Kinh tế Mỹ sẽ có kịch bản “hạ cánh mềm” hay suy thoái trong năm nay?
Khả năng hạ cánh mềm có thể được nhiều người chờ đón, các chuyên gia đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ và thị trường việc làm có quá cao để lạm phát có thể chững lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đều có một nhận định chung với năm 2023: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong suốt nhiều tháng đẩy lãi suất cho vay tăng cao trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, những động thái này được kỳ vọng sẽ hãm đà tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đến nỗi mà nền kinh tế đương đầu với rủi ro suy giảm tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đang xem xét lại dự báo kinh tế Mỹ suy thoái.
Trong tháng 1/2023, giới chủ Mỹ tuyển dụng mới hơn nửa triệu việc làm, thị trường nhà đất Mỹ có nhiều dấu hiệu bình ổn hoặc thậm chí tăng trưởng trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế phố Wall thậm chí cũng đang giảm bớt đi các dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế sụt giảm.
Sau nhiều tháng đặt câu hỏi liệu Fed có đưa kinh tế Mỹ đến kịch bản “hạ cánh mềm”, đó là khi tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mà không rơi vào suy thoái, các chuyên gia phân tích đang nói đến khả năng kịch bản trên sẽ không xảy ra mà đơn giản tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, không phải số liệu nào cũng lạc quan: số liệu sản xuất vẫn bi quan, tiêu dùng người dân sụt giảm, một số chuyên gia phân tích tin rằng khả năng suy thoái nhẹ trong năm nay hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên cũng có quá đủ các yếu tố gây bất ngờ để có thể nói đến việc chính các quan chức của Fed cũng tin rằng Mỹ có thể tránh được đợt suy giảm kinh tế “đau đớn”. Sự vững vàng của nền kinh tế như vậy tuy nhiên cũng có thể là vấn đề.
Dù rằng khả năng hạ cánh mềm có thể được nhiều người chờ đón, các chuyên gia kinh tế đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm có quá cao để lạm phát có thể chững lại đúng như kỳ vọng của những người đứng đầu ngân hàng trung ương kỳ vọng, cuối cùng nó có thể khiến cho Fed hành động mạnh tay hơn.
“Họ cần phải quan tâm đến việc thị trường lao động Mỹ sẽ vững vàng đến như thế nào. Cho đến nay, kinh tế Mỹ đã vững vàng một cách bất ngờ”, chủ tịch bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại ngân hàng Barclays – ông Ajay Rajadhyaksha phân tích.
Trong năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất từ mức gần 0% lên ngưỡng khoảng 4,5%, đây là khoảng thời gian điều chỉnh lãi suất mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ của Fed. Lãi suất cho vay cao hơn đã khiến cho chi phí vay mua ô tô và mua nhà tăng lên, và đã có lúc nó đã hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Thế nhưng khi mà ngân hàng trung ương điều chỉnh tốc độ nâng lãi suất, ban đầu vào tháng 12/2022 và sau đó đến tháng này, thị trường đã cảm thấy căng thẳng hạ nhiệt. Lãi suất thế chấp đồng thời cũng đã giảm tương ứng.
Người ta có thể thấy rõ những thay đổi trong nền kinh tế. Số lượng hồ sơ nộp đơn xin thế chấp đã hồi phục trở lại. Doanh số bán nhà mới hiện đang dao động quanh ngưỡng tương đương trước đại dịch COVID-19. Giá ô tô qua sử dụng giảm đi, tuy nhiên ở các cửa hàng bán buôn lại tăng cao hơn, các chuyên gia cho rằng nhu cầu đối với loại sản phẩm này đang tăng trở lại.
Trong khi doanh số bán lẻ và các chỉ số liên quan đến tiêu dùng hộ gia đình giảm đi, có một số yếu tố gần đây được tin rằng có thể vực dậy nhu cầu người dân trong năm 2023, đồng thời nó cũng có nhiều ý nghĩa với cuộc chiến lạm phát của Fed.
Trong cuộc họp báo vào tuần trước, chủ tịch Fed Jerome Powell từng thừa nhận rằng một trong số những yếu tố gây ra lạm phát hàng hóa có thể chỉ mang tính thời điểm, điều đó đồng nghĩa lạm phát sẽ hạ nhiệt. Thực tế này lý giải cho những nhận định mà nhiều quan chức ngân hàng trung ương đang quan sát thấy trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt ngành dịch vụ.
Chi phí dịch vụ thuê nhà cũng hạ nhiệt trong năm nay và nó sẽ được phản ánh vào thực tế số liệu lạm phát trong những tháng tới, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng thay đổi sẽ đến vào một thời điểm sau này.
Trong bài phát biểu gần đây, phó chủ tịch Fed Lael Brainard dự báo lạm phát giá thuê nhà có thể sẽ chưa giảm cho đến quý 3/2023. Chi phí của nhiều loại dịch vụ khác, từ chăm sóc trẻ em cho đến các bữa ăn tại nhà hàng, dự kiến sẽ tùy thuộc vào điều gì xảy ra với thị trường lao động. Chi phí tiền lương vẫn là khoản chi lớn với các doanh nghiệp và nếu mức lương vẫn duy trì đà tăng, chắc chắn chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều.
Dẫu sao, vẫn có điểm tích cực là lạm phát và tăng trưởng mức lương đã chững lại những tháng gần đây ngay cả khi hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh. Các quan chức thuộc Fed trong khi đó vẫn khẳng định rõ ràng rằng họ vẫn đang tập trung vào những gì xảy ra với lạm phát hơn là những mục tiêu việc làm.