Kinh tế 11 tháng tiếp tục đà phục hồi để ổn định
Kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục quá trình phục hồi, tạo nền tảng cho sự phát triển tới đây. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì đà khởi sắc, công nghiệp từng bước phục hồi, thu hút đầu tư trực tiếp nước nước ngoài (FDI) tăng, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam trong 11 tháng qua cũng tiếp...
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng 2023 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, sản xuất nông nghiệp tháng 11 tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước, gieo trồng cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc và thu hoạch lúa thu đông ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi gặp khó khăn do giá lợn hơi thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm chậm, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở một số địa phương. Trong tháng, công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và khai thác gỗ theo kế hoạch được đẩy mạnh. Diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch các sản phẩm thủy sản trọng điểm tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vào dịp cuối năm.
Trong khi đó, về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2023 ước đạt 33,3 nghìn ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 261,9 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2023; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 92 triệu cây, tăng 4,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,2 triệu m3, tăng 2,9%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 30,2 ha, giảm 48,2% so với cùng kỳ 2023, trong đó chủ yếu do rừng bị chặt, phá là 30,1 ha, giảm 35,7%. Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 1.690,7 ha rừng bị thiệt hại, tăng 61,4% so với cùng kỳ 2022.
Sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 836,3 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 550,6 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 8.473,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm nên sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ 2022, tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, cả nước có 14.267 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 153,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 93,7 nghìn lao động, giảm 7,6% về số doanh nghiệp. Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có hơn 146 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.366,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 974,1 nghìn lao động, tăng 6% về số doanh nghiệp, giảm 7,9% về vốn đăng ký và tăng 7,2% về số lao động so với cùng kỳ 2022. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, còn có gần 55,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,5% so với 11 tháng năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 201,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2022. Bình quân một tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 11 tháng năm nay có 1.621 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2022; 34,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,6%; 109,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 7,5%.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào các tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 75% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới tính đến ngày 20/11/2023 ước đạt 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 14,26 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 858,4 triệu USD, chiếm 5,2%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 7,9%.
11 tháng qua, trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc); Trung Quốc; Hàn Quốc; Nhật Bản…
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2022. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16,67 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,21 tỷ USD; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 982,6 triệu USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2023 có 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 257,3 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ 2022; có 24 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 137,7 triệu USD, gấp 1,8 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 395 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ 2022. Trong 11 tháng năm 2023 có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Ca-na-đa là nước dẫn đầu; tiếp đến là Xin-ga-po; Lào; Cu-ba; I-xa-ren.
Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 ước giảm 7,1% so với cùng kỳ 2022. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2022. 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2022 do nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2022.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ 2022, trong đó xuất khẩu giảm 6,4%; nhập khẩu giảm 11,7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,44 tỷ USD.
Hoạt động vận tải vào tháng cuối năm tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Tính chung 11 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 11,5% và luân chuyển tăng 23,9% so với cùng kỳ 2022; vận chuyển hàng hóa tăng 12,9% và luân chuyển tăng 10,5%.
11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ 2022 và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 11 khá ổn định. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ 2022 là 94,2%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,8%. Về tình hình hỗ trợ gạo, trong tháng 11 không có phát sinh hỗ trợ gạo đột xuất cho người dân. Tính chung 11 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số gần 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1.437,8 nghìn nhân khẩu. Đặc biệt, phong trào thể dục, thể thao được tổ chức rộng khắp, đa dạng, phong phú cho thấy đời sống tinh thần của người dân tiếp tục ổn định và được nâng cao./.