Kinh nghiệm từ các mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới
Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý cạnh tranh, khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia, bài viết rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hướng tới xây dựng một cơ quan cạnh tranh đảm bảo vị thế độc lập, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hiện nay trên thế giới, ở mỗi quốc gia, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh lại được tổ chức một cách khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là tạo điều kiện để thực thi pháp luật về cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Vấn đề đặt ra là cần tổ chức và vận hành cơ quan quản lý cạnh tranh làm sao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh nhưng tránh chồng chéo, đảm bảo được tính độc lập khi thực thi nhiệm vụ.
Tổng quan về cơ quan quản lý cạnh tranh
Khái niệm
Cạnh tranh là đặc tính riêng quan trọng của nền kinh tế thị trường hiện nay. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có cách thức tổ chức, cơ quan quản lý cạnh tranh riêng với vị trí khác nhau và đều phải đảm bảo được sự độc lập trong hoạt động của cơ quan này.
Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể nào về cơ quan quản lý cạnh tranh, mỗi nơi trên thế giới cơ quan quản lý cạnh tranh lại có một tên gọi riêng, địa vị pháp lý của các cơ quan này cũng không giống nhau. Tuy nhiên, có thể hiểu, cơ quan quản lý cạnh tranh là một cơ quan, hoặc hệ thống các cơ quan nằm trong bộ máy quản lý của Nhà nước của mỗi quốc gia, được giao nhiệm vụ quản lí nhà nước về cạnh tranh và có những ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thông thường, cơ quan cạnh tranh có thể trực thuộc Quốc hội, Chính phủ, có nhiệm vụ thực thi đảm bảo thực thi luật cạnh tranh thông qua cơ chế quản lý, giám sát và đưa ra các phán quyết đối với các chủ thể tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.
Vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh
Cơ quan quản lý cạnh tranh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo mọi hoạt động kinh tế được diễn ra trong môi trường bình đẳng, đúng pháp luật. Cụ thể, vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh đối với các đối tượng được thể hiện như sau:
- Đối với nền kinh tế: Cơ quan quản lý cạnh tranh tạo ra nền tảng cơ bản cho quá trình cạnh tranh, duy trì và thúc đẩy quá trình cạnh tranh tự do, hiệu quả; giúp điều tiết quá trình cạnh tranh, góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh một cách lành mạnh, đúng hướng.
- Đối với xã hội: Hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh thông qua cơ chế giám sát, phát hiện xử lý hay đưa ra các phán quyết sẽ là một áp lực đến các DN yếu kém, từ đó có sự dịch chuyển nguồn lực xã hội vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ còn thiếu.
- Đối với DN: Cạnh tranh quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi DN do khả năng cạnh tranh tác động đến kết quả tiêu thụ, hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cơ quan cạnh tranh ra đời tạo động lực cho sự phát triển của DN, thúc đẩy cho các DN tìm ra những biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN này.
- Đối với người tiêu dùng: Người tiêu dùng có cơ hội nhận được những sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng với chất lượng và giá thành phù hợp với khả năng của họ.
Một số mô hình cơ quan cạnh tranh trên thế giới
Khảo sát mô hình cạnh tranh tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nhìn chung các cơ quan quản lý cạnh tranh các nước vừa mang tính chất của cơ quan hành chính, vừa mang tính chất của một cơ quan tư pháp. Cụ thể, cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc hệ thống cơ quan nhà nước để thực thi chính sách pháp luật về cạnh tranh nên nó là cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng có quyền xét xử, ra quyết định áp dụng các chế tài đối với các bên vi phạm pháp luật nên hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh lại giống như cơ quan tư pháp. Dưới đây là một số mô hình cơ quan cạnh tranh tại một số quốc gia:
Australia
Hệ thống cơ quan quản lý cạnh tranh của Australia bao gồm:
- Ủy ban Cạnh tranh (ACCC): Là một cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, các Cao ủy. Cơ quan này có chức năng thúc đẩy cạnh tranh và thương mại, tạo công bằng trên thị trường nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, DN và cộng đồng. Đây là cơ quan duy nhất của Australia giải quyết các vấn đề liên quan đến cạnh tranh và chịu trách nhiệm thực thi Luật Thương mại và Luật ứng dụng của bang và lãnh thổ.
- Tòa cạnh tranh: Tòa cạnh tranh có chức năng xem xét kháng nghị các quyết định của Ủy ban Cạnh tranh liên quan đến việc cho phép hoặc thông báo và quy định tiếp cận nguồn nhân lực. Đồng thời, xem xét các vụ việc tập trung kinh tế diễn ra ngoài nước Australia nhưng có ảnh ảnh hưởng hạn chế cạnh tranh tại Australia và nếu có thì liệu những lợi ích đối kháng lại với công chúng cần bỏ qua không.
- Hội đồng Cạnh tranh quốc gia: Hội đồng cạnh tranh quốc gia được thành lập theo Luật cải cách chính sách cạnh tranh năm 1995, chịu trách nhiệm tư vấn về những vấn đề thuộc Luật Cạnh tranh.
Hoa Kỳ
Hệ thống cơ quan cạnh tranh ở Hoa Kỳ có hai cơ quan gồm:
- Uỷ ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (USFTC): Cơ cấu của USFTC bao gồm một nhóm ủy viên có 05 người do Tổng thống đề cử và do Thượng viện thông qua. Trong số các thành viên này, Tổng thống sẽ chọn là chủ tịch, tối đa 3 thành viên được phép cùng một Đảng và mỗi thành viên có nhiệm kỳ 7 năm. US FTC chịu trách nhiệm quản lý 3 cơ quan chính: Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan Cạnh tranh và Cơ quan kinh tế. USFTC có nhiệm vụ điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời đảm trách thi hành Luật Bảo về quyền lợi của người tiêu dùng.
Chức năng của US FTC là ngăn chặn hành vi kinh doanh phản cạnh tranh hoặc gây bất lợi cho người tiêu dùng; tăng cường quyền lựa chọn của người tiêu dùng và nhận thức của công chúng về cạnh tranh; hoàn thành nhiệm vụ trên nhưng không gây ra bất kì rào cản hay gánh nặng pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của DN.
- Cục Cạnh tranh thuộc Bộ Tư pháp (USDOJ): Cục Cạnh tranh được giám sát bởi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ do Tổng thống đề cử và Thượng viện thông qua (Thứ trưởng sẽ có 5 trợ lý hỗ trợ). Chức năng của USDOJ là phụ trách đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế thông qua việc thi hành và hướng dẫn thi hành Luật Chống độc quyền và các quy định liên quan.
Nhật Bản
Uỷ ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh. JFTC là một cơ quan quản lý cạnh tranh có cơ cấu tổ chức chặt chẽ cũng như khả năng thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh hiệu quả nhất trên thế giới.
JFTC được cơ cấu dưới dạng Ủy ban hành chính, có 5 thành viên, 1 chủ tịch và 4 ủy viên và do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, trong số các chuyên gia về pháp luật về kinh tế trên cơ sở sự đồng thuận của Thượng viện và Hạ viện, riêng JFTC do Nhật Hoàng thông qua.
JFTC hoạt động độc lập trong quá trình thực hiện nghĩa vụ như một ủy ban hành chính độc lập, không chịu bất kỳ sự chỉ đạo hay kiểm soát của các cơ quan khác. JFTC có quyền tương đương quyền lập pháp trong việc ban hành các quy định nội bộ, có quyền tương đương quyền tư pháp trong việc tiến hành các phiên tòa và quyền hạn của một cơ quan hành chính.
Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam
Hiện nay, mô hình cơ quan cạnh tranh của Việt Nam bao gồm hai cơ quan đó là Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
- Cục Quản lý cạnh tranh: Là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, vị trí, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn Cục Quản lý cạnh tranh được quy định cụ thể trong Quyết định số 848/QĐ-BCT ban hành ngày 05/02/2013 của Bộ Công Thương. Cục Quản lý cạnh tranh ngày càng được kiện toàn về tổ chức, nguồn nhân lực không ngừng gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2015 tới nay, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ nên số lượng cán bộ, công chức, viên chức của Cục đã giảm.
- Hội đồng cạnh tranh: Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, có chức năng xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh được thành lập theo Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 của Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh. Tháng 1/2015, với việc ban hành Nghị định số 07/2015/NĐ-CP, Ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh đã được chuyển đổi trở thành Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, tuy nhiên vẫn giữ nguyên mô hình là một đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Nhằm hướng tới xây dựng một cơ quan cạnh tranh đảm bảo vị thế độc lập, hiệu quả, thời gian qua, Bộ Công Thương đã báo cáo cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn sẽ là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương với cơ cấu gồm chủ tịch, phó chủ tịch, các thành viên ủy ban và cơ cấu tổ chức bao gồm Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng giúp việc cho ủy ban.
Dự kiến, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ là một cơ quan đặc thù, với chức năng nhiệm vụ là thực hiện quản lý nhà nước trong 3 lĩnh vực gồm: Quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý kinh doanh đa cấp. Như vậy, đây là một mô hình cơ quan đặc biệt, duy nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp của Việt Nam hiện nay cùng lúc thực hiện cả chức năng quản lý nhà nước và chức năng tố tụng, tài phán.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Ủy ban này sẽ có bộ máy giúp việc là Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, cơ quan này có quyền thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Đồng thời, cơ quan này sẽ tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh như ban hành quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phân công hay thay đổi điều tra viên, quyết định trưng cầu giám định, triệu tập người làm chứng, gia hạn điều tra... Cơ quan điều tra cũng sẽ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin, đồ vật và giải trình liên quan đến nội dung vụ việc; Kiến nghị áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 48, Luật Cạnh tranh năm 2018, thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh quy định tại Luật này. Số lượng thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tối đa là 15 người, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và các thành viên khác. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là công chức của Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học. Thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại...
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ thực tiễn mô hình cơ quan cạnh tranh của một số quốc gia trên thế giới, có thể mang lại một số bài học cho Việt Nam:
Một là, cơ quan quản lý cạnh tranh được thành lập nhằm mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện để thực thi Luật Cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước về cạnh tranh, cơ quan này cần phải làm tốt việc tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh...
Hai là, cơ quan quản lý cạnh tranh ở mô hình nào cũng có tính độc lập, không chịu sự tác động, chi phối can thiệp của bất kì cơ quan nào, chỉ hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định.
Ba là, làm tốt chức năng thúc đẩy cạnh tranh và thương mại, tạo công bằng trên thị trường nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, DN và cộng đồng. Đây hiện đang là vấn đề nóng, thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2018), Luật Cạnh tranh;
2. Chính phủ (2019), Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;
3. Chính phủ (2020), Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh;
4. Đinh Thùy Dung (2021), Vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Truy cập từ: luatduonggia.vn;
5. An (2022), Bộ Công Thương đề xuất giảm một số đầu mối, lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Báo Tuổi trẻ.