Kinh tế Châu Á “hưởng lợi” nhờ giá dầu giảm

Theo Infonet.vn

(Tài chính) Nhiều lực đẩy kết hợp đang tạo đà cho thị trường cổ phiếu Châu Á tăng trưởng tốt hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt nhờ sự sụt giảm của giá nhiên liệu trong thời gian gần đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá dầu giảm trở thành chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô các nước. Theo thống kê, riêng trong tháng 11/2014, giá dầu đã giảm 18%- mức giảm theo tháng lớn nhất trong 6 năm qua. Trong đó, giá dầu thô WTI chạm đáy với mức giá 63,72USD/thùng và giảm tổng cộng 30 USD/thùng sau 6 tháng. Giá dầu Brent cũng lao dốc tương tự khi giảm 3,3%; xuống còn 70,15 USD/thùng trên sàn ICE tại London; mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2010.

Rõ ràng là, Châu Á – khu vực phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng đang được hưởng lợi nhờ giá nhiên liệu giảm. Sản lượng dầu khai thác tiếp tục dư thừa khiến nhiều chuyên gia “lạc quan” dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống mức 60 USD/thùng. Và đây sẽ là một “tin vui” với 4 quốc gia, vùng lãnh thổ ở Châu Á bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Các nước nhập khẩu thu được lợi lớn

Giá nhiên liệu thấp sẽ dẫn đến giảm thuế ở cả thị trường các nước phát triển và đang phát triển. Nhờ sự chuyển dịch các nguồn lực sản xuất, IMF ước tính giá dầu cứ giảm 10% thì GDP toàn cầu sẽ tăng 0,2%.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, đất nước nhập khẩu 57,4% dầu thô cho sản xuất năm 2013, giá dầu thô giảm 1%, mỗi năm thặng dư thương mại của nước này sẽ tăng thêm 2,2 tỷ USD. Còn tại Hàn Quốc – nơi mà dầu thô chiếm khoảng 30% kim ngạch nhập khẩu của cả nước, giá dầu cứ giảm 10% thì tương ứng với GDP tăng thêm 45 điểm cơ bản. Theo ước tính của quốc gia này, GDP năm 2014 là 3,5% và sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2015.

Sức mạnh của cải cách

Tại Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á, Thủ tướng Narendra Modi cũng đã nhanh chóng tận dụng cơ hội sụt giảm giá dầu như một đòn bẩy để giảm gáng nặng trợ giá cho ngành năng lượng.

Thị trường “con gấu” đã tạo điều kiện cho ông Modi đưa ra quyết định giải phóng giá năng lượng khỏi tầm kiểm soát của nhà nước lần đầu tiên trong suốt 1 thập kỷ. Quyết định này làm đảo ngược chính sách dài hạn bán năng lượng thấp hơn chi phí sản xuất, trong khi mục tiêu ban đầu của quốc gia này là kiềm chế lạm phát và điều chỉnh giá nhiên liệu hợp lý. Hiệu quả của tiến trình này đã được nhìn thấy rõ rệt khi mức thâm hụt ngân sách của Ấn Độ đã giảm từ 2,1% GDP xuống còn 1,5%.

Chính phủ các nước đẩy mạnh các gói kích thích tăng trưởng

Ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi. Ngày 21/11 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ 3% xuống còn 2,75% như một động thái thúc đẩy phục hồi toàn cầu.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên khi cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 7/2012. Các doanh nghiệp Trung Quốc khá lạc quan về triển vọng lãi suất có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới nhờ nỗ lực kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tương tự tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Choi Kyung-hwan đã hai lần đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% đối với tiền gửi liên ngân hàng kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 6 vừa qua. Nhiều chuyên gia phân tích lạc quan dự đoán rằng, ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất để hạn chế nguy cơ giảm phát có thể xảy ra.

Sự cẩn trọng của người mua

Mặc dù giá dầu giảm sâu nhưng không phải tất cả các thị trường mới nổi đều được hưởng lợi. Giá nhà tại Trung Đông giảm mạnh đang là một nguy cơ đe dọa bất ổn. Tại Brazil, Petrobas – công ty dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước cam kết rót thêm 221 tỷ USD vào năm 2018 để thúc đẩy sản xuất, với giả định rằng giá dầu Brent sẽ tăng lên 100USD/thùng vào năm 2017.

Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn cho nền kinh tế đang trì trệ với những cơn gió ngược như doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm, đồng tiền yếu và lạm phát vượt chỉ tiêu. Ngay cả một số nền kinh tế phát triển cũng có lý do để lo lắng. Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng nhanh nhất trong 3 thập kỷ trở lại.

Bên cạnh những nguy cơ đe dọa suy thoái, chi phí năng lượng thấp hơn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các thị trường mới nổi Châu Á. Giá dầu giảm thấp kỷ lục sau quyết định từ chối giảm sản lượng của OPEC là nguyên nhân chính thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và tăng sức mua của người tiêu dùng.