Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa


Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp nhiều trở ngại khi phải đối diện với những biến động kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DNNVV chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký
Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DNNVV chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký

Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời đưa ra những hàm ý về mặt chính sách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong thời gian tới.

Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số nước

Nhật Bản

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng được coi là trụ cột của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai ở Nhật Bản. Thống kê đến năm 2017, Nhật Bản có 99,7% tổng số các đơn vị kinh doanh là DNNVV, sử dụng khoảng 70% tổng số lao động, thu nhập của khu vực kinh tế này chiếm 99,1% tổng thu nhập bán buôn và 99,8% tổng thu nhập bán lẻ (Khánh Linh, 2017). Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách phát triển DNNVV. Những thay đổi về chính sách nhằm đặt khu vực DNNVV vào vị trí phù hợp nhất và khẳng định tầm quan trọng của DNNVV trong nền kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản được phân thành hai nhóm chính. (i) Hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh; (ii) Hỗ trợ cho việc thay đổi cơ cấu DN. Từ những năm 1980, Liên đoàn DN nhỏ được thành lập, với chức năng chính là thực hiện toàn bộ các chính sách giúp DNNVV thúc đẩy hiện đại hóa và nâng cấp cơ cấu DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV nhờ phát triển công nghệ kỹ thuật. Để hỗ trợ khu vực DN này, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành khoảng 70-80 chính sách, luật hỗ trợ cho DNNVV. Hiện nay, ở Nhật Bản có khoảng 8.000 chuyên gia làm công tác hướng dẫn kinh doanh cho các DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp được hỗ trợ cách vận hành, thực hiện thủ tục kế toán hợp lý…

Bên cạnh việc ban hành mới các chính sách, Chính phủ Nhật Bản còn tiến hành cải cách pháp lý nhằm hỗ trợ cho việc tái cơ cấu để tăng khả năng thích nghi của DNNVV trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Các quy định tạo thuận lợi cho thành lập DN mới và hỗ trợ DNNVV đổi mới trong các hoạt động quản trị nội bộ, tăng nguồn cung ứng vốn rủi ro, trợ giúp về công nghệ và đổi mới. Các chính sách giúp DNNVV xây dựng các kênh phân phối có hiệu quả nhằm hỗ trợ cho việc tăng cường sức cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ thông qua công nghệ thông tin và xúc tiến các lĩnh vực bán hàng.

Nhật Bản cũng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ (R&D) nhằm giúp các DN đưa công nghệ hiện đại, mới vào sản xuất ô tô. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã cùng nhau thành lập Tổ chức R&D động cơ đốt trong thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu. Mục tiêu cụ thể của Tổ chức này là nâng mức hiệu quả nhiên liệu của động cơ xăng và diesel truyền thống thêm 30% vào năm 2020. Để hỗ trợ việc thành lập Tổ chức R&D, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ 50% ngân sách cho dự án có mức đầu tư khoảng 9,9 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, số lượng DN thành lập mới ở Việt Nam là 134.941 DN, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Hỗ trợ về vốn vay tại Nhật Bản có thể dưới dạng các khoản cho vay thông thường với lãi suất cơ bản hoặc các khoản vay đặc biệt với những ưu đãi theo các mục tiêu chính sách. Hệ thống hỗ trợ tăng cường cơ sở quản lý các DNNVV ở từng khu vực, các khoản vay được thực hiện tùy theo từng điều kiện của khu vực thông qua một quỹ được đóng góp chung bởi chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương và được ký quỹ ở một thể chế tài chính tư nhân. Kế hoạch cho vay nhằm cải tiến quản trị của các DN không đòi hỏi phải có thế chấp hoặc bảo lãnh. Nhật Bản đã dành 310 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho các DN khu vực này (Tương đương khoảng 7 nghìn tỷ đồng) (Khánh Linh, 2017).

Chính phủ Nhật Bản cũng cho vay trực tiếp đối với các khoản vay dài hạn không có lãi hoặc lãi suất rất thấp để nâng cao trình độ công nghệ, phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh của DNNVV. Đến nay, Nhật Bản đã thành lập 862 tổ chức tài chính phục vụ DNNVV và hơn 4.517 tổ chức tài chính chuyên trách phục vụ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Nhật Bản cũng đã thành lập các cơ quan hỗ trợ đặt ở 9 khu vực khác nhau, có 47 điểm tư vấn, và thành lập các hiệp hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp với tổng khoảng 2.500 địa chỉ để sẵn sàng trợ giúp cho các DNNVV.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc số lượng DNNVV chiếm khoảng 99% tổng số DN, giải quyết được việc làm cho hơn 87% tổng dân số đang ở độ tuổi lao động. Hàn Quốc thực hiện một số chính sách nhằm giúp năng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV như:

- Chính sách thúc đẩy sự phát triển DNNVV: Hàn Quốc thực hiện các chính sách khuyến khích DNNVV phát triển vào đầu những năm 1980. Qua đó, các DNNVV trở thành những DN vệ tinh cung cấp bán thành phẩm cho các tập đoàn lớn. Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật Xúc tiến DN hỗ trợ chỉ định một số ngành công nghiệp cũng như một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp này là sản phẩm phụ trợ.

Chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư cải thiện những mặt yếu kém của các DNNVV, nhằm tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc khuyến khích các DN đổi mới cơ cấu quản lý và vận hành. Chính phủ đã định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp chế tạo, hình thành loại hình “thung lũng Silicon Hàn Quốc” cho DNNVV, hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị và giảm thuế doanh thu, sử dụng tài sản, đất; Nuôi dưỡng và thúc đẩy tăng trưởng, giúp các DNNVV có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu đổi mới công nghệ.

- Chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV: Tại Hàn Quốc, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV bao gồm hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc Ngân hàng Trung ương. Hệ thống bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc được luật hóa từ năm 1961 nhằm giảm nhẹ khó khăn tài chính cho các DNNVV. Đến nay, hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV được phân theo 3 kênh chính gồm: Quỹ Bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ Bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương (Nguyễn Thế Bính, 2013).

- Chính sách thuế đối với DNNVV: Chính sách thuế hỗ trợ DNNVV được thực hiện từ năm 1980, trong đó tập trung vào những DN đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bao gồm: Hoàn lại 15% chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; miễn thuế VAT, thuế trước bạ đối với nhà cửa và đất đai phục vụ các mục tiêu nghiên cứu phát triển. Năm 2014, Hàn Quốc đã đưa ra những quy định rõ ràng về các chính sách miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đối với các DNNVV đang hoạt động trong mọi lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với DN nhỏ, tùy theo từng trường hợp và điều kiện hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật sẽ được giảm 5%, 10%, 15%, 20% hay 30% (Phạm Thái Hà, 2018) hay miễn thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ đối với với nhà cửa và đất đai phục vụ các mục tiêu nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của các DNNVV.

- Chính sách nâng cao khả năng về ứng dụng khoa học và công nghệ: Những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã giới thiệu các khoản vay nước ngoài dài hạn quy mô lớn và phân bổ chúng cho các ngành công nghiệp. Khoản đầu tư này cho phép các công ty tài trợ nhập khẩu hàng hóa vốn lớn và xây dựng các nhà máy chìa khóa trao tay. Với chính sách này, các DNNVV cũng được hưởng lợi từ việc đầu tư lan tỏa. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách khuyến khích phát triển R&D trong các DNNVV. Kết quả cho thấy, sự gia tăng đáng kể trong đầu tư của khu vực tư nhân vào R&D, đóng vai trò dẫn dắt các sáng kiến của chính sách mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra. Năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã dành cho hoạt động R&D số tiền lên tới 18.890 tỷ Won (tương đương 16,6 tỷ USD). Trong đó, tỷ lệ cho quản trị của DNNVV chiếm 5,2%, khoa học, công nghệ thông tin của DNNVV chiếm 34,4% (Sebastián Herreros, Keiji Inoue, Nanno Mulder, 2018).

Theo số liệu của Cục Quản lý kinh doanh nhỏ của Mỹ (SBA), năm 2018, DNNVV chiếm trên 99,9% tổng số hãng kinh doanh có thuê nhân công; thu hút 47,5% lực lượng lao động trong khu vực tư nhân, 51% lực lượng trợ giúp công cộng và 38% trong lĩnh vực công nghệ cao... (U.S. Small Business Aministration, 2018). Các biện pháp trợ giúp DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ Mỹ bao gồm:

- Cải cách pháp lý: Chính phủ Mỹ tăng cường thi hành Luật Chống độc quyền, cũng như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cắt bỏ các giấy phép, điều kiện về thủ tục gia nhập thị trường, giảm thuế thu nhập DN trong một số lĩnh vực chính, nâng cao các biện pháp hỗ trợ về an sinh xã hội để nâng cao sức cạnh tranh cho DNNVV.

- Chính sách hỗ trợ tài chính: Chính phủ Mỹ tiến hành các hoạt động trợ giúp tài chính như: Tín dụng trực tiếp và bảo lãnh tín dụng, thưởng kinh doanh, thưởng xuất khẩ; Hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo và nhiều loại bảo hiểm khác nhau, nâng cao năng lực quản trị và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý DN và người lao động. Đến nay, Mỹ đã có 130 chương trình trợ giúp kinh doanh, giá trị trợ giúp lên tới 86,6 tỷ USD. Nguồn vốn của Chương trình này được lấy từ các khoản hỗ trợ, đầu tư của 5.000 ngân hàng thương mại, công ty tài chính, 170 tổ chức phi chính phủ, Viện Tài chính phát triển cộng đồng và khoảng 300 công ty đầu tư tài chính tư nhân (U.S. Small Business Aministration, 2018). Tuy nhiên, chính quyền Mỹ rất hạn chế trong việc cấp tín dụng trực tiếp.

- Chính sách trợ giúp về đổi mới công nghệ cho các DNNVV: Mỹ có nhiều chính sách trợ giúp các DNNVV khai thác tiềm năng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu như Chương trình chuyển giao công nghệ kinh doanh; Quỹ Hợp tác mở rộng chế tạo và chương trình nghiên cứu đổi mới kinh doanh. Các chương trình này cung cấp các khoản vốn lớn cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Theo Sách trắng DN Việt Nam 2020, tính đến 2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động. Trong đó có 508.770 DN đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% trong toàn bộ khu vực DN của cả nước; Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 DN, chiếm 31,6%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 DN, chiếm 1,3%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, số lượng DN thành lập mới ở Việt Nam là 134.941 DN, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DNNVV chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký, đóng góp khoảng 60% GDP và tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định, DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, các DN đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển như: Quy mô nhỏ, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ công nghệ còn lạc hậu; Khả năng quản trị DN yếu; Thiếu khả năng tiếp cận thông tin, công nghệ và trình độ lao động cũng bị hạn chế; Thiếu mặt bằng để phát triển sản xuất kinh doanh, đại bộ phận chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu, khó liên kết để tạo thế mạnh chung… Điều này làm hạn chế không chỉ quá trình vươn ra thị trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của DN, mà còn là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với phía Nhà nước trong việc tìm kiếm các giải pháp chính sách phù hợp nhằm khơi thông con đường phát triển cho DNNVV.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong các chính sách nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN, hầu hết các quốc gia đều xác định DNNVV là đối tượng trọng tâm và là lực lượng quan trọng quyết định sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế... Tuy nhiên, các DNNVV thường thể dễ bị tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa, do đó, để hỗ trợ loại hình cho các DN này có thể phát triển trong quá trình hội nhập, cạnh tranh được ở phạm vi khu vực và thế giới, Việt Nam cần tập trung vào xây dựng chính sách theo hướng sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách đối với DNNVV. Theo đó, tiếp tục thực hiện giảm chi phí kinh doanh, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước; Ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức; Cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo hiểm xã hội để nâng cao Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt điểm số trung bình của các nước ASEAN.

Thứ hai, tiếp tục việc thực hiện các chính sách nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và ứng dụng, phát triển công nghệ mới theo hướng chủ động; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Thứ ba, tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận được các hình hỗ trợ tài chính của Chính phủ như các Quỹ Bảo lãnh tín dụng; Hợp pháp hoá các loại hình cho vay mới (hợp tác xã tín dụng và tổ chức tài chính công nghệ) và mở rộng việc áp dụng bảo lãnh tín dụng nhằm tăng sự cạnh tranh trên thị trường tín dụng. Để các DN dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của 3 nhân tố là tổ chức tín dụng, DN và cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các ngân hàng cần đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường; rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; Tăng cường sự hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại, giáo dục, đào tạo, tư vấn về thiết bị, công nghệ hiện đại cho DNNVV.

Thứ tư, sử dụng công cụ thuế như là công cụ tài chính quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính với DNNVV. Việc ưu đãi về thuế theo quy mô DN luôn tác động trực tiếp tới khả năng tích luỹ, tái sản xuất mở rộng, cũng như khuyến khích DN sử dụng nhiều lao động, đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế DN cho các DNNVV, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến mức thuế suất thấp hơn cho các công ty siêu nhỏ và nhỏ;

Thứ năm, hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV. Thông qua phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới cơ chế và chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DNNVV, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghệ 4.0 giúp quá trình hội nhập của DNNVV nhanh hơn và sâu hơn. Chú trọng phát triển các Quỹ Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; Kết nối DN, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư...

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng doanh nghiệp 2020, NXB Thống kê;

2. Khánh Linh (2017),“Bí quyết” phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn từ Nhật Bản. http://vneconomy.vn/doanh-nhan/bi-quyet-phat-trien-doanh-nghiep-vua-va-nho-nhin-tu-nhat-ban-20170303125549774. htm, tra cứu ngày 15/7/2021;

3. Nguyễn Thế Bính (2013), “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 12 (22);

4. Phạm Thái Hà (2018), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam. http://tapchitaichinh. vn/tai-chinh-quoc-te/chinh-sach-tai-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-136553. html, tra cứu ngày 15/07/2021.

(*) TS. Nguyễn Nam Hải - Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021.