Cạnh tranh trong kinh tế chia sẻ phải đảm bảo thúc đẩy đổi mới
“Vừa học, vừa làm kinh tế chia sẻ phải trên tinh thần kịp thời”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, đưa ra nhận định trong bối cảnh công nghệ thế giới đang thay đổi nhanh.
Phóng viên: Đề án “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Theo ông tư duy và cách thức quản lý của Nhà nước đóng vai trò gì?
TS. Võ Trí Thành: Kinh tế chia sẻ đóng vai trò quan trọng, nhưng nó chỉ là một phần, không phải tất cả. Phát triển kinh tế chia sẻ có nhiều ý nghĩa. Kinh tế chia sẻ, rộng hơn là kinh tế platform hay kỷ nguyên số và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất kinh doanh, không đơn thuần chỉ là môi trường kinh doanh, nó là quá trình quản trị thông minh hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng...
Dữ liệu là một vấn đề quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất của kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề liên quan đến dữ liệu, như quyền sở hữu dữ liệu, dịch chuyển tự do, dịch chuyển dữ liệu qua biên giới... Hiện nay, các nước trên thế giới đang tính nhiều hơn đến hiệu quả, nhưng hiệu quả lại gắn với tự do dịch chuyển dữ liệu và mỗi quốc gia lại có cách ứng xử riêng, mà dữ liệu về quyền riêng tư là một ví dụ.
Tôi nghĩ rằng, những vấn đề mới này không phải đường kéo dài tuyến tính của quá khứ. Nó gắn với rất nhiều vấn đề liên quan, như phát triển nguồn nhân lực, phát triển sáng tạo... Vấn đề đặt ra ở đây là mức độ và cách thức can thiệp của Nhà nước như thế nào lại là một bài toán rất mới.
Theo ông, tại sao phải cần sandbox (thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới) trong mô hình kinh tế chia sẻ?
Kinh tế chia sẻ có thể có tác động nhiều chiều. Chúng ta không thể cam kết làm đúng mọi vấn đề nên sử dụng sandbox như một thí điểm trong không gian, thời gian nhất định, để từ đó nhân rộng và có chính sách chính thức cho toàn bộ không gian của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian và không gian sandbox phải đủ để tương tác giữa các bên, các tác động khác nhau về mặt kinh tế, xã hội, thậm chí là an ninh, để đưa ra chính sách mang tính bao trùm tốt hơn.
Một sandbox như thế nào là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay?
Kinh tế thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh trong kinh tế chia sẻ phải đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sự cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành phần tham gia kinh tế chia sẻ, nhưng quan trọng hơn, sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Do đó, không thể lấy tư duy cũ để phát triển kinh tế chia sẻ.
Quá trình sandbox cũng có tác động nhiều chiều. Nó liên quan đến vấn đề về quyền, trách nhiệm và tác động khác nhau đến các nhóm. Nó cũng liên quan đến thuế, lợi ích của Nhà nước. Cho nên, bản thân sandbox không phải là sự lựa chọn đầy đủ, chuẩn xác, mà còn là quá trình học hỏi. Nhưng quá trình học hỏi này không thể lấy sandbox để trì hoãn. Nó cần tốc độ, sâu xa hơn là trách nhiệm và sự dám chấp nhận rủi ro và sai lầm kể cả về mặt chính sách.
Cảm ơn ông!