Kinh tế nền tảng đang tụt hậu
“Kinh tế nền tảng ở Việt Nam đang đi sau - tụt hậu rất nhiều các quốc gia trong ASEAN, chưa nói đến đi ra thế giới”, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định như vậy tại tọa đàm: “Tình hình Kinh tế Nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và Thảo luận” ngày 19/11.
Sau cả Indonesia
Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, trong hơn một thập kỷ qua, kinh tế nền tảng đã phát triển như vũ bão với những tên tuổi như Google, Facebook, Grab, Fintech (công nghệ tài chính), Airbnb… Kinh tế nền tảng sẽ góp phần tăng năng suất lao động.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng Việt Nam đang đi quá chậm trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đi sau rất nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, chứ chưa nói đến thế giới. Ngay Indonesia cũng đang thay đổi vượt bậc khi áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt Chính phủ của họ có sự chuyển mình mạnh mẽ. “Sự chuyển động của thế giới là vô cùng lớn, trong khi chúng ta nói rất nhiều đến 4.0 nhưng Chính phủ chuyển động bao nhiêu?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Đồng thời, ông nêu một sự thay đổi vượt bậc trong lĩnh vực tài chính: khách hàng vào internet và tìm đến công ty cho vay thông qua phần mềm, họ làm thủ tục trên điện thoại di động trong vòng một vài phút đã có ngay số tiền muốn vay.
Như vậy, trong tương lai ngân hàng làm vai trò trung gian có thể tồn tại được không? Ông Hiếu cho rằng, “nếu người quản lý đi chậm hơn xã hội mong muốn thì hiện tượng tiêu cực sẽ xảy ra vì họ lợi dụng lỗ hổng pháp lý để trục lợi cá nhân, đi ngược lại với quyền lợi dân tộc, xã hội và của quốc gia.
Phải tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia
Giới chuyên gia cho rằng, trong kinh tế nền tảng, Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề về pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, Việt Nam đang gặp thách thức về việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết, bởi việc có được nguồn dữ liệu đầu vào tốt là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, từ đó giúp họ tìm ra lời giải cho bài toán Việt Nam và cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới.
“Mỗi căn cước công dân là cơ sở để có dữ liệu quốc gia và quản lý đất nước. Hiện nay, Việt Nam cũng đã tiến dần đến tập trung hóa phát hành căn cước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được dữ liệu quốc gia này thì không thể nói đến vấn đề lớn khác như quản lý giao thông, lũ lụt, an sinh xã hội, học đường, an ninh…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hiện nay, một số bộ ngành đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau như đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, đấu thầu… Tuy nhiên các hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.
Trong kinh tế nền tảng, Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề về pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử.
GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở sẽ là chìa khóa cho nhiều vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân. Dữ liệu mở tức là bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng, nhưng cần ghi nhận nguồn. Phải khẳng định dữ liệu là tài sản do đó phải có người chủ sở hữu, từ đó hình thành vấn đề quan trọng là việc trao quyền sử dụng từ người sở hữu cho người sử dụng. Ngoài ra, còn có rào cản lớn về mặt pháp lý cần được giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề này thì những người làm chính sách phải bỏ ngay tư duy “quản được thì mở, không quản được thì đóng”.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DTT Group Nguyễn Thế Trung cho biết, Chính phủ đang xây dựng hai nghị định: Nghị định về định danh xác thực và Nghị định về chia sẻ dữ liệu. Hiện nay chúng ta chưa định danh được người vào giao dịch số trong môi trường điện tử là ai, như thế nào. Điều này dẫn tới hiện tượng hồ sơ giả về cá nhân trong không gian số.
Vì thế, Nghị định về định danh xác thực nhằm bảo đảm khi người vào giao dịch phải xác thực cụ thể, đồng thời, tạo ra cơ sở pháp lý để quản lý được ở mức độ nhất định nhưng không lộ thông tin của cá nhân quá lớn.
Trong khi đó, Đối với Nghị định về chia sẻ dữ liệu mang tính chất đột phá vì yêu cầu phải chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau và tìm cơ chế để chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài trên cơ sở người dùng đồng ý.