Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số

PGS. TS. Trần Thị Xuân Anh, NCS. Bạch Đức Khôi Nguyên - Khoa Tài chính - Học viện Ngân hàng

Báo cáo của Tổ chức Thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) 2024 cho thấy, thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ về kinh tế số. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Để có cơ sở khoa học và thực tiễn cho những giải pháp, nghiên cứu này phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới để rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam.

Phát triển kinh tế số trên thế giới

Trong 2 thập kỷ qua, thế giới đã trải qua một sự thay đổi kỹ thuật số mà ít ai có thể dự đoán được vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin năm 2005, tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội, cũng như những thách thức mới. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, số lượng người dùng Internet đã tăng vọt từ 1 tỷ vào năm 2005 lên 5,4 tỷ vào năm 2023. Từ năm 2010 đến năm 2023, ước tính số lượng điện thoại thông minh được sản xuất hàng năm đã tăng gấp đôi, từ 500 triệu lên khoảng 1,2 tỷ. Từ năm 2001 đến năm 2022, số lượng đơn vị bán dẫn được bán ra đã tăng gấp bốn lần và những con số này vẫn tiếp tục tăng. Cơ sở hạ tầng mạng, bao gồm cáp ngầm và vệ tinh truyền thông, cung cấp những cách thức ngày càng nhanh hơn để kết nối nhiều người và máy móc hơn. Phạm vi phủ sóng băng thông rộng di động thế hệ thứ năm (5G) dự kiến sẽ tăng từ 25% vào năm 2021 lên 85% vào năm 2028. Tốc độ kết nối cao hơn cho phép tạo, thu thập, lưu trữ và phân tích nhiều dữ liệu tốt hơn và đây là yếu tố cốt lõi đối với các công nghệ mới nổi như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Số lượng đối tượng được kết nối Internet dự kiến sẽ tăng từ 13 tỷ vào năm 2022 lên 35 tỷ vào năm 2028 (UNCTAD, 2024).

Báo cáo về kinh tế số các nước Đông Nam Á của Google, Tamsek và Brain & Company năm 2023 cho thấy các quốc gia này đạt doanh thu 100 tỷ USD, tăng gấp tám lần so với năm 2015. Ngoài doanh thu, giá trị giao dịch cũng tăng 11% vào năm 2023, đạt 218 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, tổng giá trị của nền kinh tế số ASEAN hiện dự kiến sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025, giảm đáng kể so với ước tính trước đó là 330 tỷ USD vào năm 2025.

Mặc dù, các công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để giảm thiểu nhiều mối quan ngại về môi trường, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức. Báo cáo UNCTAD (2024) đã chỉ rõ nền kinh tế kỹ thuật số đòi hỏi nhiều tài nguyên. Một máy tính nặng hai kg cần 800 kg nguyên liệu thô. Một chiếc điện thoại thông minh, từ khâu sản xuất đến khâu thải bỏ, cần khoảng 70 kg. Rác thải kỹ thuật số đang tăng nhanh hơn tốc độ thu gom. Rác thải từ màn hình và thiết bị CNTT nhỏ đã tăng 30% từ năm 2010 đến năm 2022, đạt 10,5 triệu tấn. Việc thải bỏ không đúng cách dẫn đến ô nhiễm và các mối nguy hại khác đối với sức khỏe và môi trường.

Nhu cầu ngày càng tăng về truyền dữ liệu, xử lý và lưu trữ cho các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng di động thế hệ thứ năm (5G) và IoT đang làm tăng lượng khí thải. Ví dụ, ngành ICT ước tính thải ra 0,69 đến 1,6 gigaton CO2 tương đương vào năm 2020, tương ứng với 1,5% đến 3,2% lượng khí thải GHG toàn cầu.

Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có cải cách chính sách, đổi mới công nghệ và hành động từ tất cả các bên liên quan – các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng – để làm cho các mô hình kinh tế phát triển tuần hoàn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, bền vững hơn và tiêu dùng có trách nhiệm hơn. Chính vì vậy, bài toán đặt ra đối với Chính phủ các nước hiện nay là làm thế nào để phát triển kinh tế số song vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, do đó việc học tập kinh nghiệm các nước đi trước là điều cần thiết.

Nghiên cứu này lựa chọn kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Trung Quốc, Singapore, Malaysia là các quốc gia có đặc điểm môi trường kinh tế - xã hội, chính trị tương đối phù hợp với Việt Nam.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia

Hình 1: Thiết bị IoT có kết nối di động, theo nhóm quốc gia 2016-2029 (triệu kết nối) Nguồn: UNCTAD
Hình 1: Thiết bị IoT có kết nối di động, theo nhóm quốc gia 2016-2029 (triệu kết nối) Nguồn: UNCTAD

Trung Quốc

Nền kinh tế số của Trung Quốc đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 20 năm trở lại đây và đã đưa nền kinh tế Trung Quốc lên vị trí thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Với tốc độ phát triển trung bình mỗi năm trong khoảng 10% - 20% từ năm 2016 đến nay, cộng với lợi thế về quy mô dân số lớn (chiếm 17,5% dân số thế giới), Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm vị trí nền kinh tế số lớn nhất trên thế giới trong khoảng 10 năm tới. Đây là kết quả của những chính sách và kế hoạch hành động nhằm bắt kịp các nền kinh tế số lớn trên thế giới từ những năm đầu thế kỷ XXI (Hải Nguyễn, 2024).

Từ đầu năm 2000, Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn để thành lập nên Chính phủ số. Trung Quốc đã khởi xướng việc xây dựng chính phủ điện tử đến năm 2014 trong giai đoạn đầu tiên. Cho đến hiện tại, Chính phủ số được hoàn thiện nhằm tăng cường sử dụng dữ liệu trong lĩnh vực quản lý, vượt ra ngoài các dịch vụ hành chính và vào quản lý xã hội (Nguyễn Diệu Hương, 2021).

- Giai đoạn 1: Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một mục tiêu cụ thể là tăng cường kho dữ liệu số chính phủ, tăng cường chia sẻ các nguồn thông tin và thiết lập nền tảng bền vững để phát triển Chính phủ điện tử với thời hạn 5 năm. Trong giai đoạn này, Trung Quốc thực hiện triển khai dữ liệu hóa nhằm thực hiện đầy đủ tinh thần của các chính sách. Các biện pháp này bao gồm: Cải tiến, chỉnh sửa khuôn khổ pháp lý trong công tác truyền bá và công bố thông tin; Tăng cường trao đổi, hợp tác đa quốc gia cùng các công ty truyền thông kỹ thuật có uy tín tại các quốc gia; Thúc đẩy tăng cường các lĩnh vực công nghiệp nội địa, áp dụng các chính sách gia tăng vốn FDI, chính sách giảm thuế trong xuất nhập khẩu.

- Giai đoạn 2: Trung Quốc đã ban hành các chỉ thị vào tháng 7/2015 và tháng 9/2016 để thúc đẩy kết nối Internet và các kết nối với tiện ích được Nhà nước cung cấp. Điểm chính là đổi mới phương pháp quản trị, công khai đầy đủ các vấn đề của nhà nước và thành lập một cấu trúc Internet có thể xử lý mọi công việc chỉ bằng một trang web duy nhất. Trong suốt thời gian này, Trung Quốc đã triển khai nhiều sáng kiến để thiết lập hệ thống "Internet + dịch vụ chính phủ". Hệ thống này hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp quản lý mọi vấn đề liên quan đến thủ tục và thông tin cần thiết.

- Giai đoạn 3: là giai đoạn phát triển chủ đạo nhất, Trung Quốc triển khai các chính sách thiết lập cho nền Chính phủ số, bao gồm: Thiết lập một cấu trúc cổng thông tin điện tử quốc gia. Cổng thông tin có chức năng làm cầu nối tích hợp các tiện ích được phát triển ở các giai đoạn trước cho hơn 30 khu vực lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường cơ chế quản lý bằng cách thúc đẩy, quảng bá việc tận dụng các tiện ích thuộc cấu trúc dịch vụ chính phủ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và vận hành công việc, bất kể ở đâu (Nguyễn Diệu Hương, 2021).

Theo số liệu từ World Bank Data, đến năm 2020, 70% dân số Trung Quốc có sử dụng Internet, và đến năm 2022, con số đã lên tới mốc 76% dân số. So với 79% (342 triệu) của EU và 91% (262 triệu) của Hoa Kỳ, số lượng thuê bao điện thoại di động của Trung Quốc chiếm 95% số người dùng Internet (695 triệu). Lượng đăng ký băng thông hàng tháng tăng trưởng nhanh chóng từ 34% đến 41% chỉ trong 2 năm từ 2020 đến 2022 (Nguyễn Đặng Hải Yến, 2020).

Lợi thế thứ hai của Trung Quốc bắt nguồn từ bản chất thị trường đa dạng, rộng lớn, dẫn đến sự ganh đua quyết liệt của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp Trung Quốc luôn sáng tạo cách thức kinh doanh của họ bằng cách kiểm tra và đưa vào các loại hình kinh doanh mới trên nền tảng số. Điều này đang được chính phủ Trung Quốc khuyến khích và là động lực thúc đẩy các loại hình bán hàng lỗi thời, tạo xu thế tìm tòi phát triển cái mới và làm các doanh nghiệp thích nghi trong thời đại công nghệ kinh tế số.

Singapore

Singapore là một trong những quốc gia đã chứng minh khả năng phát triển nền kinh tế số vượt trội trong thời gian gần đây bằng cách phát triển công nghệ trong thời đại 4.0. Cùng với sự thay đổi của thời đại, nền kinh tế số của Singapore đã phát triển khoảng 2 lần so với 6 năm trước, lên tới 106 tỷ USD Singapore (khoảng 78 tỷ USD) vào năm 2022, tương đương với 17,3% GDP danh nghĩa của Singapore, tăng từ mốc 13% GDP vào năm 2017 theo báo cáo năm 2023 của Cơ quan Phát triển Truyền thông Thông tin (IMDA) tại Singapore. Sự tăng trưởng này cũng mở ra 200 nghìn vị trí liên quan đến công nghệ chỉ trong năm 2022 (IDMA Report, 2023).

Trước tiên, Singapore đưa ra các kế hoạch xâu dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nâng cao nền tảng công nghệ để nâng cao kinh tế số của Singapore. Những bước phát triển đáng chú ý nhất trong thời gian đầu là lên kế hoạch xây dựng mạng cáp quang quốc gia và mạng di động 4G trong khoảng thời gian năm 2010. Những thay đổi này là những bước đệm góp phần làm tiền đề cho sự phát triển nền kinh tế số và công nghệ thông tin ở Singapore.

Singapore luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia có số lượng người dùng Internet cao nhất trên toàn thế giới. Theo World Bank Data, vào năm 2020, Singapore có hơn 128.000 máy chủ Internet an toàn, đưa quốc gia này vào top năm trong số 240 khu vực có dữ liệu được báo cáo. Người dùng Internet chiếm 96% dân số, tăng 4% so với năm 2020. Ngoài việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực số, Singapore còn thúc đẩy và khuyến khích kết nối Internet của mọi người bằng cách duy trì chi phí kết nối tối thiểu. Đến năm 2022, dự kiến số thuê bao băng thông rộng cố định tại Singapore sẽ chiếm 37% dân số. Singapore hiện đang chứng minh năng lực của mình về mặt này khi nước này tự hào có tốc độ kết nối băng thông rộng cố định nhanh nhất thế giới theo chỉ số toàn cầu (World Bank Data, 2024).

Singapore đồng thời triển khai các ưu đãi để khuyến khích các công ty tăng cường nghiên cứu và đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là công nghệ 5G, bởi công nghệ 5G sẽ đóng vai trò là nền tảng cho việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới và các ứng dụng tiên tiến, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh.

Một trong những chiến lược quan trọng nhất của Singapore là thực hiện Kế hoạch Quốc gia Thông minh iN2015. Quốc gia Thông minh 2015 là kế hoạch tổng thể 10 năm của Chính phủ Singapore nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT. Kế hoạch thiết lập các mục tiêu rõ ràng, bao gồm tạo thêm 80.000 việc làm, áp dụng băng thông rộng tại nhà cho 90% và sở hữu máy tính cho 100% các gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học. Quốc gia thông minh iN2015 được thiết kế để hỗ trợ cho các cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp bằng cách kết hợp nhiều tính năng quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vào ba thành phần chính: kết nối, thu nhập và hiểu biết.

Malaysia

Nền kinh tế kỹ thuật số là một trụ cột kinh tế quan trọng ở Malaysia. Ngành công nghệ thông tin của quốc gia này đã có tăng trưởng ổn định, đóng góp lớn thứ ba vào GDP của đất nước. Theo AlphaBeta, Malaysia ước tính sẽ đạt mức kinh tế hàng năm lên tới 257,2 tỷ MYR (61,3 tỷ USD) vào năm 2030 nếu công nghệ số được sử dụng hiệu quả. Do đó, ngân sách Malaysia đã phân bổ một quỹ đặc biệt lên tới 100 triệu RM để tài trợ cho quá trình số hóa 20.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cải thiện tự động hóa và hoạt động kinh doanh của họ (AlphaBeta, 2021; Akabot, 2024).

Malaysia đã đưa ra nhiều chiến lược khác nhau để phát triển cơ sở hạ tầng số của đất nước, bao gồm Dự án băng thông rộng tốc độ cao (HSBB) giai đoạn 2020-2025, Dự án băng thông rộng ngoại thành (SUBB), Dự án băng thông rộng nông thôn (RBB) vào năm 2020. Sau khi triển khai kế hoạch, cả 3 dự án đã mang Internet tới tất cả các khu vực trên toàn quốc và nâng lượng người sử dụng Internet lên con số vượt trội với 97% dân số sử dụng Internet để đóng góp vào nền kinh tế số.

Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu đã được Malaysia ban hành và thông qua với tư cách là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chương trình "MSC Malaysia" (MSC) đã đạt được những kết quả đáng chú ý khi giúp các doanh nghiệp tại từng khu vực trong việc tăng cường và thu hút vốn trong và ngoài nước. "Chương trình Doanh nhân Công nghệ Malaysia" (MTEP) là chính sách khá rõ ràng về mục đích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia. Điểm độc đáo của chương trình này là cung cấp các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp và thành viên tham gia. Cụ thể, mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 70% đến 100% trong khoảng thời gian lên tới 10 năm trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của dự án. Hơn nữa, MSC cũng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số bằng cách cung cấp các cơ sở kết nối các doanh nghiệp, sinh viên, giảng viên và các cá nhân xuất sắc trong ngành công nghệ và kỹ thuật số.

Song song với đó, Malaysia chú trọng xây dựng nguồn nhân lực số. Malaysia cung cấp các chương trình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật số, bao gồm eUshawan, đã thu hút hơn 3 nghìn, 51 nghìn và 102 nghìn nhân lực qua từng năm 2020, 2021 và 2022. Malaysia tạo ra chương trình đào tạo này để cung cấp cho các doanh nhân trẻ ở vùng nông thôn kiến thức và giá trị kinh doanh kỹ thuật số cần thiết để triển khai các kỹ năng truyền thông và quảng cáo nhằm tăng doanh số và tăng thu nhập. Malaysia cũng đặt ra vô số triển vọng công việc thông qua nền tảng "eRezeki". Nền tảng này cho phép người dân đăng ký làm lao động ảo bằng cách hoàn thành các tác vụ cơ bản trên ứng dụng nền tảng và có nguồn thu nhập khi có thể ở yên một chỗ (Hoàng Xuân Lâm, 2024).

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong mua sắm trực tuyến do việc sử dụng rộng rãi điện thoại di động và internet. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều hơn các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, VinID,... Điều này mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo dự báo, nền kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển với tốc độ cao nhất trong khu vực trong giai đoạn 2022-2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 31%. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á và được liệt kê là một trong mười quốc gia có tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu vào tháng 1/2024, theo Modor Intelligence. Ngành thương mại điện tử Việt Nam được Modor Intelligence dự đoán sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,09% từ năm 2024 đến năm 2029, từ mức ước tính 14,7 tỷ USD năm 2024 lên 23,77 tỷ USD năm 2029 (Bành Thị Hồng Lan, 2024).

Tuy nhiên, phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề đáng kể liên quan đến an ninh mạng và an ninh thông tin, bao gồm khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng, vi phạm dữ liệu và tội phạm trực tuyến. Để bảo vệ dữ liệu và giao dịch trực tuyến, các biện pháp phòng ngừa an ninh mạng phải được tăng cường.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển kinh tế số tương đối thành công, nhóm nghiên cứu rút ra một số kinh nghiệm phù hợp với đặc thù kinh tế số Việt Nam:

Một là, dựa vào lịch sử của các nước đã thành công phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số với địa lý và cách hoạt động tương tự với Việt Nam, có thể thấy điều quan trọng nhất là phải có tác động từ tư tưởng cởi mở, hỗ trợ tích cực từ Nhà nước bằng các chính sách, cơ chế từ Chính phủ với mục tiêu khuyến khích để tháo gỡ các khó khăn đang ràng buộc các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, với sự chú trọng là các công ty nhỏ và vừa. Tất cả các quốc gia được nghiên cứu đều có kế hoạch quy mô quốc gia để tăng trưởng nền kinh tế số. Trong tình hình phát triển nền kinh tế số hiện tại, trước sự tăng trưởng của các nền kinh tế số ở các khu vực lân cận nói riêng và toàn cầu nói chung, nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp, minh bạch, khuyến khích nhằm hỗ trợ thúc đẩy công nghệ kỹ thuật, các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty trong nước sẽ không thể có một môi trường thuận lợi để bắt kịp với tốc độ và khả năng thích ứng của các nước phát triển. Sau khi tối đa hóa sự thuận tiện cho các hoạt động nghiên cứu, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ, các địa phương sẽ có khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này hơn khi các thể chế và chính sách phát triển kinh tế số được hoàn thiện. Ngoài ra, Việt Nam phải xây dựng các chiến lược, quy định rõ ràng về chuyển đổi số cho doanh nghiệp liên quan đến nguồn lực tài chính và ngân sách để thúc đẩy các doanh nghiệp gia nhập thị trường số.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, số lượng người dùng Internet đã tăng vọt từ 1 tỷ vào năm 2005 lên 5,4 tỷ vào năm 2023. Từ năm 2010 đến năm 2023, ước tính số lượng điện thoại thông minh được sản xuất hàng năm đã tăng gấp đôi, từ 500 triệu lên khoảng 1,2 tỷ. Từ năm 2001 đến năm 2022, số lượng đơn vị bán dẫn được bán ra đã tăng gấp bốn lần và những con số này vẫn tiếp tục tăng.

Hai là, để nâng cao hiệu quả chính phủ số và triển khai các tiện ích dịch vụ công, cả khu vực công và tư phải có các kế hoạch xây dựng, cải tiến công nghệ số hiện tại và phát triển cơ sở hạ tầng số. Là nền tảng của tiến trình kinh tế số, cơ sở hạ tầng là mối quan tâm chung của mọi đất nước. Việt Nam phải tập trung nhiều hơn vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ để trở thành chuyên gia trong các công nghệ then chốt. Trong thời điểm hiện tại, khi nói đến phát triển các tiện ích cơ sở hạ tầng số, việc đưa vào 5G một cách rộng rãi để bắt kịp tốc độ của các nước trên thế giới là cần thiết. Bên cạnh đó, cần mở rộng kết nối Internet đến tất cả người dân Việt Nam, mang Internet với băng thông rộng đến mọi khu vực. Nhưng bên cạnh đó, cần phải chú ý tới an ninh mạng khi mở rộng phát triển một cách nhanh chóng.

Ba là, ngoài việc tập trung vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng số và cải thiện cơ chế chính sách cho nền kinh tế số, thì nguồn nhân lực số là rất cần thiết. Tại các nước như Singapore, việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực số là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan, tổ chức quản lý trong lĩnh vực công nghệ như IMDA. Các chương trình này nên được mở với các cơ chế quản lý phù hợp, với mục tiêu thúc đẩy giáo dục công nghệ thông tin. Cần thường xuyên cập nhập, đổi mới những nguồn tài liệu, chương trình từ các nước phát triển; thuê chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số bằng những cơ chế ưu đãi, khuyến khích phù hợp. Quy mô của các chương trình giáo dục này nên được Chính phủ đưa đến tất cả các khu vực kèm với sự đầu tư về hạ tầng cơ sở số, phù hợp với kế hoạch, định hướng của Chính phủ trong mục tiêu phát triển kinh tế số lâu dài.

Bốn là, Chính phủ nên xây dựng các quy định và cung cấp tài liệu phù hợp cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức giáo dục, theo bộ, ban, ngành nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về nền kinh tế số cũng như những ưu điểm và nhược điểm của nó. Các tổ chức báo chí và truyền thông phải đồng thời định hình nhận thức của công chúng để hỗ trợ các công ty, cá nhân và toàn xã hội hiểu được nền kinh tế số và được trang bị tốt hơn để điều chỉnh theo các xu hướng mới nổi. Chính sách này cũng góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình của cá nhân, tập đoàn và chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế số.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đặng Hải Yến (2020), Nền kinh tế số: Kinh nghiệm phát triển ở một số quốc gia - bài học cho Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/nen-kinh-te-so-kinh-nghiem-phat-trien-o-mot-so-quoc-gia-bai-hoc-cho-viet-nam-25520.html;
  2. Nguyễn Diệu Hương (2021), Một số nét về xây dựng Chính phủ số ở Trung Quốc, https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/download/75758/64488/
  3. Phan Huy Thành (2024), Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia châu Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/918102/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-so-cua-mot-so-quoc-gia-chau-a-va-goi-y-chinh-sach-cho-viet-nam.aspx;
  4. Bành Thị Hồng Lan (2024), Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-122523.htm;
  5. Hải Nguyễn (2024), Trung Quốc vươn lên số 2 thế giới về kinh tế số, https://laodong.vn/cong-nghe/trung-quoc-vuon-len-so-2-the-gioi-ve-kinh-te-so-1345621.ldo;
  6. AkaBot (2024), Xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường Malaysia, https://akabot.com/vi/tai-nguyen/blog/xay-dung-chien-luoc-chuyen-doi-so-toan-dien-de-thuc-day-canh-tranh-tren-thi-truong-malaysia/;
  7. AlphaBeta (2021), Positioning Malaysia as a regional leader in the digital economy: The economic opportunities of digital transformation and Google’s contribution, https://cdn.accesspartnership.com/wp-content/uploads/2023/03/Malaysia-Digital-Transformation.pdf;
  8. IMDA (2023), Singapore Digital Economy Report 2023, https://www.imda.gov.sg/-/media/imda/files/infocomm-media-landscape/research-and-statistics/sgde-report/singapore-digital-economy-report-2023.pdf.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2024