Kinh nghiệm quốc tế về thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon
Ngày 28/11/2023, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) của Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS), tổ chức Hội thảo “Tham vấn nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam”.
Bộ Tài chính được giao xây dựng và phát triển thị trường các-bon
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, Hội nghị COP 28 về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ khai mạc vào 30/11/2023 tại Dubai. Tại COP28, các bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Các nội dung về thị trường các-bon, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được quan tâm và triển khai nhằm tạo ra cơ chế linh hoạt, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Trong các cơ chế này, thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon quan trọng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Bộ Tài chính là đơn vị đang được giao xây dựng và phát triển thị trường các-bon. Để triển khai nhiệm vụ này, với sự hỗ trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (thông qua Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc UNOPS), Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) triển khai dự án “Nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon".
Bà Hồ Thị Hằng cũng cho biết thêm, tiếp nối Hội thảo khởi động dự án đã tổ chức hồi tháng 10/2023, Vụ Pháp chế tiếp tục phối hợp với UNOPS và nhóm tư vấn tổ chức Hội thảo Tham vấn đối với các kết quả nghiên cứu của dự án cũng như chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống pháp luật, hạ tầng để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon; đề xuất các phương án để thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam và lộ trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế cũng mong muốn nhận được sự quan tâm đóng góp của các chuyên gia, các bộ, ngành và cơ quan, tổ chức, thành viên thị trường vào kết quả nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cũng như đưa ra các đề xuất phù hợp và khả thi trong triển khai thực hiện chia sẻ kinh nghiệm và khuyến cáo chính sách cho Việt Nam.
Đang trong quá trình nghiên cứu thị trường các-bon trong nước
Đánh giá hiện trạng hệ thống pháp luật, hạ tầng để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam, TS. Phạm Phan Dũng - Nhóm Tư vấn thực hiện dự án thuộc Viện Sinh thái và môi trường cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước những vấn đề cấp bách, Việt Nam hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022 cập nhật và ban hành các định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về việc xây dựng thị trường các-bon trong nước.
TS. Phạm Phan Dũng chia sẻ, thị trường các-bon trong nước lần đầu tiên được đề cập tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.
Tiếp đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về việc xây dựng, phát triển thị trường các-bon được quy định tại Nhiệm vụ 1, Các nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2016-2020; Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định chi tiết việc xây dựng và phát triển thị trường các-bon trong nước.
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó đề ra nhiệm vụ tổ chức và phát triển thị trường các-bon cụ thể hơn. Đây là nội dung mới, Việt Nam đang từng bước tiếp cận theo quan điểm kế thừa, sử dụng các quy định, cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có.
Chia sẻ thêm về thị trường các-bon trong nước, TS. Phạm Phan Dũng cũng cho biết, thị trường này đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và phát triển. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Tài chính được giao ban hành cơ chế quản lý, tổ chức cho hoạt động của thị trường các-bon.
Bên cạnh đó, đã có một số quy định về cơ chế tổ chức liên quan đến tín chỉ các-bon được tạo ra từ các dự án giảm, hấp thu phát thải tại Việt Nam như: tín chỉ các-bon được tạo ra từ các dự án, chương trình Cơ chế Phát triển sạch (CDM); Cơ chế tín chỉ chung (JCM)… vẫn đang được mua bán, trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện.
Liên quan đến chính sách tài chính đối với thị trường các-bon, theo TS. Phạm Phan Dũng, đến nay cùng các quy định tại các luật thuế, thì còn có các nghị định quy định về nội dung này. Các quy định của pháp luật về thị trường các-bon của Việt Nam tuy đã có nhưng chưa đầy đủ để thị trường hình thành và hoạt động. Vì vậy, cần phải có sàn giao dịch tín chỉ các bon nhằm tạo “sân chơi” cho thị trường này đi vào hoạt động.
Cụ thể, TS. Phạm Phan Dũng đề xuất phương án thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon trên cơ sở sử dụng hệ thống hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết kế, xây dựng và quản lý thị trường này đối với các hoạt động như thiết lập hệ thống đăng ký hạn ngạch và tín chỉ các-bon; ban hành các quy định về hệ thống MRV, các yêu cầu đối với hạn ngạch, tín chỉ, đơn vị tham gia; xác định phạm vi sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, sàn giao dịch dịch tín chỉ các-bon được thiết lập trên cơ sở sử dụng dịch vụ của hệ thống sàn giao dịch chứng khoán do Bộ Tài chính quản lý với sự tham gia của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam….
Theo lộ trình thực hiện, từ nay đến năm 2025, Chính phủ cần hoàn thiện quy định về thị trường các-bon trong nước, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống đăng ký, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc giao dịch trên sàn chứng khoán… Bắt đầu từ năm 2028 thực hiện vận hành thí điểm ở quy mô nhỏ; giám sát vận hành thí điểm; tổng kết, đánh giá và điều chỉnh; hoàn thiện cơ sở pháp lý. Sau đó là đưa sàn giao dịch tín chỉ các bon ở quy mô toàn diện chính thức hoạt động.
Cần xây dựng các quy định, hướng dẫn chi tiết phát triển thị trường các-bon
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại một số quốc gia. Theo đó, ông Albert de Haan – Nhóm tư vấn chia sẻ, tại Anh Quốc (UK), Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải (ETS) cho biết, cơ sở hạ tầng trong Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải tại Anh Quốc (UK ETS) có tổng hạn mức là 147,2 triệu tấn. Anh Quốc đã thiết lập nền tảng Đăng ký Giao dịch Phát thải UK – một ứng dụng web được sử dụng cho mục đích Đăng ký Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải UK (Đăng ký UK ETS) để quản lý hạn ngạch và Đăng ký Nghị định thư Kyoto UK để quản lý các tín chỉ quốc tế.
Cơ quan Đăng ký Giao dịch Phát thải UK đã chọn ICE Futures là nền tảng để thực hiện đấu giá với tổng hạn ngạch được phân bổ cho đấu giá trong năm 2023, được quy định trong lịch đấu giá năm 2023 là khoảng 79 triệu; Người thắng phiên đấu giá phải trả khoản phí cho ICE là khoảng £1,75 cho mỗi hợp đồng, tương đương với £0,0035 cho mỗi hạn ngạch; Sau đấu giá, lượng hạn ngạch đấu giá được sẽ được lưu lại trong tài khoản của người tham gia tại Nền tảng Đăng ký Giao dịch Phát thải UK. Ngoài ra, tại UK, hạn ngạch phát thải được giao dịch trên nền tảng ICE và người tham gia có thể giao dịch trên sàn hoặc qua thỏa thuận (OTC).
Đối với Việt Nam, ông Albert de Haan cho rằng, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý và thiết lập các quy định cho ETS; xác định đối tượng phải tuân thủ và các ảnh hưởng liên quan đến kinh tế; tìm kiếm mô hình phù hợp nhất đối với Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon tại Việt Nam và xác định rõ khuôn khổ Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon và đối tượng tham gia giao dịch…
Chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm của Hàn Quốc về thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon, bà Hyun Shin Park - Công ty Ecoeye, đại diện Nhóm tư vấn chia sẻ, tại Hàn Quốc, sàn giao dịch tín chỉ các-bon thuộc hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Sàn này đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống ETS. Sàn giao dịch tín chỉ các-bon tạo điều kiện cho việc mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon, đảm bảo tính minh bạch và uy tín của các giao dịch giữa các bên tham gia.
Theo bà Hyun Shin Park, ngoài việc quy định rõ về đối tượng tham gia giao dịch, cần phải có một nền tảng giao dịch thân thiện với người dùng, an toàn và hiệu quả; các phân tích về dữ liệu thị trường; sản phẩm giao dịch…
Đối với Việt Nam, bà Hyun Shin Park khuyến cáo, cần phải xây dựng các quy định, hướng dẫn chi tiết dựa trên Luật Bảo vệ Môi trường; linh hoạt, đồng bộ quy định thông qua sự hợp tác giữa các bên.Các hướng dẫn triển khai nên được đặt ở cấp độ pháp lý thấp hơn để có thể điều chỉnh. Mặt khác, Việt Nam có thể tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có nhằm tiết kiệm thời gian, tận dụng chuyên môn có sẵn, kết nối dễ dàng với thị trường đang hoạt động; cũng như sẵn có nguồn nhân lực.