Năm 2020, gần 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ghi dấn ấn trong năm với công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi...
Thống kê cho thấy, năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi...
Trong khi đó, chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%.
Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam chỉ mất 17 năm.
Về thực hiện chính sách lương hưu và trợ cấp BHXH, năm 2020 ngành BHXH đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Qua đó, đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người.
Cụ thể, chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân; trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng 27,1% so với năm 2015).
Cùng với đó, trên 1,006 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm 2019, tăng 91,2% so với năm 2015. Đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,2 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú, tăng 28,4% so với năm 2015...
Trong năm 2021, nhằm tiếp tục mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới BHXH toàn dân, ngành BHXH sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn cho người tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý...
BHXH Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ hơn về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Song song với đó, cơ quan BHXH sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung như: Quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ...