Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Mỹ Nhân/ Báo Trà Vinh

Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã triển khai các cuộc tuyên truyền gắn với kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp đến các ngành, các cấp, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Sản phẩm mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần) luôn hấp dẫn khách hàng. Được biết, Công ty TNHH Trà Vinh Farm là một trong những Công ty được nhận gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Dự án SME Trà Vinh. Ảnh: Mỹ Nhân
Sản phẩm mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần) luôn hấp dẫn khách hàng. Được biết, Công ty TNHH Trà Vinh Farm là một trong những Công ty được nhận gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Dự án SME Trà Vinh. Ảnh: Mỹ Nhân

Thực hiện Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển DNNVV tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020. Nhiều hoạt động hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị khối công đã triển khai thiết thực cho các DNNVV, nhất là các hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV đã bước đầu đi vào hoạt động, một số đã phát huy tác dụng tích cực; số lượng, quy mô và mật độ DNNVV, lao động của DNNVV tăng nhanh; chất lượng và năng lực cạnh tranh của các DNNVV từng bước nâng lên; tình hình xã hội có sự cải thiện.

Để hỗ trợ, giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Các thông tin trao đổi giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đều thực hiện trên hệ thống thông tin và được cập nhật đồng bộ dữ liệu để thuận tiện phối hợp quản lý đạt hiệu quả, qua đó đã tiếp nhận 3.095 lượt hồ sơ các loại, trong đó có 892 hồ sơ mới.

Tuy nhiên, kết quả qua 03 năm thực hiện chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ các hộ kinh doanh, số lượng DN phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra, toàn tỉnh có 1.099 DN được thành lập mới, trong đó có 136 hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, chiếm 12,4% số DN thành lập mới.

Song song đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Kế hoạch số 106/KH-SKHĐT ngày 17/01/2018 để thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong thành lập DN, bộ phận một cửa và cử chuyên viên Trung tâm Xúc tiếp đầu tư và Hỗ trợ DN, đồng thời đưa Phòng Đăng ký kinh doanh lên Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh để hỗ trợ, giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập DN.

Bên cạnh đó, công tác cấp giấy đăng ký DN thực hiện qua mạng, DN không cần đến cơ quan cấp giấy đăng ký DN hay Trung tâm hành chính công để nộp các thủ tục thành lập DN mà ở nhà cũng thực hiện được thông qua hệ thống mạng cấp giấy đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, chương trình kết nối ngân hàng - DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp hỗ trợ 40 DN tiếp cận vốn vay hơn 1.000 tỷ đồng bằng nhiều hình thức, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và DN.

Đồng thời thực hiện chương trình cho vay bình ổn thị trường với lãi suất thấp hơn bình quân từ 02 - 2,5% so với lãi suất thông thường, số tiền đầu tư cho các DN tham gia vào chương trình ngày càng tăng. Qua đó, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, hạn chế tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh gây bất ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngành công thương thực hiện 15 Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và DN trên địa bàn tỉnh; 03 hoạt động hỗ trợ áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;... ngoài ra, từ nguồn ngân sách của Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ từ dự án SME, AMD hỗ trợ cho các DN cải tiến kỹ thuật, máy móc, thiết bị nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của DN, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Hồng Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thân thiện hơn; đổi mới phương pháp, biện pháp hỗ trợ cho DN theo hướng đồng hành cùng DN. Xây dựng các danh sách, mạng lưới các tư vấn, chuyên gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN công bố trên mạng thông tin điện tử nhằm giúp DN có nhu cầu để tiếp cận các tư vấn, các dịch vụ thuận lợi hơn. Lồng ghép, triển khai hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách của dự án SME để hỗ trợ DN.

Triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ DN, khởi nghiệp, kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh để các DN tiếp cận các nguồn lực; vận hành hiệu quả Vườn ươm DN, nhất là các hoạt động ươm tạo các ý tưởng sáng tạo để thành lập DN. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các DN phát triển ngành, phát triển theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông - thủy sản có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội DN trong hỗ trợ DN khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững; công tác đào tạo, huấn luyện các kỹ năng mềm cho các DN giúp các DN nâng cao được nhận thức, kỹ năng trong quản lý, điều hành, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tinh thần cộng đồng tự lực vươn lên tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển DN, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển.