Những diễn biến "đánh động" Việt Nam trong thu hút FDI
Ngay cả khi các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kia… và nhiều tập đoàn tên tuổi khác đều đang vận hành nhà máy của mình tại Ấn Độ, Chính phủ nước này vẫn không ngừng nghiên cứu và đưa ra thêm các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư. Điều này buộc Việt Nam phải có những động thái “đối ứng”, bởi Ấn Độ hiện là đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” của Việt Nam trong thu hút FDI.
Điều gì đang xảy ra ở Ấn Độ?
Ngày 16/10 vừa qua, Maeil Business - một tờ báo lớn có ảnh hưởng ở Hàn Quốc, có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Rajesh Kumar Singh - Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ấn Độ, nhân dịp ông có chuyến thăm Hàn Quốc.
Thông tin từ cuộc phỏng vấn cho thấy, Chính phủ Ấn Độ vừa công bố gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư từ các công ty trong ngành công nghệ cao như pin và chất bán dẫn. Chính phủ Ấn Độ thậm chí hỗ trợ hàng chục đến hàng trăm triệu USD, bao gồm hoàn trả lần lượt 40% và 50% chi phí xây dựng đối với các nhà đầu tư xây nhà máy sản xuất pin và bán dẫn tại đây.
Cụ thể, Thứ trưởng Kumar Singh cho biết, mục tiêu của Ấn Độ là thu hút các nhà máy sản xuất pin quy mô lớn với công suất sản xuất hàng năm từ 20GWh trở lên. “Chúng tôi dự định hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy và cung cấp các khoản trợ cấp trị giá 300 triệu USD cho việc sản xuất pin", ông nói.
Hiện có hơn 600 công ty Hàn Quốc đầu tư tại Ấn Độ; trong đó có thể kể đến các tên tuổi lớn như Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai Motor Company và Kia… Trong tương lai, Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực pin và xe điện.
“Thị trường xe điện Ấn Độ đang tăng trưởng 40% mỗi năm nên chúng tôi đang chuẩn bị hỗ trợ chính sách”, Thứ trưởng Kumar Singh nói và cho biết nước này "dự định công bố chính sách khuyến khích liên kết sản xuất trong thời gian tới". Hiện tại, ngoài khoản hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy sản xuất pin của Chính phủ Ấn Độ thì hỗ trợ bổ sung từ chính quyền các bang nơi đặt nhà máy sản xuất cũng đang được xem xét.
Chất bán dẫn cũng được đề cập đến như một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Thứ trưởng Kumar Singh cho biết: “Nếu các nhà đầu tư hợp tác với một công ty Ấn Độ xây dựng một nhà máy thì có thể nhận khoản hỗ trợ tối đa lên tới 10 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ dự kiến hỗ trợ 50% chi phí cần thiết trong việc xây dựng nhà máy như một khoản trợ cấp”.
Khi vị thế của chất bán dẫn trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng, các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn đang được triển khai nhằm thu hút cơ sở sản xuất. Ngoài chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ 20% chi phí xây dựng. Một ví dụ điển hình là Micron, một công ty bán dẫn bộ nhớ của Mỹ, đã quyết định đầu tư 2,75 tỷ USD, xây dựng một nhà máy xử lý công đoạn sau của bán dẫn ở Gujarat, Ấn Độ vào tháng 6 năm ngoái.
Bên cạnh chất bán dẫn, pin và xe điện, ông Kumar Singh cho biết Chính phủ Ấn Độ còn hy vọng thu hút các nhà máy trong ngành hóa dầu đầu tư vào nước này. “Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh rất cao trong ngành công nghiệp lọc dầu và hóa dầu. 80% lượng dầu sử dụng của Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu, vì vậy việc xây dựng một nhà máy địa phương là rất cần thiết”, ông nói.
Đặc biệt, trước mối lo ngại của các doanh nghiệp Hàn Quốc về việc cơ sở hạ tầng công nghiệp của Ấn Độ chưa thực sự sẵn sàng đón nhận đầu tư, Thứ trưởng Kumar Singh cho hay, Ấn Độ đang đầu tư 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để xây dựng đường sá, bến cảng và sân bay. “Hơn 30km đường mới đang được xây dựng mỗi ngày và dự kiến 72 sân bay mới sẽ được lên kế hoạch xây dựng”, ông Kumar Singh khẳng định.
Không phải bây giờ, Ấn Độ mới ráo riết xây dựng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) được Chính phủ nước này công bố vào tháng 3 năm 2019. Theo đó, các công ty thuộc đối tượng sẽ nhận được 4 - 6% doanh thu tăng thêm từ các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ dưới hình thức trợ cấp. Quy mô tổng gói hỗ trợ khoảng 7,33 tỷ USD. Các công ty toàn cầu thuộc đối tượng hỗ trợ bao gồm Samsung Electronics, Foxconn Hong Hai, Rising Star, Wistron, Pegatron…
Chính sách ưu đãi của Ấn Độ nhằm lôi kéo các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc đang phát huy tác dụng. Apple gần đây đã quyết định tăng sản lượng điện thoại thông minh ở quốc gia này lên hơn 5 lần. Khoảng 10 tháng trước, tức là cuối năm ngoái, sản lượng điện thoại thông minh của Apple tại Ấn Độ đã tăng gấp ba lần. Bình luận về quyết định của Apple, công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho rằng, lý do “táo khuyết” mở rộng đầu tư là bởi Ấn Độ “có một thị trường khổng lồ cùng với các ưu đãi của Chính phủ và lực lượng lao động giá rẻ dồi dào”. Theo các chuyên gia JPMorgan, đến năm 2025, khoảng 25% số iPhone sẽ gắn nhãn “Made in India”, và nếu vậy Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu trong vòng hai năm tới.
Hàm ý nào cho Việt Nam?
Thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là 2 ứng viên nặng ký trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng tiền đầu tư hàng chục tỷ USD đang rục rịch rời khỏi công xưởng Trung Quốc. Cả hai đều có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng cải thiện và tiến bộ trong thiết kế sáng tạo. Cuộc cạnh tranh trong thu hút FDI vì thế càng trở nên căng thẳng.
Năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được khoảng 83,6 tỷ USD vốn FDI, cao hơn mức 82 tỷ USD của năm 2021. Cũng vào năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này đạt 3.468,5 tỷ USD - đứng thứ 5 trên thế giới. Trong khi đó, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022 đạt gần 28 tỷ USD, thấp hơn 3 tỷ USD so với năm 2021.
Đặc biệt, gần đây, cách thức mà Ấn Độ gia tăng sức hấp dẫn của mình, đó là không ngừng đưa ra thêm các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư ngay cả khi các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kia… và nhiều tập đoàn đa quốc gia tên tuổi khác đều đang vận hành nhà máy của mình tại đây, thực sự “đánh động” Việt Nam. Nếu không có những đối sách phù hợp, Việt Nam có thể “thất thế” trong cuộc đua thu hút FDI với đối thủ cạnh thủ đáng gờm Ấn Độ.
Chẳng hạn, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của các tập đoàn công nghệ cao nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng. Chính phủ cũng rất quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này và đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một đề án riêng về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách ưu đãi hấp dẫn ngang bằng với Ấn Độ dành cho lĩnh vực này, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có chọn chúng ta? Thực tế, gần đây Việt Nam cũng đã bỏ lỡ cơ hội đón một dự án hàng tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn của một “đại gia” công nghệ. Lý do không chỉ là về nguồn nhân lực, mà còn vì những chính sách hỗ trợ của Việt Nam.
Đón chờ phiên thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội Khóa XV vào tuần tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Quốc hội cần sớm bàn thảo về những quyết sách lớn, mang tính chiến lược, dài hạn để định hướng cho nền kinh tế phát triển; đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong những ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có thế mạnh, ví dụ ngành bán dẫn. Điều này không chỉ giúp Việt Nam giành được lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với Ấn Độ và các nước trong khu vực, mà còn đạt được thành quả tăng trưởng cao và bền vững.