Kinh nghiệm truyền thông điện hạt nhân của Pháp

Hải An

(Tài chính)Điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng chính trong cơ cấu năng lượng của Pháp. Do đó, công tác truyền thông điện hạt nhân rất được Pháp chú trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điện hạt nhân ở Pháp

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Pháp được đưa vào hoạt động từ năm 1962. Hơn 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đang quản lý 59 nhà máy điện hạt nhân trên toàn nước Pháp. Hiện tại, khoảng 75% sản lượng điện tại Pháp được sản xuất từ điện hạt nhân.

Theo thống kê của Ủy ban chiến lược hạt nhân Pháp (CSFN), Pháp hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp với khoảng 220.000 nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm tất cả các phân đoạn, từ sản xuất nhiên liệu đến việc quản lý chất thải, quy trình quản lý công nghệ lò phản ứng hạt nhân, kỹ thuật xây dựng trong ngành hạt nhân, bảo vệ bức xạ, các hoạt động tái chế…

Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản – tháng 3/2011), cũng như tại nhiều quốc gia khác, Chính phủ Pháp đã xem xét lại kế hoạch phát triển dài hạn ngành năng lượng. Tuy nhiên, điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng “thống trị” dài hạn trong cơ cấu năng lượng của Pháp, đồng thời Chính phủ Pháp cũng sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo.

Chính sách mới về năng lượng được Chính phủ Pháp đưa ra cuối tháng 6/2014 chỉ quy định EDF sẽ phải đóng cửa các lò phản ứng cũ để đưa những lò mới vào hoạt động. Hiện nay, một lò phản ứng EPR ở Flamanville đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp

Công tác truyền thông điện hạt nhân ở Pháp được thực hiện trên các lĩnh vực: Truyền thông cho các dự án điện hạt nhân, truyền thông ở địa phương và nhà máy truyền thông quảng bá công nghệ điện hạt nhân và truyền thông trong trường hợp có tai nạn hoặc sự cố hạt nhân.

- Truyền thông cho các dự án điện hạt nhân: Pháp đảm bảo được các tiêu chí quan trọng trong truyền thông điện hạt nhân, đó là dân chủ, công khai và minh bạch.

Theo bà Françoise Bidard, chuyên gia phụ trách về quan hệ quốc tế của EDF thì quá trình thảo luận của công chúng về các dự án điện hạt nhân được diễn tra trên phạm vi toàn quốc, kéo dài từ 13 tới 15 tháng.

Chủ đầu tư và các bên liên quan tới dự án chịu trách nhiệm cung cấp mọi thông tin cần thiết cho Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia, một cơ quan hoàn toàn độc lập với Chính phủ. Ủy ban Thảo luận Công Quốc gia phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin được cung cấp cho công chúng.

- Truyền thông ở địa phương và nhà máy: Nếu như Ủy ban Thảo luận Quốc gia có thẩm quyền trên phạm vi cả nước thì ở từng địa phương Pháp có các Ủy ban Thông tin Địa phương. Đối với các dự án điện hạt nhân, Ủy ban Thông tin Địa phương có quyền thuê các nhóm chuyên gia kiểm tra về tính an toàn và thân thiện với môi trường. Khi nhà máy đi vào vận hành, Ủy ban Thông tin Địa phương với sự tham gia của đại diện các lĩnh vực chuyên môn và các nhóm cộng đồng trong vùng phối hợp với trung tâm truyền thông của nhà máy điện hạt nhân tiếp tục đóng vai trò giám sát an toàn hạt nhân và vảo vệ cho các lợi ích của địa phương.

Các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp luôn có người phụ trách truyền thông. Truyền thông hạt nhân của nhà máy điện được thực hiện qua các hình thức: thông qua trang web của nhà máy và trung tâm hỗ trợ thông tin; số điện thoại liên lạc miễn phí; tổ chức cho người dân thăm nhà máy vào các dịp duy tu, sửa chữa thiết bị; phát hành các số báo chuyên đề…

- Truyền thông quảng bá công nghệ điện hạt nhân: Đối với công chúng, bức xạ là một mối nguy hiểm bí ẩn. Mối lo sợ của người dân luôn tiềm tàng và luôn có thể nảy sinh, lan truyền. Vì vậy, việc cung cấp những thông tin kỹ thuật chính xác và kịp thời rất được Pháp chú trọng.

Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Pháp (CEA) cũng mở các trung tâm truyền thông điện hạt nhân được tổ chức theo hình thức bảo tàng mini cho giới trẻ. Những trung tâm này không chỉ là nơi trưng bày và quảng bá cho điện hạt nhân mà còn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa. Những hoạt động truyền thông đa dạng như vậy không chỉ phục vụ riêng cho lợi ích ngành điện hạt nhân, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn, đó là tạo dựng sự quan tâm, hứng thú của lớp trẻ đối với khoa học công nghệ, những người sẽ là nhân lực tương lai của ngành điện hạt nhân và khoa học công nghệ.

- Truyền thông trong trường hợp có tai nạn hoặc sự cố hạt nhân: Khi xảy ra các sự cố và tai nạn hạt nhân, nguồn thông tin được người dân tham vấn đầu tiên là từ Viện Bảo vệ Bức xạ Hạt nhân (IRSN). Đây là cơ quan đầu mối trong việc cung cấp thông tin một cách toàn diện về an toàn bức xạ tới công chúng, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, môi trường, kinh tế.

Cũng giống như các bộ phận truyền thông của các đơn vị, tổ chức khác ở Pháp, bộ phận truyền thông của IRSN rất tinh gọn, với số lượng cán bộ nhân viên khoảng dưới 10 người. Tuy nhiên, qua thực tế công việc, hiệu quả của đội ngũ này là rất cao. Công tác truyền thông của IRSN đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin và đảm bảo duy trì lòng tin của công chúng.