Kinh tế châu Phi nạn nhân của Ebola
(Tài chính) Sau khi cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại châu Phi và khiến hàng triệu người lo sợ, virus Ebola đang đe dọa nạn nhân mới: đó là kinh tế tại các nước mà dịch bệnh đang hoành hành, trong đó có những nước nghèo nhất thế giới.
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, một trong những nước đang chật vật đối phó với dịch bệnh, cho biết, chương trình phát triển của nước này đã bị ảnh hưởng và chệch hướng nghiêm trọng vì dịch Ebola. Dịch bệnh chớm xuất hiện từ tháng 3, bùng phát mạnh vào tháng 6 và lan rộng ra thủ đô với 30% dân số của cả nước, gây hoang mang và sợ hãi.
Các hoạt động sản xuất, xây dựng, giao dịch bị đình trệ vì nhiều người sợ phải giao tiếp, tiếp xúc với những đối tượng có thể đang mang mầm bệnh trong người (nhiễm virus và thời gian ủ bệnh). Thêm vào đó là những khoản chi phí điều trị y tế tăng tỷ lệ thuận với tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh.
Trong chuyến thị sát tới miền Đông, giáp giới với Guinea cũng đang bị dịch bệnh hoành hành, Tổng thống Sirleaf đã kêu gọi người dân cùng chiến đấu chống virus Ebola theo cách riêng để nhanh chóng khôi phục và triển khai các chương trình phát triển đất nước. Bà đặc biệt nhấn mạnh tới dự án xây dựng đường cao tốc Yekepa-Ganta, đã bị đình lại vì công nhân nước ngoài do lo sợ dịch bệnh đã sơ tán hoặc về nước.
Tương tự, dịch bệnh Eboal cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế các nước Tây Phi khác. Bộ trưởng Tài chính Sierra Leone, ông Kaifala Maraha mô tả nền kinh tế các nước này là đã bị cấm vận khi giao dịch đa phương bị đình trệ. Thành tựu kinh tế các nước đạt được trong những năm trở lại đây đang bên bờ vực sụp đổ.
Khi tới Guinea, Liberia và Sierra Leone tuần trước – cũng là ba nước dịch bùng phát nghiêm trọng nhất, ông Magdy Martinez-Soliman - Vụ trưởng Vụ Chính sách và chương trình hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)- nhận định tự thân các nước và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ để bảo đảm thành quả kinh tế nhiều năm qua không bị chôn vùi cùng Ebola.
Giới chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những dự đoán ảm đạm. Chuyên gia Samuel Jackson đã vẽ nên bức tranh màu xám khi chỉ rõ các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và thậm chí có thể đóng cửa. Các dự án xây dựng lớn không thể triển khai được. Các hoạt động liên quan tới hạ tầng cơ sở bị đình trệ.
Tại Liberia, khai thác mủ cao su và quặng sắt - hai sản phẩm nhiên liệu thô hàng đầu của nước này - bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới tình trạng không có hàng để xuất khẩu, trong khi giá các hàng hóa nhập khẩu không ngừng tăng.
Edward George, trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Ecobank tại Tây Phi, cho rằng virus Ebola đang từng bước siết chặt gọng kìm tại các nước Tây Phi và đây là một cái chết từ từ. Các nhà đầu tư nước ngoài chưa kịp thoái vốn nhưng trong ngắn hạn, điều này sẽ xảy ra cùng với làn sóng cư dân nước ngoài rút dần về nước. Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil đã tuyên bố tạm dừng dự án khai thác dầu mỏ đầu tiên tại Liberia, ban đầu được lên kế hoạch là vào cuối năm nay.
Cùng với các ngành xuất khẩu nguyên liệu thô bị ảnh hưởng, một khía cạnh tiêu cực của Ebola là khiến giá lương thực tăng mạnh do nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ bị đình trệ, trong khi du lịch cũng èo uột. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), nông nghiệp và an ninh lương thực của các nước đang đối mặt với nhiều rủi ro. Một nghiên cứu của FAO tại Sierra Leone cho biết, 47% người dân nước này thừa nhận cuộc khủng hoảng Ebola tác động xấu tới hoạt động nông nghiệp. Tại vựa lúa mỳ Lofa của Liberia, giá lương thực đã tăng 30 - 75% kể từ tháng 8 vừa qua.
Nhằm duy trì sản lượng lương thực, Bộ Nông nghiệp Sierra Leone đang triển khai chiến dịch Trở lại ruộng đồng, khuyến khích người nông dân tích cực canh tác tại các khu vực không bị cách ly.
Tại các khu vực bị cách ly, nơi sinh sống của hơn nửa dân số Sierra Leone, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, người dân lo sợ tới các vùng bệnh và sợ cả việc phải giao dịch. Các khu chợ, siêu thị được liệt vào diện nguy hiểm. Hàng hóa giá rẻ giờ đây cũng trở nên khan hiếm và giá cả tăng vọt. Lương thực ở Thủ đô Monrovia của Liberia đã tăng tới 150% và nhiều gia đình đã phải chi tới 80% thu nhập cho lương thực.
Thực trạng thiếu nhân lực trong các lĩnh vực của nền kinh tế khi nhiều người đình công do lo ngại dịch bệnh lây lan cũng rất đáng báo động. Hàng nghìn nhân viên chăm sóc y tế Liberia đã đình công không giới hạn. Sự việc đe dọa hủy hoại các nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola và đẩy hàng trăm bệnh nhân rơi vào cảnh không được điều trị.
Các nhân viên y tế nói trên dọa sẽ đình công tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc cho tới khi nào Chính phủ đáp ứng đề nghị tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cũng như trang bị đầy đủ bảo hộ y tế cho những người chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Liberia là nước có tỷ lệ nhiễm và tử vong vì virus Ebola cao nhất trong số những nước có dịch. Trong số 4.000 ca tử vong vì virus nguy hiểm này, có tới 2.316 người Liberia. Trong khi đó, các hệ thống y tế ở Liberia cũng như ở Sierra Leone và Guinea (nơi bùng phát dịch hồi tháng 3) đều đã quá tải vì dịch bệnh. Hiện nay, virus Ebola đã lan tới Senegal, Nigeria, Tây Ban Nha và Mỹ.
Lo ngại Ebola có thể lây lan ra toàn cầu, các tổ chức quốc tế và cộng đồng thế giới đã nỗ lực giúp các nước bị ảnh hưởng bằng cách cung cấp nhân viên và trang thiết bị y tế cũng như hỗ trợ về tài chính lên tới 1 tỷ USD.