông qua nhiều hoạt động và dự án hỗ trợ.
Hàn Quốc xác định, để xây dựng nền kinh tế dữ liệu thì dữ liệu mở cần được tập trung phát triển trước tiên. Các định hướng chính sách về dữ liệu mở năm 2013 nhằm thiết lập một hệ thống sử dụng dữ liệu công khai bằng cách mở dữ liệu, bắt đầu thực hiện với dữ liệu trong khu vực chính phủ. Với mục đích này, Luật Thúc đẩy cung cấp và sử dụng dữ liệu mở đã được ban hành vào năm 2013. Theo đó, Nhà nước và người đứng đầu chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện để thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dữ liệu mở hàng năm và kế hoạch này được đánh giá để xem xét kết quả thực hiện.
Cũng trong năm 2013, Hàn Quốc ban hành Chiến lược phát triển dữ liệu lớn đã cho thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong việc sử dụng dữ liệu lớn để giúp nền kinh tế cất cánh. Sau đó, Bộ Khoa học, Thông tin và Truyền thông (MSIP) đã xác định 3 khu vực chính sách tập trung là: phía cầu, phía cung và cơ sở hạ tầng; Đồng thời, đưa ra các chính sách để tăng cường sử dụng dữ liệu cho từng lĩnh vực. Điểm mấu chốt của Chiến lược bao gồm các kế hoạch cụ thể để mở rộng các dự án thí điểm hàng đầu nhằm tạo ra một thị trường dữ liệu lớn (phía cầu), các công nghệ an toàn và đội ngũ chuyên gia để cải thiện nền tảng thúc đẩy các ngành công nghiệp (phía cung) và tạo ra một hệ sinh thái cho nền kinh tế dữ liệu bền vững (cơ sở hạ tầng).
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp dữ liệu được công bố gần đây đã đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia sử dụng dữ liệu an toàn và hiệu quả nhất. Điều này tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế dữ liệu, đảm bảo phân phối và sử dụng dữ liệu thuận lợi cũng như thúc đẩy sử dụng an toàn dữ liệu cá nhân. Chiến lược này bao gồm 3 chiến lược nhánh: thay đổi mô hình của các hệ thống sử dụng dữ liệu, đổi mới chu kỳ đầu cuối của chuỗi giá trị dữ liệu và tạo lập nền tảng để thúc đẩy một ngành công nghiệp dữ liệu lớn mạnh quy mô toàn cầu.
Kết quả phát triển các ngành kinh tế dữ liệu của Hàn Quốc
Các chính sách, chương trình phát triển nền kinh tế số của Hàn Quốc dựa vào các ngành kinh tế dữ liệu đã có những thành tựu, kết quả đáng kể. Cụ thể chỉ số phát triển chính phủ điện tử Hàn Quốc liên tục xếp hạng cao trên thế giới trong những năm gần đây.
Theo số liệu khảo sát của Liên Hợp quốc đối với 190 quốc gia, được thực hiện 2 năm một lần để đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử của các quốc gia cho thấy, năm 2018, Hàn Quốc đứng thứ hạng cao, chỉ sau Đan Mạch và Australia.
Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai có hiệu quả việc xây dựng hệ thống dữ liệu và cung cấp dữ liệu chính phủ mở (OGD) và dữ liệu có thể truy cập trực tuyến. Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tính khả dụng và khả năng tiếp cận của OGD. Tính sẵn sàng của dữ liệu và khả năng truy cập dữ liệu của Hàn Quốc đạt điểm rất cao 0,7, trong khi mức trung bình của các nước OECD là gần 0,5. Đây là một thành công lớn của Hàn Quốc trong quá trình xây dựng nền kinh tế số dựa vào dữ liệu.
Để đảm bảo an toàn cho các ngành dữ liệu hoạt động và phát triển, một trong những điều kiện quan trọng là hệ thống lưu trữ và bảo mật. Năm 2017, Hàn Quốc xếp hạng cao nhất trong số các quốc gia OECD về tỷ lệ máy chủ an toàn trên tổng số máy chủ được lưu trữ. Đây là một kết quả rất đáng kể của Hàn Quốc trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp dữ liệu.
Với những chương trình chính sách được đẩy mạnh triển khai từ năm 2014 đến năm 2017, thị trường dữ liệu Hàn Quốc đã tăng 14.304,7 tỷ won vào năm 2017, tăng 4,0% so với năm 2016. Mức tăng ổn định với tốc độ hàng năm là 7,5% kể từ năm 2010, theo Báo cáo thị trường ngành công nghiệp dữ liệu do Cơ quan dữ liệu Hàn Quốc (KDA) công bố hàng năm.
Nhìn vào tỷ trọng các lĩnh vực ngành công nghiệp dữ liệu cho thấy, các giải pháp dữ liệu chiếm khoảng 10%, trong khi đó, tư vấn/xây dựng dữ liệu chiếm khoảng 40% và dịch vụ dữ liệu khoảng 47%, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dữ liệu. Xu hướng này vẫn duy trì mà không có nhiều thay đổi trong suốt giai đoạn 5 năm từ 2013-2017. Điều này cho thấy, lĩnh vực chính của ngành dữ liệu Hàn Quốc là dịch vụ dữ liệu.
Một số định hướng phát triển kinh tế dữ liệu của Việt Nam
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019", nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015; dự báo sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của cả khu vực là 33% tính từ năm 2015, kinh tế số Việt Nam tăng tỷ lệ 38% trong cùng giai đoạn và đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019. Việt Nam hiện là một trong những địa điểm đầu tư kinh tế số được ưa thích ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Singapore. Để nắm bắt tốt cơ hội này, trước hết, phải chuyển đổi để bắt kịp với Cách mạng công nghiệp 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, quyết định những chiến lược hình thành và phát triển nền kinh tế dữ liệu. Theo đó, một số định hướng cần quan tâm là:
Thứ nhất, nhận thức đúng đắn vai trò dữ liệu như tài nguyên nền tảng của nền kinh tế và quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế số và là tài nguyên cần tận dụng khai thác, chia sẻ. Dữ liệu còn được xác định là 1 trong 3 nền tảng để xây dựng chính phủ số: Người dân là trung tâm, Chính phủ là nền tảng, Dữ liệu là cốt lõi. Trong bối cảnh nền kinh tế số với vai trò quan trọng của dữ liệu, hiện có 2 thách thức lớn đang đặt ra đó là công nghệ và thể chế.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống luật, tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu (hạ tầng số) như nền móng của công trình. Để hình thành và phát triển kinh tế dữ liệu, cần xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, dịch vụ dữ liệu, hoàn thiện hành lanh pháp lý, quy định pháp luật cho các mô hình kinh doanh mới như: thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... tạo thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.
Thứ ba, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu mở. Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác được Chính phủ xác định là 1 trong 4 chính sách tạo dựng nền kinh tế số. Theo đó, Chính phủ sớm hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia để công bố thông tin về dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, minh bạch hóa dữ liệu của cơ quan nhà nước và góp phần thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu của Chính phủ để tham gia nhiều hơn vào các công việc của nhà nước, của xã hội. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu, đó là sử dụng cách tiếp cận “hệ sinh thái” đối với dữ liệu mở, xem xét môi trường cho dữ liệu mở từ cả hai phía cung và cầu.
Cùng với đó, ban hành chính sách cụ thể về quản lý, sử dụng và chia sẻ dữ liệu. Tổ chức, quản lý dữ liệu số trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số. Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu số với cơ quan nhà nước khác trong hệ thống. Hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước hiện bắt đầu được Chính phủ tập trung triển khai. Các hoạt động bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Chính phủ cần quy định về danh mục cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; yêu cầu các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ nội hàm, phạm vi.
Với bộ phận kinh tế tư nhân, dữ liệu mở là tài nguyên quan trọng, góp phần định hình giá trị, xác định mô hình kinh doanh, tìm hiểu môi trường kinh doanh, các quy định của nhà nước khi khai thác văn bản pháp luật trên cơ sở dữ liệu mở, tham gia vào thị trường hiệu quả hơn. Trong nền kinh tế cạnh tranh công bằng, cộng đồng khởi nghiệp rất cần tiếp cận những cơ sở dữ liệu thông tin mở, chính xác liên quan đến nhiều lĩnh vực sẵn có để đưa ra quyết định kinh doanh. Hiện nay, vẫn còn thiếu cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn khó khăn trong quá trình tìm kiếm dữ liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.
Xu hướng chung trong quá trình xây dựng dữ liệu mở ở nhiều quốc gia là tập trung vào hình thành những bộ dữ liệu rất quan trọng và hữu ích cho cộng đồng với tiêu chí có càng sớm, càng đầy đủ càng tốt. Đó là dữ liệu địa lý, đơn vị hành chính và chi tiết địa chỉ (ví dụ chi tiết đến tọa độ, đường phố) vì sẽ hỗ trợ cho rất nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, giao hàng hóa trong các thương mại điện tử và bưu điện, xây dựng quy hoạch, du lịch… Năm 2015, Chính phủ đã ban hành danh mục ưu tiên cơ sở dữ liệu quốc gia cần được phát triển và duy trì. Danh mục này bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, thống kê dân số, tài chính và bảo hiểm. Đến nay, hệ thống dữ liệu mở này đã được thiết lập nhưng cần sớm hoàn thiện.
Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối. Cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng Internet Vạn Vật (IoT) để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên dữ liệu.
Thứ năm, đầu tư nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu. Trước mắt, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người. Trong những năm qua, Chính phủ đã có những đầu tư nhất định trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán chưa tạo ra được thay đổi mang tính nền tảng nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển các ngành kinh tế dựa trên dữ liệu.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Cùng với đó, để tận dụng nguồn lực vốn đầu tư tư nhân trong nước vào phát triển các ngành kinh tế số dựa vào dữ liệu, Chính phủ có thể tạo thuận lợi và hỗ trợ phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và thương hiệu kinh tế số trong nước đã có uy tín, như: FPT, Viettel, VinGroup, Tiki, Sendo... có chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp phần mềm, các công viên phần mềm, các khu và dự án công nghệ cao.
Với tiềm năng thị trường và xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế số ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp kinh tế số trong nước trước hết phải đặc biệt coi trọng phát triển thị trường nội địa cho sự phát triển bền vững cả trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, hội nhập thị trường kinh tế số với bên ngoài, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào Việt Nam khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược hội nhập, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, theo đó cần chủ động nhắm tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ của thế giới, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng một cách hợp lý, tránh cạnh tranh giữa các địa phương. Trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần cơ cấu lại dòng vốn đầu tư, hướng tới các dự án đầu tư có chất lượng, những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp công nghệ cao, cam kết lâu dài, mang lại giá trị gia tăng lớn, tránh việc trở thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu.
Ngoài ra, Việt Nam cần tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực, xây dựng cơ chế phối hợp chính sách với các quốc gia ở các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế số và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ liên quốc gia từ quá trình phát triển kinh tế số hiện nay. Các lĩnh vực hợp tác quan trọng, bao gồm thu thuế xuyên biên giới qua không gian mạng, bảo đảm an ninh an toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm công nghệ, tạo thuận lợi cho kết nối hạ tầng và thanh toán số nhằm hỗ trợ các giao dịch xuyên quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới, xử lý tranh chấp pháp lý về quyền và lợi ích kinh tế qua không gian mạng xuyên biên giới, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Trong khía cạnh này cần coi trọng thúc đẩy hợp tác trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu nhằm xây dựng những quy tắc phối hợp và ứng xử chung, các hiệp định, công ước và thỏa thuận hợp tác, phối hợp trên những vấn đề liên quan nảy sinh từ sự phát triển của kinh tế số.
Chương trình thúc đẩy tăng trưởng đổi mới được thực hiện trong nhiều lĩnh vực: Dữ liệu lớn, truyền thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo AI, xe tự lái, máy bay không người lái, thành phố thông minh, công nghệ thực tế ảo, chăm sóc sức khỏe cá nhân, robot thông minh, chất gây nghiện mới và tái tạo, chất bán dẫn thông minh và vật liệu tiên tiến.
Để số hóa nền kinh tế thành công, nhân lực là yếu tố quyết định cùng với thể chế và công nghệ. Như vậy, người lao động bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng số hóa cần thiết. Vì vậy, các trường đại học, tổ chức giáo dục đào tạo cần nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo cập nhật tiên tiến về các ngành nghề trên để cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế dữ liệu trong thời gian tới. Để xây dựng nguồn nhân lực chuyên gia về các ngành kinh tế dữ liệu, có thể thực hiện giải pháp gửi nhân lực sang các nước phát triển để học hỏi qua các chương trình chính phủ; cập nhật hiện đại hoá chương trình giáo dục trong nước, tận dụng tri thức trẻ từ nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực trong nước để nhân rộng nguồn nhân lực phát triển và vận hành hệ thống kinh tế dữ liệu, học hỏi từ kinh nghiệm thành công của các nước về xây dựng nền kinh tế số…
Tài liệu tham khảo:
1. Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030, Báo cáo nghiên cứu của Data61CSIRO (Cơ quan chuyên nghiên cứu về số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia) và Bộ Khoa học Công nghệ, năm 2019;
2. Ứng dụng Big Data trong phân tích và dự báo kinh tế, Tài liệu Hội thảo, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, 2019;
3. Korean Government (2018), Innovative Platform: The Policy Direction of Strategic Investment for Innovation-Driven Growth (online 13.08.2018) ;
4. The 2019 ICT Industry Outlook for Korea, Viện Phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc, năm 2019;
5. Báo cáo ngành ICT Hàn Quốc năm 2019, Korea Information Society Development Institute, 2019.