Kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao tính tuân thủ thuế đối với doanh nghiệp


Tuân thủ thuế là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý thuế quan tâm. Các quốc gia đều hướng đến việc xây dựng chiến lược tuân thủ tổng thể để quản lý thuế hiệu quả. Do vậy, tác giả nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp là hết sức cần thiết, để từ đó đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Cơ quan thuế các nước dành một tỷ lệ lớn nguồn lực cho quản lý tuân thủ thuế
Cơ quan thuế các nước dành một tỷ lệ lớn nguồn lực cho quản lý tuân thủ thuế

Tổng quan về tuân thủ thuế và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích, tác giả nghiên cứu việc tuân thủ thuế từ nguồn tài liệu, các công trình nghiên cứu khoa học được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, các bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, các sách chuyên khảo, các website liên quan đến lĩnh vực thuế ở các nước, từ đó, gợi ý chính sách quản lý thuế cho Việt Nam.

Tổng quan vấn đề tuân thủ thuế

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mang lại rủi ro đáng kể cho nền kinh tế như trốn thuế, không tuân thủ thuế. Cơ quan thuế các nước dành một tỷ lệ lớn nguồn lực cho quản lý tuân thủ thuế.

Tuân thủ thuế là việc thực thi chính sách thuế dựa trên 4 trụ cột tuân thủ thuế bao gồm đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và báo cáo nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tuân thủ thuế là một vấn đề lớn đối với nhiều cơ quan thuế và việc thuyết phục doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về thuế không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Theo (OECD, 2015), hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tuân thủ thuế. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ lớn là cản trở. Điều này xuất phát từ hệ thống thuế nghèo nàn và sự hiểu biết kém về thuế là nguyên nhân chính. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi, quản lý thuế đơn giản, hiện đại, giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ và phát triển.

Báo cáo của OECD cho thấy, gánh nặng tuân thủ thuế cao không tương xứng quy mô doanh nghiệp. Như vậy, xây dựng chương trình tuân thủ thuế trở nên cấp bách và việc tìm kiếm kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao tuân thủ thuế là hết sức cần thiết

Tại Việt Nam, Lèng Minh Hoàng (2017) cho rằng, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về thuế theo đúng luật định, bao gồm các hoạt động đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế. Điều này phù hợp với quy định của Luật quản lý Thuế nước ta hiện nay theo cơ chế tự khai, tự tính, tự chịu trách nhiệm tính đúng số thuế và nộp thuế đúng hạn.

Lý thuyết về tuân thủ thuế

Có nhiều mô hình về tuân thủ thuế. Tuy nhiên, mô hình phổ biến hiện nay là mô hình khung sườn dốc trơn trượt được áp dụng phổ biến cho quản lý thuế hiện đại. Mô hình được phát triển bởi Kirchler và cộng sự (2008). Nghiên cứu cho rằng, vấn đề đầu tiên được nhấn mạnh là quyền lực của nhà nước để điều chỉnh hành vi tuân thủ thuế từ việc kiểm tra, xử phạt, mệnh lệnh và kiểm soát để tạo động lực tuân thủ. Vấn đề thứ hai là sự tin tưởng của doanh nghiệp về chính sách, quy trình quản lý thuế và cam kết với xã hội. Nếu niềm tin cao, doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm xã hội, từ đó điều chỉnh hành vi trong việc tuân thủ thuế. Trong trường hợp áp dụng quyền lực thì tuân thủ thuế của doanh nghiệp là tuân thủ thuế thực thi. Trong trường hợp gắn kết niềm tin với cơ quan thuế thì tuân thủ thuế là tự nguyện. Tuân thủ thuế tự nguyện là điều mong muốn của cơ quan thuế và doanh nghiệp vì không đẩy doanh nghiệp đối kháng với cơ quan thuế và cũng không đòi hỏi phải có các biện pháp kiểm soát tốn kém.

Theo (OECD, 2015), hầu hết các doanh nghiệp đều muốn tuân thủ thuế. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ lớn là cản trở. Điều này xuất phát từ hệ thống thuế nghèo nàn và sự hiểu biết kém về thuế là nguyên nhân chính. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi, quản lý thuế đơn giản, hiện đại, giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ và phát triển.

Kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao tính tuân thủ thuế đối với doanh nghiệp

Xây dựng chiến lược tuân thủ thuế là một trong những yêu cầu của cơ quan thuế Việt Nam nói riêng và các nước nói chung. Tuy nhiên, sự tuân thủ thuế còn nhiều hạn chế mặc dù các nước có nhiều cải cách thuế khác nhau để cải thiện vấn đề này. Một số kinh nghiệm nâng cao tuân thủ thuế như sau:

Phân đoạn người nộp thuế

Các nước xây dựng hệ thống phân loại mức độ tuân thủ theo mô hình tháp tuân thủ hoặc quản lý rủi ro tuân thủ theo phân đoạn loại hình doanh nghiệp.

Theo Cơ quan thuế Australia ATO (2018), Australia phân loại người nộp thuế theo 4 mức tuân thủ: (1) Sẵn sàng; (2) Cố gắng; (3) Miễn cưỡng và (4) Không chịu, từ đó có các chính sách tăng cường tuân thủ thuế hợp lý với từng nhóm tương ứng như: Làm cho dễ dàng tuân thủ; Hỗ trợ hướng dẫn; Thanh tra kiểm tra và Cưỡng chế.

Theo Cơ quan thu nội địa Singapore - IRAS (2019), cơ quan thuế Singapore cho rằng, phần lớn người nộp thuế là tuân thủ thuế và họ sẽ gây ảnh hưởng đến hành vi của xã hội và tạo áp lực cho nhóm thiểu số người nộp sai phạm phải tuân thủ thuế. Cơ quan thuế này điều chỉnh cách tiếp cận tuân thủ đối với phân khúc người nộp khác nhau nhằm hỗ trợ theo nhu cầu của họ:

(1) Đối với người nộp tự nguyện tuân thủ, cơ quan thuế chủ động cung cấp các nền tảng và dịch vụ cần thiết để thực hiện như dịch vụ điện tử, dịch vụ tiền tuyến, dịch vụ hồ sơ có sẵn thông tin và đơn giản hóa nộp hồ sơ tự động.

(2) Đối với phân phúc không biết tuân thủ, họ đầu tư nỗ lực nâng cao nhận thức của người nộp và cung cấp cho người nộp thông tin chính xác để ngăn chặn việc không tuân thủ, ví dụ: Tin nhắn nhắc nhở, hội thảo, liên lạc và đối thoại với các hiệp hội thương mại.

(3) Đối với nhóm tiêu cực, cơ quan thuế phát hiện lỗi và ngăn chặn sự tái diễn của những sai sót đã thực hiện, ví dụ như Chương trình kiểm tra và Chương trình công bố tự nguyện để khuyến khích sửa lỗi.

(4) Đối với nhóm cố ý gian lận hoặc trốn thuế, họ sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động mạnh mẽ chống lại như xử phạt, điều tra và truy tố.

Mô hình dịch vụ cung cấp

Theo Cục thuế vụ của Mỹ - IRS (2019), dịch vụ hỗ trợ thuế được phân loại theo loại hình người nộp là cá nhân hay doanh nghiệp, hay theo quan điểm sử dụng dịch vụ như loại hình thực hiện giao dịch, tương tác hay thông tin về chính sách pháp luật thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập hay phân loại theo quan điểm ứng dụng công nghệ thông tin internet phổ biến với ứng dụng trực tuyến, phát triển phù hợp với dự đoán của môi trường dịch vụ khi thực hiện không trực tiếp các hoạt động tại trụ sở cơ quan thuế Mỹ.

Mô hình dịch vụ hỗ trợ thuế của Đan Mạch định hướng chất lượng dịch vụ hỗ trợ trực tuyến bao gồm các loại hình như: Gửi email, điện thoại, trang thông tin điện tử với thông tin các loại thông tin có sẵn, tương tác, giao dịch và chuyển giao. Mô hình này phát triển dựa trên mô hình các kênh thông tin cơ bản của Australia là qua điện thoại, email, văn bản và trực tiếp tại cơ quan thuế dưới hình thức tương tác, giao dịch và thông tin.

Cơ quan thuế Singapore cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ khác nhau theo phân đoạn doanh nghiệp như dịch vụ điện tử, thông tin có sẵn trên tờ khai, tin nhắn nhắc nhở, đơn giản quy trình kê khai tự động… trên cơ sở xây dựng niềm tin giữa chính phủ và doanh nghiệp để nâng cao tuân thủ tự nguyện.

Xây dựng mốc chuẩn cho doanh nghiệp

Ngưỡng chuẩn được Australia xây dựng hàng năm để doanh nghiệp tuân thủ, trong trường hợp không sử dụng định mức chuẩn thì có thể sử dụng thống kê về thuế để làm cơ sở tuân thủ thuế. Ngưỡng chuẩn được đưa ra theo ngành nghề kinh doanh ở đó cơ quan thuế cung cấp thông tin về chi phí bán hàng trên doanh thu, chi phí bán hàng trung bình, tổng chi phí trên doanh thu, chi phí trung bình theo ngưỡng doanh thu. Doanh nghiệp cũng có thể so sánh với doanh nghiệp khác cùng ngành nghề khác thông qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế để xem có cao hay thấp hơn ngưỡng chuẩn để tự nguyện tuân thủ.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, nhiều nỗ lực cung cấp ngưỡng chuẩn của cơ quan thuế Canada, Colombia và các nước đang phát triển, nhằm tăng cường thanh tra kiểm tra và cung cấp dịch vụ hướng đến tuân thủ. Điểm chuẩn hiệu suất là phạm vi tài chính ngành của doanh nghiệp để giúp tìm ra cách so sánh với các đơn vị khác trong ngành của mình và giúp thực hiện bất kỳ cải tiến nào của đơn vị mình.

Có hai loại ngưỡng liên quan đến doanh nghiệp là: (1) Ngưỡng chuẩn hiệu suất kinh doanh liên quan là ngưỡng thuế thu nhập được cung cấp bởi các doanh nghiệp trên tờ khai thuế và (2) Ngưỡng báo cáo hoạt động được cung cấp bởi các đơn vị sử dụng dữ liệu báo cáo hoạt động năm tài chính hoàn chỉnh.

Tại Trung Quốc, cơ quan thuế xây dựng mốc chuẩn trong quản lý rủi ro về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, để xác định mức độ rủi ro trong đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và báo cáo thuế gắn với tuân thủ tự nguyện thông qua cung cấp quyền truy cập tốt hơn vào các dịch vụ chuyên nghiệp và công cụ kế toán.

Xây dựng khung chiến lược thúc đẩy tính tuân thủ thuế toàn diện và tự nguyện

Singapore xây dựng chiến lược tuân thủ thuế dựa trên tầm nhìn là một cơ quan thuế hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ tốt và tối đa tuân thủ tự nguyện. Chính phủ Singapore xem doanh nghiệp là trung tâm và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp theo hành vi và tình huống cụ thể, cho phép thực hiện nghĩa vụ thuế một cách dễ dàng.

Điều này bổ sung cho các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ mà Singapore áp dụng đối với người nộp không tuân thủ luật thuế. Bên cạnh đó, giúp tạo ra một môi trường tạo điều kiện và khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện. Để thúc đẩy một môi trường như vậy, các hành động tuân thủ và dịch vụ của Singapore được gắn vào 4 yếu tố chiến lược, cụ thể:

- Thiết kế phù hợp ngay từ đầu: Hệ thống thuế đơn giản giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng các nghĩa vụ thuế của họ cả về thiết kế các chính sách và luật thuế, cả về quy tắc và quy trình thuế rõ ràng và dễ tuân thủ;

- Dịch vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người nộp: Cơ quan thuế nắm bắt nhu cầu của người dùng để cung cấp sự trợ giúp và thông tin phù hợp, kịp thời.

- Hành động đúng lúc: Đối với nhóm nhỏ không tuân thủ, chính quyền thực hiện các hành động tuân thủ hiệu quả, kịp thời để đảm bảo rằng họ trả phần thuế hợp lý. Điều này sẽ duy trì sự tin tưởng vào xã hội về sự công bằng và bền vững của hệ thống thuế Singapore;

- Giá trị nộp thuế đúng: Cơ quan thuế cam kết xây dựng một cộng đồng tin rằng nộp thuế là trách nhiệm xã hội chung và khắc sâu ý thức mạnh mẽ về sự công bằng trong việc nộp thuế. Việc xây dựng chiến lược tuân thủ thuế dựa trên niềm tin và sự tin tưởng của cộng đồng đối với chính quyền cũng như hệ thống thuế bảo đảm công bằng và cải thiện quá trình tuần thủ của doanh nghiệp dựa trên dữ liệu phù hợp với hệ thống khai thuế tự động đã tạo ra sự khác biệt.

Cơ quan thuế Trung Quốc đo lường tuân thủ thuế thông qua việc đơn giản hóa việc đăng ký, kê khai, nộp thuế và báo cáo thuế hay xây dựng chương trình hỗ trợ làm đúng ngay từ khi doanh nghiệp kinh doanh, hoặc cung cấp công cụ kế toán cho doanh nghiệp. Trung Quốc xây dựng kế hoạch chiến lược hiện đại hóa ngành thuế gắn với chất lượng dịch vụ hỗ trợ thuế, hệ thống quản lý vận hành theo công nghệ, hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ ổn định, nhằm nâng cao mức độ hài lòng và tuân thủ của người nộp thuế.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan thuế đảm bảo gọn nhẹ, vận hành theo hướng hỗ trợ tuân thủ

Cơ quan thuế Australia hình thành diễn đàn riêng cho doanh nghiệp, đảm bảo theo chương trình vận hành tuân thủ gọn nhẹ và chi tiết, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin gắn với các dịch vụ hỗ trợ. Bộ máy tổ chức quan tâm đến dịch vụ hỗ trợ thuế với việc ban hành các chiến lược và thiết kế dành cho doanh nghiệp.

Cấu trúc cơ quan thuế Mỹ được chia thành hai tổ chức chính là: Dịch vụ, thực thi và Hỗ trợ hoạt động. Bộ phận Dịch vụ và thực thi là tổ chức lớn nhất, giám sát 4 nhóm phân đoạn người nộp bao gồm phân đoạn doanh nghiệp nhỏ.

Cơ quan thuế Trung Quốc với kế hoạch chiến lược gắn với hệ thống tổ chức hiệu quả được phân bổ nguồn lực tối ưu, có tổ chức được quản lý chặt chẽ. Cơ quan thuế Trung Quốc xây dựng hệ thống quản lý hiệu suất, chương trình chuyên gia thuế ưu tú và kế hoạch chống tham nhũng. Hơn nữa, cán bộ thuế được tôn trọng không chỉ bởi chuyên môn và tính chuyên nghiệp, mà còn bởi tính chính trực và đạo đức của mình.

Luật hóa nguồn dữ liệu bên thứ ba

Dữ liệu bên thứ ba rất quan trọng giúp cơ quan thuế phát hiện các vấn đề tuân thủ thuế thông qua đối chiếu thông tin về thu nhập, tiền lương. Do đó, Cơ quan thuế Đan Mạch sử dụng nguồn thông tin này để đối chiếu với kê khai thuế khấu trừ nhằm xác định tuân thủ của người nộp. Cơ quan tình báo tài chính của Australia thực hiện cung cấp thông tin cho cơ quan thuế Australia với số lượng lớn theo yêu cầu bằng văn bản, phù hợp với quy trình được nêu trong biên bản ghi nhớ.

Theo OECD, tất các nước cần cho phép cơ quan thuế truy cập thông tin trực tiếp hay gián tiếp vì mục đích thuế theo thỏa thuận hiệp ước đối tác. Theo đó, các nước cần xem lại chính sách của mình nếu chưa có thì cần phải thực hiện thay đổi luật, quy định và quản lý thuế cho phép truy cập thông tin của ngân hàng để đảm bảo truy tố tội phạm về thuế.

Một số hàm ý cho Việt Nam

Cơ quan thuế Việt Nam với mô hình quản lý theo chức năng bao gồm các bộ phận tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, bộ phận kê khai thuế, bộ phận quản lý nợ thuế và bộ phận thanh tra kiểm tra thuế. Các thông tin hiện chưa tạo thành chuỗi thông tin gắn kết chặt chẽ để phối hợp bổ trợ lẫn nhau trong quá trình quản lý người nộp. Tuân thủ thuế ở Việt Nam chủ yếu là tuân thủ bắt buộc, chưa có chương trình tuân thủ thuế tự nguyện và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu phân đoạn người nộp nói chung và doanh nghiệp nói riêng một cách hợp lý và có các chính sách hợp lý đối với từng phân đoạn.

Thứ hai, thực hiện tăng cường công nghệ trong các dịch vụ hỗ trợ theo từng phân đoạn với các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Các dịch vụ điện tử, dịch vụ kê khai có sẵn thông tin không cần điền đối với doanh nghiệp cần thông tin hoặc nhắc nhở qua tin nhắn, điện thoại đối với đơn vị muốn làm đúng nhưng làm sai sót để tự nguyện điều chỉnh.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng mốc chuẩn theo ngành nghề để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh theo mốc chuẩn giảm chi phí tuân thủ cho cơ quan thuế và doanh nghiệp. Mốc chuẩn được công khai rộng rãi để đối chiếu tham khảo để thực hiện kê khai, nộp thuế tương đồng, công bằng giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa bàn, cùng doanh thu.

Thứ tư, xây dựng chương trình tuân thủ thuế toàn diện bao gồm dịch vụ hỗ trợ gắn với niềm tin hướng đến tuân thủ thuế tự nguyện và thanh tra kiểm tra qua sử dụng quyền lực của cơ quan thuế gắn với tuân thủ thuế bắt buộc. Định hướng tăng niềm tin của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp, gắn với môi trường thuế hợp tác và tôn trọng giảm áp lực về nguồn nhân lực của cơ quan thuế rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, khi mà lực lượng cán bộ thuế ngày càng giảm, không đủ lực lượng để thanh tra kiểm tra đầy đủ.

Thứ năm, cải tiến cơ cấu tổ chức theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường dịch vụ hỗ trợ thuế tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Một khi có thể phân đoạn người nộp là doanh nghiệp, để thực hiện chương trình tuân thủ thuế hiệu quả đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, phù hợp cho các chương trình, kế hoạch, tương ứng với số lượng và đặc điểm doanh nghiệp.

Thứ sáu, luật hóa dữ liệu bên thứ ba từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với hoạt động của doanh nghiệp như ngân hàng, các ngành tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, du lịch… Xây dựng nguồn dữ liệu chung giữa các cơ quan quản lý để có thể khai thác, đối chiếu phục vụ mục đích về thuế đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo môi trường công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Lèng Minh Hoàng. (2017). Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam. (Tiến sĩ Thesis), Học viện Tài chính;

2. ATO (2018), Commissioner of Taxation Annual Report 2017-2018. Australian Taxation Office, Canberra, October 2018, NAT 0995-10.2018 C257-00002;

3. IRAS (2019), Our Belief about Taxpayers. Retrieved from https://www.iras.gov.sg;

4. IRS (2019), IRS Mission and Organizational Structure. Retrieved from https:// www.irs.gov;

5. Kirchler, E., Hoelzl, E., & Wahl, I. (2008), Enforced versus voluntary tax compliance: The “slippery slope” framework. Journal of Economic Psychology, 29(2), 210-225;

6. OECD (2015), Taxation of SMEs in OECD and G20 Countries (Vol. 23), Paris: OECD Publishing;

7. SARS (2019), Annual Report 17/2018 - South African Revenue Service, Retrieved from South African Revenue Service;

8. SAT (2016), Annual Report 2015 - State Administration of Taxation of People's Republic of China. Retrieved from State Administration of Taxation of People's Republic of China.

(*) TS. Nguyễn Thế Khang - Trường Đại học Tài chính - Marketing.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.