Kinh tế Mỹ chi phối toàn thế giới là tốt hay xấu?

Theo Thái Duy/doanhnhansaigon.vn

Đứng giữa một loạt biến động, nền kinh tế Mỹ vẫn là mỏ neo vững chắc, giúp kinh tế toàn cầu duy trì tăng trưởng tốt trong năm qua, theo Bloomberg.

 Kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tăng trưởng tốt cũng không được, mà tăng trưởng xấu càng không xong. Nguồn: internet
Kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tăng trưởng tốt cũng không được, mà tăng trưởng xấu càng không xong. Nguồn: internet

Dòng thời sự thường ngày bày ra trước mắt chúng ta một nền kinh tế toàn cầu nhốn nháo và tiêu cực suốt một năm qua. Thế nhưng, những số liệu tổng kết lại kể một câu chuyện tích cực hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà phát triển với mức tăng trưởng tốt, đạt 3,7% trong năm 2018. Mức tăng này tương đương với năm 2017. Hơn thế nữa, dự đoán tăng trưởng của IMF cho năm 2019 tiếp tục là 3,7%. Điều này có nghĩa là tăng trưởng đi ngang, thế nhưng lại là một mức “đi ngang” được đánh giá cao.

Cân cả thế giới

Điểm tương phản giữa tin tức tiêu cực hàng ngày và những điểm tích cực được thể hiện sắc nét nhất ở Mỹ. Sự mở rộng của nền kinh tế số một thế giới đã mạnh mẽ hơn và dai sức hơn. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong hai quý giữa năm 2018 lần lượt là 4,2% và 3,5%. Chỉ tính riêng tháng 10, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 250.000 việc làm.

Thế nhưng, nhịp tăng trưởng này khó lòng bền vững ở một cường quốc có nguồn nhân lực tăng chậm, cũng như năng suất tăng trưởng không đáng kể. Nếu kinh tế Mỹ có thể trụ qua tháng 6/2019, xu hướng tăng trưởng tốt sẽ kéo dài trong 120 tháng tiếp theo. Vì thế, Bloomberg nhận định viễn cảnh kinh tế 2019 có thể sẽ tươi sáng hơn những gì nhiều người dự đoán, dựa vào các tác động nhỏ ở khắp nơi.

Kinh tế nội địa tăng trưởng tốt không chỉ có ích cho riêng nước Mỹ mà còn cả thế giới. Điều này sẽ tạo động lực cho người lao động ở nhiều quốc gia làm việc, sản xuất hàng hóa và dịch vụ để bán cho Mỹ. Trong thực tế, cường quốc hàng đầu này giữ vai trò tối quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng toàn cầu nói trên, trong khi nhiều nền kinh tế lớn khác đang lộ dấu hiệu chững lại.

Tăng trưởng tốt cũng không được

Tuy nhiên, khi một cường quốc phát triển quá mạnh, chắc chắn “miếng bánh” dành cho những quốc gia yếu thế hơn sẽ bé lại. Sự thể hiện xuất sắc của Mỹ vẫn có điểm xấu. Nó đặt áp lực lên những quốc gia có nền kinh tế dễ tổn thương như Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này thường dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư toàn cầu sẽ dễ dàng chọn đầu tư vào Mỹ hơn để dễ dàng kiếm lời, nếu quốc gia này thịnh vượng.

Cùng lúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn, hòng ngăn nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Động thái này càng khiến lợi nhuận tại đây béo bở hơn. Lập tức, các quốc gia yếu thế hơn buộc phải tăng lãi suất để thu hút đầu tư, nhưng ngược lại càng ngăn nền kinh tế phát triển. Ví dụ, Bloomberg Economics dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% năm 2019.

Tăng trưởng xấu càng không xong

Dù tăng trưởng quá tốt của Mỹ có thể gây ra sức ép đối với các quốc gia yếu hơn, nhưng tình thế ngược lại được dự đoán còn mang tới nhiều phức tạp hơn về mặt chính trị. Thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng lớn. Lí do là vì nhu cầu dành cho hàng ngoại nhập tại đây đang tăng nhanh hơn nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại cho rằng hiện tượng trên là dấu hiệu của sự bất công trên trường thương mại quốc tế. Ông Trump có thể áp thuế nặng lên hàng nhập khẩu, đả thương cả đối tác thương mại và người tiêu dùng Mỹ. Tại Diễn đàn Kinh tế diễn ra đầu tháng 11, có 68% trong tổng số 400 đại biểu nhận diện chiến tranh thương mại là vấn đề lớn nhất trong năm 2019. Cựu Thư ký Kho bạc Mỹ, ông Henry Paulson, cảnh báo sẽ xuất hiện “bức màn sắt kinh tế” nếu Mỹ và Trung Quốc không hòa giải.