Kinh nghiệm quốc tế về quản lý các hoạt động phụ trợ bảo hiểm

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Việc xây dựng chính sách và hoàn thiện quy định pháp luật đối với các hoạt động phụ trợ bảo hiểm là một đòi hỏi cấp thiết để thực hiện cam kết quốc tế cũng như bảo vệ thị trường bảo hiểm trong nước trong hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm được đưa vào chương trình sửa luật trong năm 2021, bài viết này đưa ra một số nội dung cần xem xét xây dựng quy định pháp luật đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm ở Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong quản lý các hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia hội nhập quốc tế, bắt đầu từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006. Đến nay quá trình hội nhập đang tiếp diễn ở giai đoạn mới khi Việt Nam tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP)… và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Việc tham gia và trở thành thành viên của các FTA yêu cầu Việt Nam phải thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường, những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao, trong đó có cam kết về mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong các khung khổ hội nhập kinh tế quốc tế.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm là một vấn đề còn mới ở Việt Nam. Việc xây dựng chính sách và hoàn thiện quy định pháp luật đối với các hoạt động phụ trợ bảo hiểm là một đòi hỏi cấp thiết, để mở cửa thị trường bảo hiểm một cách chủ động, thực hiện cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong bối cảnh Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được đưa vào chương trình sửa luật vào năm 2021, bài viết này đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế nhằm cân nhắc khi xây dựng quy định pháp luật đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm ở Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong quản lý các hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Cụ thể ở những nội dung sau:

Thứ nhất, quản lý, giám sát đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được hiểu là hoạt động dịch vụ do bên thứ ba cung cấp để thực hiện một trong các công đoạn của quy trình kinh doanh bảo hiểm như: Hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm, giám định tổn thất, hoặc giải quyết bồi thường, hoạt động tư vấn. Hoạt động này giúp doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) giảm bớt đầu tư nguồn lực vào từng công đoạn đó. Vấn đề đặt ra là dù được thực hiện bởi một bên thứ ba, DNBH vẫn phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho các hoạt động đó.

Việc bên thứ ba không hoàn thành các công việc được thuê ngoài có thể ảnh hưởng khả năng cung cấp dịch vụ của công ty bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người được bảo hiểm. Thực tế này, đặt ra yêu cầu cơ quan nhà nước phải quản lý hoạt động thuê ngoài của công ty bảo hiểm. Tùy thuộc trình độ phát triển của thị trường bảo hiểm và nhu cầu quản lý mà pháp luật các nước có mức độ và phương thức quản lý, giám sát đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khác nhau. Có 3 mức độ quản lý, giám sát dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đó là:

(1) Cơ quan giám sát không can thiệp: Đối với các nước thị trường chưa phát triển như: Campuchia, Indonesia, Myanmar, Papua New Guinea, cơ quan giám sát không can thiệp vào việc DNBH sử dụng các dịch vụ thuê ngoài. Việc sử dụng dịch vụ hoàn toàn do sự thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức cung cấp dịch vụ.

(2) Cơ quan giám sát có can thiệp: Quản lý mang tính nguyên tắc đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm ở các nước có thị trường bảo hiểm phát triển, như: Úc, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Canada. Chỉ quản lý, giám sát chặt chẽ đối với một số hoạt động có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm như dịch vụ tính toán bảo hiểm, giám định bảo hiểm và việc sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của các DNBH.

Như vậy, DNBH chỉ cần báo cáo cơ quan quản lý (Hồng Kông, Nhật Bản); Hoặc các DNBH tuân thủ theo khung khổ về dịch vụ thuê ngoài hay các hướng dẫn về hoạt động thuê ngoài: Khung khổ về dịch vụ thuê ngoài yêu cầu DNBH phải có khung khổ quản lý rủi ro hiệu quả, chịu trách nhiệm thẩm định năng lực của nhà cung cấp dịch vụ, quy trình kiểm soát nội bộ hiệu quả (Singapore, Australia, Hồng Kong). Không có miễn trừ hoạt động thuê ngoài trong cùng một tập đoàn (Singapore).

(3) Quản lý bởi các quy định pháp luật chặt chẽ: Đối với các nước có thị trường bảo hiểm đang phát triển, như: Hàn Quốc, Malaysia. Việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định chặt chẽ, yều cầu DNBH phải lập hợp đồng bằng văn bản chặt chẽ và chịu trách nhiệm về các dịch vụ thuê ngoài.

Thứ hai, xác định rõ về phạm vi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Hiện nay, cách phân loại cũng như xác định các hoạt động phụ trợ bảo hiểm còn khác nhau ở các nước, có nước phân loại là hoạt động thuê ngoài, có nước xác định là dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và có quy định về hoạt động này. Một số nước phân loại các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tương tự như CPTPP (Úc, Canada, Malaysia...), nhưng không đưa ra định nghĩa, nội dung hoạt động của từng hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Việc phân loại chỉ nhằm mục đích thống kê và xác định các nghĩa vụ thuế. Một số nước lại phân biệt theo hoạt động thuê ngoài và hoạt động cốt lõi của DNBH.

Việc xác định rõ phạm vi của hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ giúp cho việc xây dựng chính sách được phù hợp và khả thi. Việt Nam tham gia vào các cam kết quốc tế, trong cam kết WTO, CPTPP, cũng như các cam kết đa phương, song phương định nghĩa về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gần như tương đồng nhau. Do đó, phạm vi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nên được xác định như nội dung đã cam kết trong WTO, CPTPP.

Thứ ba, cấp phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đa số các nước không có quy định về cấp giấy phép riêng cho các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp và có đăng ký ngành nghề kinh doanh thì được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tuy nhiên, đối với hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm ở một số nước phải được cấp giấy phép hoạt động riêng. Ở Malaysia, các hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ giám định tổn thất  bảo hiểm nói riêng được kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương Malaysia theo Luật Dịch vụ tài chính. Ở Singapore, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore là cơ quan kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm năm 2002. Theo quy định, các tổng giám đốc của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định và tính toán tổn thất phải được Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore chấp nhận thông qua.

Thứ tư, cần có điều kiện, tiêu chuẩn người hành nghề dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Chất lượng của hoạt động dịch vụ phụ trợ có tác động trực tiếp đến kết quả hoạt đông kinh doanh bảo hiểm. Để bảo vệ thị trường, một trong các phương thức quản lý nhà nước thông dụng chính là quy định chặt chẽ điều kiện, năng lực của cá nhân trực tiếp thực hiện dịch vụ. Đối với một số hoạt động như tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, các nước yêu cầu người trực tiếp thực hiện phải có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo liên quan đến bảo hiểm. Úc, Canada tiếp cận theo hướng tư vấn bảo hiểm cũng là tư vấn tài chính (trừ một số trường hợp ngoại lệ nhất định). Do đó, người tư vấn bảo hiểm phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý về dịch vụ tài chính.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm Nhật Bản, đưa ra các yêu cầu cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm cần phải được có chứng chỉ tính toán bảo hiểm do Hiệp hội tính toán Bảo hiểm Nhật Bản cấp, người thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải có chứng chỉ về giám định bảo hiểm do Hiệp hội Giám định bảo hiểm Nhật Bản cấp...

Thứ năm, quản lý vấn đề xung đột lợi ích. Trong mọi giao dịch, lợi ích giữa các bên đều xung đột với nhau, dù các bên có nhận ra hay không, có giải quyết triệt để bằng các điều khoản của hợp đồng hay không. Trong một hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm muốn được trả phí ít nhất, nhưng điều khoản bảo vệ rộng nhất. Ngược lại, công ty bảo hiểm luôn muốn thu được nhiều phí bảo hiểm với rủi ro được bảo hiểm thấp nhất có thể.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm với vai trò là một bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. cũng sẽ chứa đựng những xung đột lợi ích, dù rõ ràng hoặc tiềm ẩn, giữa các bên, ví dụ như: Đối với cùng một hợp đồng bảo hiểm, một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm nhưng cũng chính công ty này lại hỗ trợ công ty bảo hiểm giải quyết bồi thường. Điều này sẽ mang đến xung đột lợi ích, bởi vì công ty cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ thực hiện tư vấn cho khách hàng các giải pháp để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng và có hiệu quả kinh tế nhất.

Đối với vấn đề xung đột lợi ích, nhìn chung các nước có hai cách tiếp cận trong phương thức quản lý nhà nước. (1) Các nguyên tắc cơ bản mà bên cung cấp dịch vụ cần tuân thủ để hạn chế và giải quyết vấn đề xung đột. Lưu ý ở đây là giải quyết chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn sự xung đột; bởi lẽ sự xung đột biến mất cũng đồng nghĩa mối quan hệ giao dịch cũng không còn. (2) Triệt tiêu hoàn toàn, nhưng điều này đồng nghĩa là hạn chế khả năng cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ trong các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Các nước phát triển (như Canada và Úc) quản lý theo hướng các tổ chức, cá nhân không được cung cấp dịch vụ cho các khách hàng nếu việc cung cấp đó có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa các bên, trừ khi nhà cung cấp dịch vụ khai báo khả năng xung đột lợi ích cho các khách hàng được biết và các khách hàng vẫn đồng ý sử dụng nhà cung cấp dịch vụ. Các quy định này được thể hiện trong các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp do các hiệp hội nghề nghiệp ban hành.

Các nước như: Hàn Quốc và Malaysia lại tiếp cận theo cách thứ hai đối với dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm. Đối với dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm, các nước này quy định công ty giám định thiệt hại không được đồng thời là công ty môi giới bảo hiểm hoặc công ty môi giới bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định thiệt hại cho hợp đồng bảo hiểm mà chính mình đã thu xếp. Đối với hoạt động tính toán bảo hiểm, Malaysia bắt buộc chuyên gia tính toán bảo hiểm phải là người lao động của công ty bảo hiểm trừ khi cơ quan quản lý miễn trừ bắt buộc này. Việc xảy ra xung đột lợi ích là có thể xảy ra, do vậy khi xây dựng chính sách cần lưu ý đưa ra các quy định phù hợp với thị trường Việt Nam có thể lựa chọn cách giải quyết tương đồng như Hàn Quốc, Malaysia.

Thứ sáu, trách nhiệm của DNBH khi sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một khâu trong chu trình kinh doanh bảo hiểm, do đó khi DNBH sử dụng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong quá trình kinh doanh của mình thì DNBH vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với người mua bảo hiểm về quyền lợi của người được bảo hiểm khi sử dụng kết quả của bên thứ ba.

Các nước đều có quy định DNBH phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý giám sát thị trường về hoạt động sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Có trách nhiệm công khai minh bạch thông tin về bên thứ ba để để cơ quan quản lý và khách hàng cùng giám sát.

Để giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh thì việc quản lý các yếu tố của thị trường là vấn đề đặt ra mà các cơ quan quản lý cần phải quan tâm. Đối với Việt Nam khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước, để đưa ra các quy định cho phù hợp với tình hình phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Korea Insurance Researche Institute (KIRI) (2019), Korean Insurance Industry 2019;

2. Monetary Authority of Singapore (MAS), Types of Insurance Entities;

3. Financial Supervisory Commission, ROC (Taiwan), Insurance Bureau (March 2020), Indicators of Insurance;

4. ANZIIF (2019), Malaysian Insurance Highlights 2019.