Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc đua mang tên kinh tế chia sẻ
Khi nhu cầu sử dụng dịch vụ từ mô hình kinh tế chia sẻ đang dần len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc đua thu hút người dùng.
Kinh tế chia sẻ là nơi khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng, kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành mô hình kinh doanh. Hiện, "chia sẻ" đang là từ khóa ngày càng phổ biến, và nền kinh tế chia sẻ song song với đó cũng góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những khó khăn của thế kỉ XXI. Đơn cử, khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, việc "chia sẻ" xe hơi có thể giúp giảm đến 37% lượng khí carbon thải ra môi trường.
Tại Mỹ, tổng giá trị các doanh nghiệp tham gia kinh tế chia sẻ tính đến năm 2018 đạt trên 463,9 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP. Còn tại Trung Quốc, quy mô của thị trường kinh tế chia sẻ năm 2015 đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ CNY (hơn 152,8 tỷ USD), theo khảo sát của ECNS. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nền kinh tế chia sẻ sẽ đóng góp 10% GDP vào năm 2020.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế chia sẻ đã thực sự len lỏi vào tận phòng ngủ, bàn ăn, văn phòng, phương thức đi lại… của mỗi công dân thời đại số. Với lĩnh vực thâm nhập ngày càng đa dạng, kinh tế chia sẻ không chỉ giúp cuộc sống cá nhân thêm tiện lợi, dễ dàng và thú vị, mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm cũng như dịch vụ với mặt bằng chất lượng cao hơn và giá cả cũng phải chăng hơn, nhờ sự cạnh tranh kịch liệt giữa các doanh nghiệp.
Trong đó, sự phát triển của công nghệ vừa mở đường, vừa làm bàn đạp đẩy kinh tế chia sẻ vào từng mọi ngõ ngách của cuộc sống hiện đại. Đơn cử, tính từ tháng 3/2018, Grab đã đóng góp 5,8 tỷ USD cho nền kinh tế Đông Nam Á trong 1 năm, nhờ doanh thu của ứng dụng đi lại, giao nhận, bán buôn và đại lý, theo Strait Times.
Thêm vào đó, chỉ trong 18 tháng (3/2018 – 9/2019), số lượng đối tác kinh doanh (là các doanh nghiệp siêu nhỏ) của Grab đã tăng hơn 3 lần, từ 2,6 triệu lên 9 triệu. Hiện, cứ 70 người ở Đông Nam Á thì có 1 người kiếm được tiền thông qua Grab. Công ty này cũng không giấu tham vọng trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu khu vực.
Còn mô hình TaskRabbit - một mô hình giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng được đầu tư 38 triệu USD vào năm 2012, đã tạo ra nền tảng tìm kiếm người lao động phù hợp (kỹ năng, mức giá, vị trí). Người có nhu cầu cần làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một cái tên mới nổi là minh chứng cho sự phát triển của "kinh tế chia sẻ" tại Việt Nam - Luxstay. Đây là startup áp dụng kinh tế chia sẻ vào ngành bất động sản và du lịch, kết nối chủ nhà với người thuê nhà ngắn hạn, với phân khúc chủ yếu là trung đến cao cấp. Ra đời từ năm 2016, Luxstay đến nay đã xây dựng được mạng lưới gần 10.000 địa điểm trên khắp nước.
Ở tầm vĩ mô, kinh tế chia sẻ không chỉ giúp tạo thêm công ăn việc làm, mà còn tối ưu hóa nguồn nhân lực và phần nào giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là ở những lao động không có trình độ chuyên môn cao tại một số nước đang phát triển. Đồng thời, kinh tế chia sẻ còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên "nhàn rỗi", tối đa hóa hiệu suất sử dụng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, kinh tế chia sẻ cũng giúp đa dạng hóa thị trường, nâng cao sự cạnh tranh, góp phần viết lại "luật chơi" tồn tại bấy lâu. Khi các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ mang theo công nghệ tiên tiến gia nhập thị trường và làm chủ cuộc chơi, các doanh nghiệp đang hoạt động theo phương thức truyền thống tất yếu phải thay đổi để có thể bắt kịp xu thế. Điều này không những đẩy mạnh tính cạnh tranh mà còn thúc đẩy nền kinh tế đi lên mạnh mẽ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế: "Kinh doanh chia sẻ sẽ thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Mặt khác, nó cũng tạo ra cơ hội cho việc cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và cải cách thể chế nhằm phát triển ngành kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4".