Kinh nghiệm thu hút FDI để phát triển ngành công nghiệp môi trường của Vương Quốc Anh
Suy giảm tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu đang đặt ra những áp lực to lớn cho mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hiện nay, các quốc gia ngày càng chú trọng tới nội dung đầu tư và phát triển ngành công nghiệp môi trường, một ngành kinh tế đặc thù đem lại giải pháp thương mại cho vấn đề ô nhiễm. Vương quốc Anh nổi bật là một trong những quốc gia châu Âu dẫn đầu trong hành trình theo đuổi các mục tiêu về môi trường, tái chế và năng lượng sạch. Bài viết nhằm tham khảo và làm rõ hơn một số nét nổi bật trong kinh nghiệm phát triển và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp môi trường của Vương quốc Anh, từ đó, rút ra một số bài học cho Việt Nam.
Đặt vấn đề
Trên thế giới, một xu thế tất yếu toàn cầu đã hình thành và thể hiện rõ hơn bao giờ hết kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), đó là phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên bền vững và khôi phục hệ sinh thái.
Những cam kết mạnh mẽ của 147 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cho thấy, chính phủ các nước đã và đang đặt vấn đề môi trường ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Trong quá trình thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh nói trên, các quốc gia đã chú trọng tới nội dung thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp môi trường, một ngành kinh tế đặc thù đem lại giải pháp thương mại cho các hoạt động xử lý ô nhiễm.
Hiện nay, Vương quốc Anh nổi bật là một trong những quốc gia châu Âu dẫn đầu trong hành trình theo đuổi các mục tiêu về môi trường, tái chế và năng lượng sạch. Quốc gia này đã và đang triển khai nhiều chính sách, biện pháp và công cụ để thúc đẩy phát triển và thu hút (FDI) vào ngành công nghiệp môi trường trên nhiều phương diện.
Xuất phát từ thực trạng môi trường của Việt Nam còn đang chịu nhiều tác động từ quá trình công nghiệp hóa, và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, việc tham khảo kinh nghiệm phát triển và thu hút FDI vào ngành công nghiệp môi trường của Vương quốc Anh là cần thiết, đặc biệt khi các quốc gia phát triển đã vượt lên dẫn trước để đón đầu xu thế tăng trưởng xanh.
Kinh nghiệm của Vương quốc Anh
Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) là quốc gia được liên hiệp từ 4 quốc gia riêng lẻ: Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Theo đó, tại Vương quốc Anh, trách nhiệm đối với chính sách và quy định môi trường được phân bổ cho Chính phủ Scotland, Chính phủ xứ Wales và Cơ quan Hành pháp Bắc Ireland.
Riêng đối với Anh, các chính sách và quy định sẽ theo sự điều chỉnh và quyết định của chính phủ Vương quốc Anh. Mặc dù với phạm vi lãnh thổ rộng lớn và các mức độ tự trị khác nhau, nhưng mỗi nước của liên hiệp đều có trách nhiệm đối với các vấn đề môi trường, nông nghiệp, ngư nghiệp và năng lượng và bảo đảm khung pháp lý nhất quán ở các cấp cơ quan hành chính.
Nhằm phát triển và thu hút FDI vào ngành công nghiệp môi trường, Chính phủ Vương quốc Anh không chỉ thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, mà còn triển khai nhiều biện pháp gián tiếp nâng cao năng lực và củng cố vai trò trung tâm của ngành công nghiệp môi trường, theo các hướng tiếp cận như sau: thắt chặt quy định cấp phép môi trường, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng các-bon thấp, kết hợp các công cụ kinh tế như nâng mức thuế/phí xả thải và đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể như sau:
Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp môi trường
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Vương quốc Anh thuộc Top 10 quốc gia thu hút FDI lớn nhất vào ngành công nghiệp môi trường (bao gồm các hoạt động xử lý, quản lý và tái chế rác thải, chất thải) (ITC Investment Map, 2023). Mặc dù số liệu thu hút FDI của Vương quốc Anh mới chỉ công bố đến năm 2018, tuy nhiên, xu hướng dao động ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2013-2018 (Hình 1).
Hình 1: Tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp môi trường tại Vương quốc Anh (Triệu USD)
Để đạt được dòng vốn FDI ổn định như vậy cho ngành công nghiệp môi trường, Chính phủ Vương quốc Anh đã theo đuổi chính sách khuyến khích FDI, khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế tự do nhất ở châu Âu với môi trường kinh doanh rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Báo cáo Kinh doanh (Doing Business Guide) năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Vương quốc Anh xếp thứ 8 trên toàn cầu về mức độ thuận lợi. Cụ thể, chỉ số mức độ thuận lợi khi thành lập một doanh nghiệp thể hiện rất rõ: thành lập một doanh nghiệp tại Vương quốc Anh mất trung bình 13 ngày, trong khi mức trung bình của châu Âu là 32 ngày. Bộ Thương mại quốc tế Anh (Department for International Trade – DIT) của Vương quốc Anh cũng đầu tư rất nhiều cho các hoạt động xúc tiến FDI. Riêng trong giai đoạn 2021-2022, DIT đã sử dụng khoảng 80,5 triệu bảng Anh dành riêng cho hỗ trợ FDI với khoảng 634 nhân viên của Bộ trực tiếp hỗ trợ mục tiêu này (National Audit Office, 2023). Những hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể kể đến như: cung cấp hỗ trợ chuyên gia, tư vấn về thuế, tiếp cận tài chính, ngân hàng, R&D, tìm kiếm địa điểm, nhân sự, các quy định pháp luật của Vương quốc Anh…
Thắt chặt quy định về đánh giá tác động và cấp phép môi trường
Tại Vương quốc Anh, các dự án quy hoạch, phát triển nếu muốn nhận được giấy cấp phép từ chính quyền địa phương đều phải đáp ứng yêu cầu và nhận được kết luận về Đánh giá tác động môi trường (Environmental impact assessment – EIA). Cơ quan quản lý môi trường là một bên liên quan mật thiết theo luật định trong quy trình chấp thuận quy hoạch/phát triển. Riêng tại Anh, các doanh nghiệp muốn xin giấy phép môi trường còn phải tiến hành đánh giá rủi ro tại hiện trường cụ thể, nếu hoạt động của họ vượt quá ngưỡng tác động môi trường nhất định. Đánh giá rủi ro này khác với EIA, nó bao gồm việc xác định các nguồn rủi ro, kênh tác động rủi ro, đối tượng chịu rủi ro, cũng như các biện pháp kiểm soát những rủi ro này. Ví dụ, người vận hành các cơ sở kỹ nghệ và cơ sở quản lý chất thải phải đánh giá rủi ro liên quan đến phát thải (bao gồm cả khí nhà kính), xả thải vào hệ thống nước mặt và nước ngầm).
Nhìn chung, khung quy định quản lý môi trường của Vương quốc Anh thiết kế cơ chế cấp phép căn cứ theo mức độ tác động đến môi trường của hoạt động xin cấp phép, nói cách khác, cách tiếp cận này bảo đảm rằng gánh nặng thủ tục sẽ tỷ lệ thuận với rủi ro môi trường. Việc thắt chặt quy định môi trường như vậy có nhiều lợi điểm. Trước hết, giúp tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, các doanh nghiệp có thể dễ dàng định rõ các yêu cầu và rủi ro môi trường, từ đó đưa ra kế hoạch đầu tư dài hạn và chiến lược phát triển bền vững.
Tiếp đó, đối mặt với các quy định chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ buộc phải nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Điều này thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Kết quả là ngành công nghiệp môi trường sẽ tiến bộ nhanh chóng và có khả năng cạnh tranh toàn cầu cao hơn.
Tăng cường đầu tư công phục vụ cơ sở hạ tầng các-bon thấp
Chính phủ Vương quốc Anh quan tâm đến đầu tư hướng đến mục tiêu môi trường, cam kết sẽ dành 26 tỷ Bảng Anh trong tổng đầu tư công cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (net zero) đến năm 2025, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng các-bon thấp (low-carbon) (Chính phủ Vương quốc Anh, 2021). Lý do là các tòa nhà (hạ tầng kiến trúc) chiếm rất lớn lượng điện tiêu thụ cũng như lượng các-bon thải ra, do vậy chi phí năng lượng và chi phí cho các giải pháp khử các-bon cũng tăng theo; đồng thời hệ thống giao thông (hạ tầng giao thông) cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn và liên quan nhiều đến tiết kiệm ròng từ chi phí vận hành nếu được đầu tư phù hợp.
Để giảm lượng phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ, Chính phủ Vương quốc Anh đang tập trung đầu tư công nhiều hơn cho vận tải đường sắt. Năm 2019, Vương quốc Anh là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư đường sắt trên một đơn vị GDP cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (ITF, 2023). Năm 2021, Chính phủ Vương quốc Anh đã phê duyệt Kế hoạch khử các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải, cam kết đầu tư 12 tỷ Bảng Anh cho đến năm 2024, nhằm nâng cao năng lực cho mạng lưới đường sắt, hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi sử dụng giao thông đường bộ sang đường sắt để giảm phát thải.
Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng các-bon thấp, những giải pháp khử các-bon được kỳ vọng đến từ các doanh nghiệp công nghiệp môi trường – ngành công nghiệp cung cấp các giải pháp, thiết bị, dịch vụ và công nghệ xử lý, kiểm soát ô nhiễm. Nói cách khác, ngành công nghiệp môi trường và cơ sở hạ tầng các-bon thấp của một nước đóng vai trò tương trợ lẫn nhau, có tác động qua lại thúc đẩy cùng phát triển.
Sử dụng các công cụ kinh tế về thuế, phí môi trường
Vương quốc Anh xác định rõ chìa khóa của việc giảm chất thải, giảm áp lực lên môi trường nằm ở việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, điều này còn giúp giảm chi phí, tăng năng suất. Trên cơ sở đó, các quy định, thuế và phí được Chính phủ thiết kế hiệu quả và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng sạch. Ví dụ như, thuế chôn lấp là công cụ giúp giảm 44% chất thải đổ xuống đất kể từ năm 2000; thuế tổng hợp khuyến khích sử dụng cốt liệu tái chế với số lượng lớn và nhiều chủng loại.
Mức thuế chôn lấp hiện tại của Vương quốc Anh là 96,7 GBP/tấn, được cho là cao hơn mức ở các quốc gia châu Âu lân cận trong OECD như: Bỉ, Pháp, Hà Lan. Đây cũng là một trong những công cụ quan trọng giúp Vương quốc Anh giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải đô thị và chuyển sang phương pháp đốt. Bên cạnh thuế đối với phương pháp xử lý rác thải, mức thuế năng lượng của Vương quốc Anh cũng được ghi nhận thấy ở mức cao hơn so với các quốc gia châu Âu trong OECD, nếu so sánh trên cơ sở tỷ lệ % của thuế năng lượng/tổng thuế (Hình 2) (OECD, 2023).
Hình 2: So sánh tỷ lệ mức thuế năng lượng/tổng thuế của Vương quốc Anh và các quốc gia châu Âu thuộc OECD (%)
Khi các công cụ kinh tế được áp dụng, như việc đánh thuế chôn lấp và thuế năng lượng cao, có thể giúp phát triển ngành công nghiệp môi trường ở nhiều góc độ.
Thứ nhất, Chính phủ đang thúc đẩy việc giảm thiểu việc sử dụng các phương pháp xử lý môi trường hại và năng lượng tiêu tốn cao. Điều này tạo động lực cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng công nghệ tiên tiến và bền vững hơn, đồng thời khuyến khích các hoạt động tái chế và tái sử dụng để giảm thiểu tác động môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên.
Thứ hai, thu thuế từ chôn lấp hoặc năng lượng cao có thể được sử dụng để tài trợ các dự án môi trường, như việc phát triển hệ thống xử lý rác thải, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường, hoặc hỗ trợ các dự án tái chế và tái sử dụng. Điều này tạo cơ hội phát triển và mở rộng ngành công nghiệp môi trường. Cuối cùng, đánh thuế môi trường cao góp phần gây áp lực kinh tế tích cực, buộc các doanh nghiệp tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động môi trường để tiết kiệm chi phí, gián tiếp thúc đẩy sự cải tiến và nâng cao hiệu quả trong ngành công nghiệp môi trường.
Hoàn thiện hệ thống thông tin theo dõi chất thải
Hầu hết dữ liệu về quản lý chất thải đô thị được số hóa bởi chính quyền địa phương trên khắp Vương quốc Anh và được tổng hợp bởi 4 chính phủ. Đầu tiên, Chính phủ sẽ gửi các bảng hỏi yêu cầu thông tin về các chính quyền địa phương và các cơ quan địa phương sau khi thu thập dữ liệu từ các nhà thầu xử lý chất thải, sẽ cập nhật thông tin trả lời lên một hệ thống nền tảng web là Waste Data. Waste Data Flow đóng vai trò là nguồn dữ liệu chính cho các cơ quan, chính quyền địa phương và các nhà hoạch định chính sách.
Thông tin trên hệ thống này cũng được công bố công khai, minh bạch và hệ thống xuất bản dữ liệu có thể truy cập được cho công chúng. Hiện nay, hệ thống dữ liệu về chất thải của Vương quốc Anh vẫn không ngừng được cải thiện. Trong Chiến lược Tài nguyên và Chất thải năm 2018, Vương quốc Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện bởi dữ liệu chất thải từ hoạt động kinh doanh được cho là còn “chắp vá”, chưa hoàn chỉnh và đầy đủ, dẫn đến góp phần gây ra các vi phạm như: xả thải trái phép, chưa đăng ký chất thải, chất thải không được vận chuyển đến đúng điểm đến theo cam kết, hay thay đổi nội dung mô tả chất thải để tránh né quy định.
Có thể thấy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong theo dõi luồng chất thải đang là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh. Một hệ thống thông tin theo dõi luồng rác thải thông minh có thể giúp tổ chức và quản lý quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải một cách hiệu quả, là cơ sở cho việc nghiên cứu, khai thác tiềm năng cộng sinh công nghiệp, cũng như theo đuổi mục tiêu mô hình kinh tế tuần hoàn.
Một số đề xuất cho Việt Nam
Có thể thấy, nhiều biện pháp về chính sách, kinh tế đã và đang được Vương quốc Anh triển khai một cách mạnh mẽ và đa dạng trên nhiều phương diện nhằm thu hút FDI để ngành công nghiệp môi trường. Từ kinh nghiệm của Vương quốc Anh, một số bài học có thể rút ra cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng hệ thống quy định đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt ở nhiều cấp chính quyền, yêu cầu các dự án mới phải thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn cao về giải pháp môi trường trước khi được phép thực hiện.
Thứ hai, thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường như hệ thống giao thông công cộng hiệu quả về năng lượng, hệ thống quản lý nước sạch và xử lý nước thải. Việc này không chỉ giúp giảm lượng khí nhà kính mà còn tạo ra hạ tầng cơ sở sẵn sàng, tiện nghi để đón làn sóng FDI.
Thứ ba, áp dụng các công cụ kinh tế như nâng mức thuế năng lượng và thuế chôn lấp, gián tiếp thúc đẩy giảm lượng rác thải, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và cải tiến công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp môi trường. Để làm được điều này, trước hết Chính phủ có thể đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và các hoạt động bền vững. Khi mỗi công dân, doanh nghiệp có kiến thức, nhận thức đầy đủ về vấn đề môi trường sẽ có thể thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, tham gia tích cực hơn vào các giải pháp bảo vệ môi trường.
Tóm lại, mặc dù kinh nghiệm của một quốc gia khi áp dụng thực tế vào quốc gia khác cần điều chỉnh dựa trên tình hình, tài nguyên và điều kiện cụ thể của quốc gia đó, tuy nhiên quy định chặt chẽ về đánh giá tác động và cấp phép môi trường, tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng các-bon thấp, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp môi trường nước nhà, áp dụng các công cụ kinh tế như đánh thuế năng lượng, thuế chôn lấp, hay số hóa dữ liệu theo dõi chất thải… là những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo cao cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới. Chỉ khi phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, kết hợp với ý chí chính trị mạnh mẽ, mới có thể thắt chặt quản lý môi trường, cải thiện chất lượng môi trường quốc gia, nâng cao năng lực cho ngành công nghiệp môi trường trong nước và giải quyết bài toán sử dụng hiệu quả tài nguyên trong tương lai dài hạn.
Tài liệu tham khảo
- Trần Thị Mai Phương (2019), Kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường tái chế chất thải, Chuyên đề thuộc Đề tài Đánh giá hoạt động đầu tư tái chế chất thải và đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp định hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Môi trường, Lương thực và Nông thôn, Chính phủ Vương Quốc Anh (2019), Thống kê quốc gia về chất thải do chính quyền địa phương thu gom ở Anh – Tóm tắt phương pháp luận;
- Chính phủ Vương Quốc Anh (2021), Net Zero Strategy: Build Back Greener, HM Government, London, www.gov.uk/government/publications/net-zero-strategy;
- Cơ quan Thuế và Hải quan, Chính phủ Vương Quốc Anh (2021), Guidance: Landfill Tax Rates (Hướng dẫn: Thuế suất chôn lấp rác thải), www.gov.uk/government/publications/rates-and-allowances-landfill-tax/landfill-tax-rates-from-1-april-2013 ;
- Elliot, T. (2016), Landfill tax in the United Kingdom, the Institute for European Environmental Policy, Eunomia;
- ITF (2023), Transport performance indicators: Transport infrastructure, Cơ sở dữ liệu ITF Transport Statistics, https://doi.org/10.1787/2122fa17-en, OECD iLibrary;
- OECD (2022), OECD Environmental Performance Reviews: United Kingdom 2022, OECD Environmental Performance Reviews, OECD Publishing, Paris;
- World Bank (2020), Doing Business Report.