Kinh nghiệm quản lý tiền điện tử kỹ thuật số
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rộng khắp và tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến là lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Dựa trên những nền tảng công nghệ vượt bậc, tiền điện tử kỹ thuật số hay còn gọi là tiền mã hóa, tiền ảo… đã ra đời với vai trò giống như một loại tiền tệ để thanh toán trực tuyến. Từ một số vấn đề cơ bản về tiền điện tử kỹ thuật số, nghiên cứu cách thức quản lý tiền điện tử kỹ thuật số của các nước trên thế giới, bài viết đề xuất một số gợi ý cho Việt Nam.
Một số vấn đề về tiền điện tử kỹ thuật số
Kể từ khi đồng tiền điện tử kỹ thuật số (KTS) đầu tiên trên thế giới là Bitcoin ra đời vào ngày 31/01/2008 đến nay, trên thế giới đã có hơn 800 đồng tiền KTS. Tuy nhiên, về tính phổ biến, sự nổi tiếng cũng như tỷ lệ vốn hóa thị trường thì Bitcoin vẫn luôn dẫn đầu. Theo thống kê, hiện nay, trên thế giới đã có 107/251 quốc gia chấp nhận đồng tiền Bitcoin.
Tiền điện tử KTS dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu chuỗi khối (Blockchain) - một sổ cái công cộng khổng lồ liệt kê tất cả các giao dịch được xác thực bởi một hệ thống máy tính kết nối toàn cầu. Tính ưu việt của đồng tiền điện tử KTS là được xây dựng dựa trên thuật toán phức tạp, trong đó cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần có sự kiểm soát của Chính phủ, ngân hàng hay các tổ chức tài chính (TCTC) mà vẫn đảm bảo tính an toàn và chính xác của giao dịch. Có thể nói, sự ra đời của tiền điện tử KTS đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử về hình thức thanh toán điện tử. Nó có những ưu điểm vượt trội so với những đồng tiền khác như:
- Phí giao dịch thấp: Với đồng tiền điện tử KTS được sử dụng phổ biến hiện nay là đồng Bitcoin, thì giao dịch của nó hiện nay là không có phí hoặc là mức phí giao dịch rất nhỏ. Để khắc phục tình trạng này cần hỗ trợ quá trình giải quyết nhanh chóng các giao dịch, chuyển đổi Bitcoin và gửi tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng.
- Ít rủi ro hơn cho người sử dụng: Các giao dịch tiền điện tử KTS được xác minh là an toàn, không thể đảo ngược và đặc biệt là nó không chứa thông tin nhạy cảm của khách hàng. Do chắc chắn sẽ nhận được tiền, nên các doanh nghiệp (DN) không cần phải lo ngại về tình trạng gian lận, không cần phải biết quá nhiều thông tin về khách hàng và đặc biệt là không cần phải dựa vào bên thứ 3 để thực hiện giao dịch mua bán như thẻ tín dụng.
- Thuận tiện trong giao dịch, tự do thanh toán: Với đồng tiền điện tử KTS thì mọi người có thể gửi và nhận tiền ngay lập tức và có thể gửi tùy ý với số lượng không giới hạn.
- Tính minh bạch cao: Bởi sử dụng công nghệ Blockchain, nên mọi thông tin liên quan đến nguồn cung tiền điện tử đều có sẵn trên chuỗi khối cho bất cứ ai muốn xác minh và sử dụng đều có thể theo dõi. Tiền điện tử KTS đã được mã hóa nên không có cá nhân hay tổ chức nào có thể kiểm soát hay thay đổi các giao dịch. Điều này đã làm tăng độ tin cậy, tính minh bạch cho tiền điện tử KTS.
Mặc dù có nhiều ưu điểm hơn so với các đồng tiền truyền thống, song tiền điện tử KTS cũng có những nhược điểm, cụ thể như:
- Mức độ chấp nhận còn thấp: Tiền điện tử ra đời sớm nhất và phổ biến nhất hiện nay là đồng Bitcoin mới chỉ có lịch sử 10 năm hình thành và phát triển, trong khi nhiều người vẫn quen với việc sử dụng đồng tiền của quốc gia, vì thế với một loại tiền tệ mới thì mức độ chấp nhận của người dùng chưa phổ biến.
- Có thể bị tác động bởi hệ thống an ninh mạng: Tiền điện tử KTS được thiết lập cũng như lưu hành chủ yếu thông qua các thiết bị điện tử, do vậy người nắm giữ tiền điện tử có thể bị mất tiền nếu ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virut, các tập tin bị mất… không có cách nào khôi phục được.
- Có thể trở thành công cụ của hacker, tội phạm rửa tiền: Chính bởi hình thức giao dịch không được kiểm soát, cho nên tiền điện tử đã được nhiều nhóm đối tượng tội phạm nhắm đến và sử dụng như một phương thức giao dịch để rửa tiền….
Quan điểm và biện pháp quản lý tiền điện tử kỹ thuật số trên thế giới
Tiền điện tử KTS không phải là hàng hóa và cũng không phải là tiền tệ thuần túy. Từ lúc ra đời đến nay, giá cả của đồng tiền này không ngừng biến động và bất ổn. Sự biến động giá của tiền điện tử KTS tạo ra môi trường cho hoạt động lừa đảo đa cấp. Hơn nữa, loại tiền này rất khó được kiểm soát, khi sai sót xảy ra, hệ thống phát sinh lỗi, giao dịch thất bại hoặc tiền điện tử của nhà đầu tư bị hack thì không ai đứng ra xử lý và bảo vệ nhà đầu tư. Giao dịch tiền điện tử KTS có thể được dùng để hỗ trợ cho hoạt động tội phạm như Rửa tiền, buôn bán ma túy, tài trợ khủng bố... Đây là rủi ro rất lớn đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung của bất kỳ một quốc gia nào.
Quan điểm các tổ chức quốc tế lớn
- Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): IMF lo ngại tiền điện tử KTS có thể gây ra rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với quan điểm “công nghệ cơ bản đằng sau chúng có thể là giải pháp để giảm thiểu rủi ro”, IMF cho biết, các giải pháp giảm thiểu rủi ro sẽ mang hình thức công nghệ, sổ cái phân tán hoạt động như một chuỗi Blockchain. Giải pháp này cho phép các TCTC và các nhà quản lý điều phối xác định hành vi đáng ngờ trong giao dịch tài chính trên phạm vi toàn cầu.
- Theo Hội đồng ổn định tài chính: Các đồng tiền điện tử KTS hiện tại vẫn chưa thay thế cho tiền tệ truyền thống, bởi do việc sử dụng còn hạn chế đối với kinh tế và các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, nếu loại tiền này được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch hoặc liên kết chặt chẽ hơn với hệ thống tài chính, thì các nhà quản lý cần phải tính tới việc phối hợp quốc tế trong quản lý loại tiền tệ này.
- Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế: Các loại tiền điện tử và công nghệ Blockchain cơ bản đều pha trộn giữa cơ hội và rủi ro. Để giảm thiểu các rủi ro của tiền điện tử, TCTC của các quốc gia cần tăng cường phối hợp để giảm thiểu các rủi ro và gian lận qua không gian mạng.
Quan điểm của các quốc gia
Khảo sát cho thấy, ứng xử đối với tiền điện tử KTS của Chính phủ và chính sách các quốc gia trên thế giới có thể chia thành 3 nhóm (gồm: nhóm nước dung hòa, nhóm nước từ chối và nhóm nước cấm triệt để), cụ thể:
- Nhóm nước dung hòa: Đây là nhóm chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Nhìn chung, phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền điện tử KTS, nhưng cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền KTS. Tiêu biểu như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Phillipinnes, Newzealand…
- Nhóm nước từ chối tiền điện tử KTS: Tại các quốc gia thuộc nhóm này, dù không cấm hay coi hành vi giao dịch tiền điện tử KTS là bất hợp pháp, nhưng các Chính phủ có quan điểm thiếu thiện cảm với loại tiền này. Theo đó, các chính sách được đưa ra trên cơ sở giảm thiểu hoạt động giao dịch tiền điện tử KTS. Tiêu biểu như: Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil và các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông.
- Nhóm nước cấm triệt để: Hiện nay, có 6 quốc gia trong danh sách cấm triệt để việc sử dụng tiền điện tử KTS gồm: Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam. Điểm chung của các quốc gia này là tiền điện tử KTS không được coi là một loại tiền tệ và lý do cấm hầu hết đều nhằm bảo hộ đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, mức độ cấm ở các quốc gia cũng không giống nhau. Chẳng hạn, Iceland cấm mua tiền điện tử KTS nhưng không cấm đào tiền. Hiện nay, ở Iceland vẫn có những DN đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Tại Bangladesh, kinh doanh tiền điện tử KTS có thể bị phạt lên tới 12 năm. Còn tại Việt Nam, tiền điện tử KTS không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Biện pháp quản lý tiền điện tử kỹ thuật số của các nước
- Có các cơ quan chuyên trách để quản lý tiền điện tử trong bộ máy hành chính quốc gia: Để có thể quản lý được tiền điện tử KTS thì cần phải có các cơ quan chuyên trách thường xuyên cập nhật, bám sát công nghệ để đánh giá đúng tình hình phát triển; đồng thời, các cơ quan chuyên trách trong bộ máy hành chính quốc gia phải đưa ra thông báo, cảnh báo liên quan tới rủi ro, do loại tiền này đem lại. Cụ thể như: Ở Mỹ, Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ lập những quy định, hướng dẫn pháp lý cho đồng tiền điện tử KTS; đồng thời, kết hợp cùng với Sở Thuế vụ thực hiện quản lý các giao dịch tiền điện tử. Ở Trung Quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghệ thông tin và Ngân hàng Trung ương là những cơ quan đã ra các thông báo về cảnh báo hậu quả của đầu tư và giao dịch tiền điện tử KTS.
Tại Hàn Quốc, các hoạt động liên quan tới tiền điện tử KTS được quản lý bởi Cơ quan Giám sát tài chính và các cơ quan quản lý tài chính. Tại một số nước châu Âu như: Anh, các giao dịch tiền điện tử phải đăng ký với Cơ quan kiểm soát tài chính. Còn tại Thụy Sỹ, Cơ quan giám sát thị trường tài chính phụ trách quản lý, theo dõi diễn biến và hoạt động của tiền điện tử KTS. Tại Singapore, giao dịch liên quan tới tiền điện tử KTS phải đăng ký với Cơ quan tiền tệ.
Do tính chất đặc biệt của tiền điện tử KTS và các hoạt động phát sinh liên quan, tại một số quốc gia khác còn thành lập ra các đơn vị quản lý chuyên trách về tiền điện tử KTS. Chẳng hạn như: Trung Quốc đã thành lập Ủy ban chuyên gia kỹ thuật an ninh tài chính internet quốc gia chuyên kiểm soát và quản lý các hoạt động tài chính công nghệ. Cơ quan này đã ban hành văn bản cảnh bảo và hình thức huy động tài chính thông qua chương trình khuyến mãi cổ phiếu…
- Xây dựng các quy định pháp lý đối với tiền điện tử KTS: Tại hầu hết các quốc gia có quan điểm chấp nhận tiền điện tử KTS hoặc là có quan điểm điều chỉnh hiện nay đã, đang thiết lập khuôn khổ pháp lý riêng cho tiền điện tử và các hoạt động liên quan.
Đặc biệt, để kiểm soát và hạn chế rủi ro liên quan tới hoạt động bất hợp pháp về rút tiền và tài trợ khủng bố, một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã gia tăng các biện pháp quản lý hoặc cấm giao dịch các loại tiền điện tử KTS nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong nước. Chẳng hạn: Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này cấm các ngân hàng và các công ty chứng khoán chấp nhận giao dịch Bitcoin bằng tài khoản không được đăng ký. Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này cũng ban hành các quy định về xác minh tài khoản giao dịch tiền điện tử KTS, yêu cầu sử dụng tên thật và gắn với tài khoản ngân hàng thực thông qua hệ thống tên thực triển khai bởi 6 ngân hàng lớn trong hệ thống...
- Sử dụng chính sách thuế đối với các hoạt động giao dịch tiền điện tử: Chính sách thuế cũng được sử dụng như là công cụ trong quản lý tiền điện tử KTS. Khi các quốc gia có xu hướng coi tiền điện tử KTS là một phương tiện thanh toán, không phải hàng hóa thì các giao dịch chuyển đổi giữa tiền tệ truyền thống và tiền điện tử KTS không bị đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT). Khi các quốc gia muốn hạn chế và tăng cường kiểm soát đối với hoạt động đào tiền, thì thuế suất của các đối tượng liên quan tới hoạt động này sẽ được điều chỉnh tăng lên và ngược lại.
Với sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sự lan tỏa nhanh chóng của các đồng tiền điện tử kỹ thuật số ở Việt Nam đã hiện hữu và diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không thực hiện việc kiểm soát hiệu quả đồng tiền này thì không chỉ gây nên những rủi ro đối với các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ.
Trung Quốc sử dụng biện pháp giảm khấu trừ thuế và thắt chặt các chính sách liên quan tới tiêu thụ điện, quyền sử dụng đất, thu thuế bảo vệ môi trường nhằm tăng chi phí hoạt động đào Bitcoin, gây sức ép buộc các hoạt động đào Bitcoin phải chuyển ra khỏi lãnh thổ. Đối với các quốc gia ban hành cơ chế quản lý chính thức đối với tiền điện tử KTS, các loại thuế và thuế suất cũng được quy định cụ thể. Chẳng hạn như: Chính phủ Nhật Bản đánh thuế vào các hoạt động liên quan tới tiền điện tử KTS từ năm 2014, bao gồm thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập DN, thuế cư trú và thuế tiêu dùng.
Lợi nhuận thu được từ giao dịch tiền điện tử được coi là thu nhập khác, phải trả thuế thu nhập nếu lợi nhuận trên 200 nghìn Yên. Thu nhập từ giao dịch tiền điện tử cũng phải chịu mức 10% thuế cư trú. Phần thua lỗ từ giao dịch tiền điện tử KTS không được tính khấu trừ thuế như các khoản lỗ từ đầu tư các loại tài sản khác.
Việc lựa chọn loại thuế đánh lên các giao dịch tiền điện tử KTS một phần thể hiện quan điểm/thái độ của quốc gia đó đối với loại tiền này. Chẳng hạn như: Liên minh châu Âu (EU) không đánh thuế GTGT trong giao dịch chuyển đổi giữa tiền tệ truyền thống và tiền điện tử KTS, nhưng vẫn áp dụng thuế GTGT và các loại thuế khác đối với các giao dịch trao đổi giữa hàng hóa, dịch vụ với tiền điện tử. Như vậy, một cách gián tiếp, EU đã coi tiền điện tử như một loại tiền tệ. Vương quốc Anh coi tiền điện tử là ngoại hối và cũng là tài sản để đầu tư nên đã áp dụng thuế chuyển nhượng vốn đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch tiền điện tử và không áp dụng thuế GTGT đối với giao dịch trao đổi giữa tiền điện tử KTS và dịch vụ, hàng hóa.
Các quốc gia như Đan Mạch, Đức, Bỉ, Hà Lan cũng có cách tiếp cận khác nhau trong việc đánh thuế đối với các giao dịch liên quan tới tiền điện tử KTS và lợi nhuận thu được từ hoạt động này. Tại Đức, các sàn giao dịch có thể được hưởng ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền điện tử KTS và khai thác công nghệ chuỗi, khối. Đức coi tiền điện tử kỹ thuất số là một loại ngoại tệ, do đó mọi giao dịch liên quan tới tiền này được miễn giảm thuế, nếu lợi nhuận giao dịch dưới 600 Euro hoặc thời gian nắm giữ tiền điện tử KTS/năm.
Một số gợi ý cho Việt Nam
Việt Nam hiện là một trong 6 nước cấm tiền điện tử KTS trên thế giới, nhưng trong thực tế, Việt Nam lại nằm trong nhóm những nước có các hoạt động giao dịch tiền điện tử KTS nhiều nhất trên thế giới. Để quản lý, giám sát hiệu quả tiền điện tử KTS và hạn chế tác động tiêu cực của nó tới thị trường tiền tệ, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng triển khai một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử KTS tại Việt Nam. Với sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sự lan tỏa nhanh chóng của các đồng tiền điện tử KTS ở Việt Nam đã hiện hữu và diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không thực hiện việc kiểm soát hiệu quả đồng tiền này thì không chỉ gây nên những rủi ro đối với các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ. Thách thức này đòi hỏi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những biện pháp hữu hiệu và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an để hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý đối với tiền điện tử KTS.
Thứ hai, nên tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau tiền điện tử KTS, thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt loại tiền này. Công nghệ Blockchain mang lại nhiều lợi thế cho hệ thống tài chính, đặc biệt là đối với hệ thống thanh toán, do đó, công nghệ Blockchain sẽ là một nền tảng quan trọng đối với định hướng nền kinh tế không tiền mặt của Việt Nam.
Thứ ba, cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật; nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tư khác.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, DN cảnh giác khi được mời chào tham gia các hoạt động liên quan đến tiền điện tử KTS, tiền ảo… Về vấn đề này, Bộ Công an đã từng cảnh báo người dân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền điện tử KTS, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều người đã bỏ qua những cảnh báo này. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo qua các kênh thông tin chính thức (truyền hình, báo giấy, báo mạng, tuyên truyền tại địa phương...) và mạng xã hội cần được đẩy mạnh, để các chủ thể kinh tế nhận rõ các dấu hiệu, hạn chế tối đa các rủi ro trong giao dịch tiền điện tử KTS, đảm bảo sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống tài chính Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đối với các giao dịch liên quan tới tiền điện tử KTS xuyên biên giới.
Tài liệu tham khảo:
Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1255/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền điện tử;
Thủ tướng Chính phủ (2018), Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền điện tử khác;
Ngân hàng Nhà nước (2018), Chỉ thị số 02-CT/NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền điện tử;
Đậu Thị Mai Hương (2016), Một số vấn đề pháp lý về tiền điện tử và khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng, số 10, năm 2016;
Phan Hoài Dương (2014), Tiền điện tử, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, Tạp chí Ngân hàng số 3, tháng 2/2014;
IMF (2016), Virtual Currencies and Beyond: Initial Considerations. Monetary and Capital Markets, Legal, and Strategy and Policy Review Departments. International Monetary Fund, SDN/16/03, January;
FSB (2018), Chair’s letter to G20 Finance Ministers and Central Bank Governors. Available at http://www.fsb.org/wp-content/uploads/P180318.pdf.