“Nghệ thuật” gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
Nhờ đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua bám sát với thực tiễn triển khai nhiệm vụ chính trị được giao, 5 năm qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có 275 tập thể, 362 cá nhân có sáng kiến, đề án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ của Ngành và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo khí thế thi đua, khơi dậy động lực cho cán bộ, công chức trong toàn Ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát động nhiều phong trào thi đua bám sát thực tiễn
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc và các đơn vị trong toàn Ngành không ngừng đổi mới nội dung và hình thức công tác này. Nhờ đó, các phong trào thi đua đã lan tỏa trong toàn Ngành và được triển khai bài bản, khoa học với tiêu chí, nội dung cụ thể, thiết thực.
Trong 5 năm qua, bên cạnh việc hưởng ứng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngành BHXH đã tổ chức nhiều phong trào thi đua phù hợp.
Xây dựng kế hoạch thực hiện các phong trào thi đua, cụ thể: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Bám sát nội dung chỉ đạo của các phong trào thi đua trên, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành xây dựng các chỉ tiêu thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo đó, 100% các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt các nội dung phong trào thi đua đến toàn thể công chức, viên chức, để mỗi người trên từng vị trí công tác của mình nhận thức đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng phát động phong trào thi đua đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 -2020; đồng thời, phát động 2 phong trào thi đua theo giai đoạn; 5 phong trào thi đua thường xuyên hàng năm và 10 phong trào thi đua theo chuyên đề...
Nhìn chung, các phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hiệu quả thiết thực từ các phong trào thi đua
Đánh giá về phong trào thi đua của ngành BHXH Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, các phong trào thi đua của ngành luôn bám sát với thực tiễn, hàng năm, nhờ đó, BHXH Việt Nam thực hiện vượt chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội.
Bên cạnh việc phát động phong trào thi đua thường xuyên, các phong trào thi đua chuyên đề của BHXH Việt Nam đã bám sát nhiệm vụ chuyên môn, được phát động tập trung vào việc hoàn thành những nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm của Ngành. Đặc biệt, một số phong trào thi đua mang lại những kết quả thiết thực trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị được giao.
Điển hình như, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng năm đều tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu như năm 2015 số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 70,2 triệu người, thì tính đến 31/8/2020 con số này đã đạt 86,4 triệu người (bằng 98,14% kế hoạch). Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh (đến tháng 8/2020 đạt 786.173 người); chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 gấp hai lần kết quả về số người phát triển được giai đoạn 11 năm trước đó. Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Về giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH, nếu như năm 2015, toàn Ngành giải quyết cho gần 8,1 triệu lượt người, thì đến năm 2019, con số này là 12,5 triệu lượt người (tăng 54%). Hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho khoảng 3,2 triệu người hưởng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt và khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân).
Về thủ tục hành chính, ngành BHXH đã giảm từ 115 thủ tục năm 2014 xuống còn 27 thủ tục năm 2019; số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm… Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với báo cáo năm 2017).
Hiện tại, hệ thống giao dịch BHXH điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc (tuyến xã 10.376 cơ sở y tế, tuyến huyện 1.933 cơ sở y tế, tuyến tỉnh 540 cơ sở y tế, tuyến trung ương 48 cơ sở y tế).
5 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, trong 5 năm tới (2021 - 2025), toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của Ngành.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, trong giai đoạn 2021 -2025, ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua khen thưởng.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát động. Cùng với đó, lấy phong trào thi đua làm động lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Thứ ba, bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, bám sát với nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng thời điểm cụ thể.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng liên thông với phần mềm quản lý cán bộ, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế chấm điểm thi đua, đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo khách quan, công bằng và hiệu quả; cơ chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân thông qua Bộ chỉ số lượng hóa tiêu chí đánh giá gắn với phân phối tiền lương, thu nhập.