Kinh tế các nước G20 tăng cao nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo đề nghị của các nước G20, các chuyên gia IMF đã chuẩn bị báo cáo dự báo kinh tế và khuyến nghị chính sách tại Hội nghị Hàng năm do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức trong thời gian 09-15/10/2017 tại Washinghton, D.C với nhận định, kinh tế các nước G20 đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và tương đối cân đối trong nhiều năm qua, nhưng còn nhiều việc phải làm.
Báo cáo nêu rõ, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước G20 đã đặt ra mục tiêu toàn diện về tăng trưởng cao và bền vững, đảm bảo sự cân bằng nhằm tránh những thương tổn bắt nguồn từ tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và nhiều thách thức khác.
Mục tiêu toàn diện của các nước G20 phản ánh những vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái sau đó cho thấy, một cú sốc lớn có thể gây ra tác động lâu dài như nhấn chìm hoạt động đầu tư và gia tăng tình trạng thất nghiệp, kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, nợ chủ quyền và nợ tư nhân đã vượt quá ngưỡng cân bằng, dẫn đến nguy cơ bùng phát khủng hoảng trong tương lai. Vì thế, các nước G20 cần nỗ lực hơn nữa để có thể duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững.
Trong thời kỳ khủng hoảng, các nước G20 đã thực hiện nhiều giải pháp phối hợp như kích thích tài khóa và mở rộng chính sách tiền tệ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách cơ cấu và tăng cường đầu tư hạ tầng.
Các nước G20 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khung pháp lý điều chỉnh tài chính và bảo vệ hội nhập thương mại quốc tế. Những chính sách này đã giúp kinh tế toàn cầu nhanh chóng phục hồi trở lại, mặc dù mỗi nước phải đối mặt với những khó khăn khác nhau và quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi phải có thời gian.
Báo cáo cho thấy, quá trình phục hồi mang tính chu kỳ tiếp tục diễn ra. Tại các nước phát triển, chênh lệch về tăng trưởng (giữa GDP thực tế và tốc độ tăng trưởng tiềm năng) đã giảm đáng kể và được dự báo tiếp tục giảm, góp phần đẩy lùi áp lực giảm phát. Số việc làm mới được tạo ra ngày càng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, thậm chí tại nhiều nước đã giảm xuống tỷ lệ thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Tương tự, các nước mới nổi đã phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng, mặc dù chênh lệch về tăng trưởng tại một số nước có dấu hiệu tăng trở lại trong những năm gần đây do giá cả hàng hóa giảm sâu và khó khăn kinh tế ở trong nước. Trong năm 2018, khoảng một nửa số nước G20 có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP vượt tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng tiềm năng tương đối ổn định, sau khi giảm mạnh tại các nước phát triển trong những năm đầu thế kỷ XXI và giảm sâu sau thời kỳ khủng hoảng tại các nước mới nổi.
Sau khủng hoảng, tình trạng mất cân đối quá mức đã được khắc phục một bước, hầu hết các biện pháp điều chỉnh đã được tiến hành ngay từ khi xảy ra khủng hoảng, phản ánh nỗ lực điều chỉnh trước khủng hoảng tài chính, nhu cầu tại Trung Quốc cân bằng trở lại, nhưng vẫn trầm lắng tại hầu hết các nước phát triển.
Từ năm 2013, giá cả hàng hóa lao dốc đã ảnh hưởng xấu đến cán cân vãng lai tại các nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng đã hỗ trợ cán cân vãng lai tại những nước mới nổi khác, mặc dù điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng khắt khe.
Báo cáo nhấn mạnh, trong khi kinh tế toàn cầu đang lấy lại động lượng, chênh lệch tăng trưởng tiếp tục ở mức âm, lạm phát tại nhiều nước vẫn thấp xa mục tiêu đề ra. Trong triển vọng kinh tế đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, không quốc gia nào có chênh lệch tăng trưởng dương mặc dù lạm phát có tăng. Cụ thể là:
- Tại các nước phát triển, chênh lệch tăng trưởng vẫn ở mức âm. Trong năm 2017-2018, chênh lệch tăng trưởng âm được dự báo tiếp tục diễn ra tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và một số nước khu vực đồng tiền chung euro. Tương tự, lạm phát tại Italia, CH Pháp, và Nhật Bản tiếp tục tăng thấp, phản ánh tổng cầu yếu ớt tại những quốc gia này;
- Tại các nước mới nổi, những cú sốc mới xảy ra đã tạo ra nhiều thách thức khó dự báo. Một sự sụt giảm bất ngờ về giá cả hàng hóa đã khiến các nước xuất khẩu hàng hóa tiến hành những biện pháp điều chỉnh khác nhau, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực đến cán cân vãng lai.
Một số nước như Brazil và Argentina phải đối mặt với những vấn đề trong nước, gây phức tạp cho tiến trình phục hồi sau khủng hoảng. Hậu quả là, một số nước mới nổi tiếp tục đối mặt với mức chênh lệch tăng trưởng âm, bao gồm Argentina, Brazil, Arập Xê út, CH Nam Phi, Mêhicô, và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi lạm phát tiếp tục giảm tại nhiều nước mới nổi, một số nước vẫn gặp khó khăn về quản lý kinh tế vĩ mô, chủ yếu do chênh lệch tăng trưởng âm và lạm phát tăng cao hơn mục tiêu đề ra.
Khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững vẫn đối mặt với nguy cơ suy giảm do năng suất tăng thấp, khó khăn này sẽ cản trở tốc độ phục hồi kinh tế trong tương lai. Cho tới nay, tăng trưởng tiềm năng và những yếu tố năng suất vẫn thấp xa so với thời kỳ trước khủng hoảng, nhất là tại các nước phát triển.
Điều này phản ánh hậu quả của quá trình suy thoái kéo dài và tác động đối ngược trong dài hạn, bao gồm tác động mờ nhạt dần của công nghệ thông tin, lực lược lao động già hóa, thiếu đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hội nhập thương mại toàn cầu chậm dần. Một số nước mới nổi tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, nhưng GDP tại nhiều nước chỉ tăng 2% và thấp hơn. So với nỗ lực cải cách cơ cấu đầy tham vọng, kết quả thực hiện chiến lược tăng trưởng tại các nước G20 nhìn chung vẫn thấp hơn so với kỳ vọng.
Cho tới nay, tiến trình tăng trưởng cân bằng chưa hoàn tất, do gánh nặng nợ nần tăng cao hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng. Tại 9 nước có tình trạng mất cân bằng ở mức cao, khả năng xử lý tình trạng mất cân đối ở trong và ngoài nước vẫn hạn chế, cân bằng đối ngoại có dấu hiệu chững lại.
Từ năm 2013 đến nay, cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt quá mức, nhất là tại các nước phát triển. Theo báo cáo của IMF về khu vực đối ngoại năm 2017, tình trạng mất cân đối quá mức có xu hướng gia tăng tại các nước phát triển. Cụ thể là, thặng dư vãng lai tiếp tục kéo dài tại CHLB Đức và Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng thâm hụt triền miên tại Mỹ và VQ Anh. Điều này cho thấy, cơ chế tự điều chỉnh rất yếu ớt.
Trái lại, tình trạng mất cân đối quá mức có dấu hiệu giảm dần tại các nước mới nổi, nhờ thặng dư tăng thêm tại Trung Quốc và thâm hụt giảm nhẹ tại Brazil, Indonesia, CH Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù rủi ro bắt nguồn từ những khoản tài trợ thâm hụt tại Mỹ và VQ Anh có thể giảm dần, nhưng tình trạng thâm hụt triền miên có thể làm gia tăng rủi ro bắt nguồn từ những rối loạn về chính sách thương mại.
IMF bày tỏ quan ngại, tình trạng nợ chủ quyền và nợ tư nhân đã tăng đáng kể so với thời kỳ trước khủng hoảng, có thể dẫn đến những tổn thương trầm trọng, mặc dù tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ có thể chưa diễn ra. Gánh nặng về nợ chủ quyền tăng cao, nhất là tại các nước phát triển - bắt nguồn từ những giải pháp khắc phục khó khăn về kinh tế, các gói kích thích tài khóa chống lại chu kỳ, và hỗ trợ khu vực ngân hàng sau khủng hoảng. Hiện nay, tỷ lệ nợ chủ quyền nhìn chung khá ổn định, nhưng tiến trình cắt giảm thâm hụt có vẻ diễn ra chậm chạp.
Tại một số nước mới nổi như Brazil, Mêhicô, và CH Nam Phi, nợ chủ quyền đã tăng đáng kể, mặc dù tỷ trọng nợ so GDP thấp hơn so với tại các nước phát triển. Do chính sách tài chính nới lỏng kéo dài đã làm tăng đòn bẩy tín dụng tại khu cực doanh nghiệp, nợ tư nhân và nghĩa vụ trả nợ tại nhiều nước cũng tăng cao hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng, nhất là tại các nước mới nổi. Tại các nước phát triển, tỷ lệ đòn bẩy tín dụng và nợ xấu giảm dần, nhưng tỷ trọng nợ tư nhân nhìn chung vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, nợ xấu tại khu vực đồng tiền chung euro tiếp tục tăng cao.
Trong bối cảnh nêu trên, các chuyên gia IMF đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách, tập trung vào việc cải thiện cơ chế chính sách hỗn hợp giữa các nước G20, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế của chính sách vĩ mô hiện nay. Trong đó, một số nước phát triển có thể tiến hành các biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung, góp phần giảm dần mức độ chênh lệch tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng, và hỗ trợ tái cân bằng đối ngoại.
Đáng chú ý, những nước có tỷ lệ nợ công cao cần củng cố tài khóa trong giai đoạn trung hạn. Các nước mới nổi cần tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh cơ cấu, nhất là các nước xuất khẩu hàng hóa. Tại phần lớn các nước G20, cần bổ sung các biện pháp cải cách cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng bền vững trong giai đoạn trung hạn.
Trong thời gian qua, các nước G20 đã xác định các công cụ chính sách theo hướng đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và cân bằng hơn. Trong đó, chìa khóa để tiến tới thành công là tiếp tục khắc phục những vấn đề về quy mô đồng thời tối đa hóa các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa các nước.