Cải cách thủ tục hành chính: Nét nổi bật trong phong trào thi đua của Hệ thống thuế
Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế là những điểm sáng của Hệ thống thuế nhà nước năm 2014-2015. Đây cũng là nét mới trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính, 70 năm ngày truyền thống hệ thống thuế nhà nước và những sự kiện trọng đại của đất nước.…
Những nỗ lực vượt bậc
Thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và của ngành Tài chính, ngay từ đầu năm 2014, hệ thống Thuế đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, gắn phong trào thi đua với việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Toàn hệ thống Thuế đã thực hiện nghiêm chỉnh và thành công Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Quyết định số 1201/QĐ-TCT ngày 06/08/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Với mong muốn thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy mạnh sự phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế quyết tâm triển khai cải cách thủ tục hành chính. Ngành Thuế đã xác định và tập trung vào các giải pháp và chương trình hành động nhằm giảm số lần, thời gian khai, nộp thuế của người nộp thuế qua việc trình ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của 7 Thông tư nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế. Thông tư đã bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê; làm rõ căn cứ xác định hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm; sửa đổi, bổ sung nội dung về khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng đơn giản hơn.
Việc ban hành và triển khai Thông tư 119/2014/TT-BTC đã cắt giảm được 201,5 giờ kê khai, nộp thuế/năm. Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 (có hiệu lực từ ngày 15/11/2014) sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, quản lý thuế. Qua đó, thời gian thực hiện nộp thuế của doanh nghiệp tiếp tục giảm được 88,36 giờ/năm. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua và ban hành Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế (ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII). Tính đến ngày 01/01/2015 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về tại các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13) có hiệu lực thi hành, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp đã giảm 80 giờ/năm, số giờ chi phí tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế đã giảm được 370 giờ/năm.
Không chỉ nỗ lực thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ngành Thuế còn chú trọng tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính và chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế trong thực thi nhiệm vụ. Đã rà soát, hệ thống hóa danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế gồm: 432 thủ tục hành chính, trong đó: cấp Tổng cục Thuế 4, cấp cục thuế 246, cấp chi cục thuế 182. Đồng thời, thông qua các cuộc đối thoại với người nộp thuế, ngành Thuế các cấp đã giải đáp về cơ bản tất cả các vướng mắc về chính sách thuế và ghi nhận các ý kiến đóng góp để xem xét, chấn chỉnh hoặc hoàn thiện hơn.
Năm 2015, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính Phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; trong đó có nội dung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế; rút ngắn số giờ nộp thuế; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nâng cao tính tuân thủ trong thực thi pháp luật thuế.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang triển khai thực hiện Quyết định số 3262/QĐ-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015, đồng thời ngày 13/1/2015, Tổng cục Thuế cũng vừa ban hành Quyết định số 86/QĐ-TCT về Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015. Theo đó, ngành Thuế tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Cụ thể hoá hệ thống các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai thực hiện Quy trình kiểm soát thủ tục hành chính; đánh giá tác động của thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, 48/2013/NĐ-CP và Thông tư 07/2014/TT-BTP; công bố, công khai niêm yết thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 986); niêm yết công khai, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, hành vi hành chính…
Không ngừng cải cách, hiện đại hóa
Cải cách quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế để phấn đấu đến năm 2015 Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế; đến năm 2020 đứng trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011.
Thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực, chú trọng cải cách đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế về môi trường kinh doanh năm 2014, Việt Nam đứng trong nhóm cuối các nước ASEAN. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên xuất phát từ cả bên trong và ngoài ngành Thuế:
Thứ nhất, báo cáo môi trường kinh doanh không chỉ đo lường, đánh giá các khoản thuế do ngành Thuế quản lý mà còn đo lường, đánh giá các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp, trong đó bao gồm khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ hai, Ngân hàng Thế giới đánh giá, xếp hạng tiêu chí nộp thuế căn cứ trên 03 chỉ tiêu cơ bản: Số lần nộp thuế trong năm; Thời gian nộp thuế trong năm (bao gồm cả BHXH, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp); Tổng mức thuế suất. Đi sâu vào phân tích đánh giá, lý do chính dẫn tới mức độ xếp hạng chỉ tiêu nộp thuế của Việt Nam thấp là do chỉ tiêu thời gian nộp thuế của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua đều ở nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực (trong đó, thời gian thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp chiếm khoảng 40%).
Để phấn đấu đạt được mục tiêu theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã đề ra và mục tiêu giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 theo Nghị Quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã xây dựng Kế hoạch hành động về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ năm 2015 đến nay, ngành Thuế đã quán triệt quan điểm bên cạnh tinh thần nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành công. Do vậy, toàn Ngành đã quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
+ Hoàn chỉnh chính sách pháp luật thuế:
Tổng cục Thuế đã tiếp tục trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ hoàn chỉnh các Nghị định, thông tư hướng dẫn về chính sách và thủ tục hành chính thuế, tiến tới hoàn chỉnh khung pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính để góp phần giảm số giờ nộp thuế theo mục tiêu đã đặt ra.
Ngày 12/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế. Ngày 27/2/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, cũng như bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Về hiện đại hoá công tác thuế:
Theo báo cáo sơ bộ, đến hết quý I/2015 đã có trên 97,5% số DN đang hoạt động trong cả nước thực hiện khai thuế qua mạng; tính đến quý I/2015 đã có trên 40.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 243 thủ tục hành chính được bãi bỏ và sửa đổi, bổ sung; 3.500 buổi đối thoại; 1.260 cuộc tập huấn chính sách cho DN; gần 400.000 lượt tổ chức, cá nhân được sự hỗ trợ giải đáp vướng mắc; thêm nhiều phương thức nộp thuế hiện đại được cung cấp...
Đây là những minh chứng cụ thể cho ý chí quyết tâm và nỗ lực của ngành thuế trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh tiến tới mục tiêu 100% doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet. Triển khai mở rộng về số lượng doanh nghiệp tại các cơ quan thuế quản lý đã triển khai khai thuế qua mạng; triển khai nộp thuế điện tử tại 63/63 Cục thuế tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã xây dựng đề án thí điểm kê khai thuế qua mạng đối với cá nhân không phải hộ kinh doanh; Xây dựng quy chế trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế nhằm thống nhất tiêu chuẩn, tiêu chí rủi ro giữa hai Tổng cục; Nghiên cứu triển khai kết nối mạng giữa cơ quan thuế với cơ quan Tài nguyên môi trường để nắm bắt thông tin, dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn; Xây dựng đề án “Nộp thuế điện tử” không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân không kinh doanh.
+ Về xây dựng sửa đổi quy trình quản lý thuế:
Ngành Thuế đã xây dựng quy trình công khai thông tin của hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế. Xây dựng quy trình sửa đối quy trình nghiệp vụ quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh theo phương pháp khoán. Ban hành quy trình quản lý thuế đối với cá nhân không kinh doanh. Cùng với việc xây dựng Quy trình bán hoá đơn, cấp hoá đơn lẻ của cơ quan thuế cho doanh nghiệp, tổ chức và hộ cá nhân có nhà cho thuê, ngành Thuế còn tập trung nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy chế quy trình kiểm tra nội bộ hệ thống thuế, Quy chế quy trình tiếp công dân, Quy chế quy trình tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại; Ban hành quy trình kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế...
+ Về kiểm soát công khai thủ tục hành chính thuế góp phần cải thiện mội trường kinh doanh:
Ngành Thuế đã tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động rà soát thủ tục hành chính, kiểm tra việc thực hiên công khai đồng bộ thủ tục hành chính tại cơ quan thuế. Sửa đổi bổ sung việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia vào hoạt động tại Tổng cục Thuế. Theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, thực hiện những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
+ Về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền:
Ngành Thuế đã thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương, định hướng và những biện pháp chỉ đạo của Bộ của Tổng cục về quản lý thuế nói chung và cải cách thủ tục hành chính thuế nói riêng; Triển khai các biện pháp phát triển hệ thống đại lý thuế; Nâng cấp hệ thống website Tổng cục Thuế đảm bảo khoảng 700.000 lượt truy cập/giờ. Báo cáo Bộ Tài chính và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp quy (Luật, Nghị định, Thông tư) để đơn giản hóa chính sách và thủ tục; hạn chế những khác biệt về quy định giữa thuế và kế toán doanh nghiệp.
Thực hiện mục tiêu tuyên truyền nâng cao vị thế của Thuế Việt Nam trên trường quốc tế, với các hiệp định được ký kết về thuế giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ; toàn Ngành đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác về thuế, nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ công chức, phục vụ thiết thực vào tiến trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, góp phần khẳng định vị thế của Thuế Việt Nam trên trường quốc tế.
+ Về tăng cường kỷ cương kỷ luật:
Ngành thuế đã thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý thuế; kiểm soát nội bộ, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan thuế, cán bộ thuế; Triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về tăng cường trách nhiệm nghề nghiệp, kỷ cương kỷ luật đội ngũ.
Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 19/8/2014 và Quyết định số 1201/QĐ-TCT ngày 6/8/2014 ban hành Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính thuế của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, với 7 nhóm giải pháp và 46 đầu việc cụ thể được triển khai đồng bộ từ trung ương đến cơ sở đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để toàn Ngành tăng cường trách nhiệm nghề nghiệp, kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử, tạo bước chuyển biến căn bản về chấp hành chế độ công vụ trong toàn hệ thống thuế.
Thiết thực hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước nói chung, của ngành Thuế nói riêng, mọi cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế luôn quyết tâm cao và nỗ lực vượt bậc trong quá trình triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, các chương trình, kế hoạch nhằm đơn giản thủ tục hành chính đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; tạo những nét mới sinh động, hiệu quả trong phong trào thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho hệ thống thuế nhà nước trong năm 2015, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.