Kinh tế Nhật qua giai đoạn khó khăn nhất

Theo VnEconomy

Nhật Bản vừa đạt thặng dư thương mại ngoài dự kiến trong tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế này đã qua thời kỳ xấu nhất. Các chuyên gia dự báo, kinh tế Nhật chỉ giảm 3,9% so với dự đoán 4,1% trước đây.

Đây là kết quả của các biện pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế và các gói kích cầu khổng lồ mà Chính phủ Nhật Bản tung ra trong năm qua.

Tốc độ suy giảm kinh tế nhẹ dần

Theo thông báo ngày 26/5 của Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 4/2009 đạt 68,95 tỷ Yên (728 triệu USD), mặc dù giảm 85% so với cùng kỳ năm trước, nhưng là tháng thứ 3 liên tiếp đạt thặng dư.

Trong đó, xuất khẩu chỉ còn giảm 39,1%, cải thiện rất nhiều so với  45,5% của tháng 3/2009 và 49,4% của tháng 2/2009. Nhập khẩu giảm 35,8%. Trước đó, giới phân tích dự đoán Nhật Bản sẽ thâm hụt thương mại khoảng 69,5 tỷ Yên trong tháng tư.

Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản nhận định nền kinh tế đã chạm đáy với mức giảm kỷ lục 4% trong quý 1/2009 và giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa cả trong và ngoài nước đều yếu kém.

Xuất khẩu của Nhật Bản  quý 1/2009 đã giảm 26%, trong khi đầu tư vốn của các công ty cũng giảm tới 10,4%. Ngoài ra, chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm 55% GDP của Nhật Bản - cũng giảm 1,1%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng xuất khẩu của Nhật Bản đã có dấu hiệu chạm đáy trong tháng ba, như vậy có thể nền kinh tế Nhật Bản đã qua thời kỳ xấu nhất, và từ quý 2/2009 tốc độ suy giảm sẽ nhẹ dần.

Ngày 26/5, một nhóm chuyên gia kinh tế từ 8 viện nghiên cứu của Nhật Bản cũng đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế nước này. Theo đó, trong tài khóa 2009, kinh tế Nhật Bản chỉ giảm 3,9% so với con số dự báo 4,1% trước đây.

Lý do nhóm chuyên gia này đưa ra dự báo tích cực hơn là có một số dấu hiệu gần đây cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản đang tăng dần và các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đã có những tác động tích cực.

Nhóm chuyên gia này cũng dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1% trong tài khóa 2010. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là năm đầu tiên kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng dương kể từ tài khóa 2007.

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế của Anh cũng vừa nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật. Theo đó, kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng 0,8% trong năm 2010 (dự báo trước đây là 0,3%), nhờ gói kích thích tài chính sắp tới của Chính phủ trị giá 15,4 nghìn tỷ Yên (160 tỷ USD), tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Hy vọng vào “gói kích cầu thứ 2”

Nhiều người hy vọng kế hoạch kích cầu thứ hai mà chính quyền của Thủ tướng Taro Aso góp phần tăng sức hồi phục cho nền kinh tế Nhật. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Toshihiro Nikai cho biết kế hoạch này rất lớn vì sẽ vượt xa mức 2% GDP của Nhật như IMF từng yêu cầu.

Từ khi kinh tế bước vào suy thoái, Nhật đã tung ra kế hoạch kích thích kinh tế đầu tiên trị giá 274 tỷ USD.

Nhằm phục hồi nền kinh tế đã suy thoái mạnh, Hạ viện Nhật cũng vừa thông qua dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2009, tổng giá trị lên tới 13.930 tỷ Yên. Đây là dự thảo ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật.

Trong dự thảo ngân sách bổ sung có 1.200 tỷ Yên dành cho hỗ trợ tạo việc làm, khoảng 3.000 tỷ Yên để thực hiện các biện pháp tài chính và 2.000 tỷ Yên để hỗ trợ y tế và chăm sóc trẻ em.

Để có tiền cho dự thảo ngân sách bổ sung khổng lồ này, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát hành 10.000 tỷ Yên trái phiếu, nâng tổng giá trị trái phiếu mà chính phủ dự kiến phát hành trong tài khóa này lên con số kỷ lục 44.000 tỷ Yên.

Cùng với triển vọng kinh tế phục hồi, uy tín của Chính phủ Nhật và cá nhân Thủ tướng Taro Aso đã tăng khá mạnh. Tờ Yomiuri Shimbun  vừa công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại, thực hiện từ ngày 8-10/5, cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Taro Aso đã tăng lên 28,7% so với mức 24,3% của cuộc thăm dò tháng trước.

Trong số những người ủng hộ nội các của Thủ tướng Aso, có 25% số người cho biết hài lòng với các chính sách của chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, về gói kích thích kinh tế mới trong dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2009, có 48% số ý kiến cho biết không đánh giá cao gói biện pháp này.