Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 02-06/01/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu: Nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng gần 4% trong năm 2018 tính theo sức mua tương đương (PPP), mức cao nhất kể từ năm 2011, tổng sản phẩm toàn cầu tăng thêm 5 tỷ USD tính theo giá hiện hành. Những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 bao gồm Hoa Kỳ, Eurozone và các nền kinh tế mới nổi tại châu Á với tỷ trọng đóng góp gần 70% , cao hơn so với mức trung bình khoảng 60% trong giai đoạn 2000 - 2017. (Theo báo cáo kinh tế toàn cầu của PwC ngày 29/12)

- Indonesia: Trong năm 2017, CPI của Indonesia tăng 3,61%, cao hơn mức tăng 3,02% của năm 2016, do giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng, thấp hơn mục tiêu đặt ra. Chính phủ Indonesia đã nỗ lực nâng sức mua trong nước, do chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP, bao gồm việc ban hành chính sách giữ giá điện và nhiên liệu ổn định trong quý I/2017. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Indonesia ngày 02/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm do giá nhóm cổ phiếu công nghệ tăng.Tính chung cả tuần (02 - 05/01/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,33%; 2,6% và 3,38% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (29/12/2017).Trong ngày giao dịch 05/01/2018 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 58,64 điểm (0,83%) lên 7.136,56 điểm.

+ S&P 500 tăng 19,16 điểm (0,7%) lên 2.743,15 điểm.

+ Dow Jones tăng 220,74 điểm (0,88%) lên 25.295,87 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 5,51 điểm (3,14%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (05/01/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 31,06 điểm (1,3%) lên 2.497,52 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 78,16 điểm (0,25%) lên 30.814,64 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 6,65 điểm (0,2%) lên 3.392,36 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 208,2 điểm (0,89%) lên 23.714,53 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 45,2 điểm (0,7%) lên 6.122,3 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 10/2017, sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt trên 298 triệu thùng, tăng 25 triệu thùng so với tháng 01/2017, mức cao nhất trong hơn 46 năm; công suất sản xuất đạt trên 9,6 triệu thùng/ngày, tăng 9,2%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt khoảng 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017 và tiếp tục tăng trong năm 2018, tác động đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 29/12)

Lượng dầu dự trữ tại Hoa Kỳ trong tuần (25 - 29/12/2017) giảm 7.419 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 4.609 triệu thùng của tuần trước đó và 5.148 triệu thùng theo dự báo của thị trường. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm. (Theo EIA ngày 04/01)

Tuần từ (02/01 - 05/01/2018), giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,69%; 1,5%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (05/01/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,57 USD (-0,93%) xuống 61,44 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,45 USD (-0,67%) xuống 67,62 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

- Trong tháng 12/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo của Eurozone đạt 60,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/1997 (khi chỉ số này bắt đầu được theo dõi), do sản lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới và việc làm tăng cao. Các chuyên gia nhận định, số liệu trên củng cố dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến tới chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào cuối năm 2018.(Theo IHS Markit ngày 02/01)

- Trong tháng 11/2017, tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Eurozone tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó tín dụng cấp cho các hộ gia đình tăng 2,8%, tín dụng cấp cho các doanh nghiệp tăng 3,1%, một dấu hiệu khích lệ đối với ECB khi cơ quan này bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. ECB cung cấp tín dụng “giá rẻ” cho các ngân hàng, áp dụng lãi suất thấp kỷ lục và “bơm” 2.200 tỷ EUR vào hệ thống tài chính thông qua hoạt động mua trái phiếu với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát của khu vực. (Theo ECB ngày 30/12)

Đức

Trong năm 2017, số người có việc làm tại Đức tăng khoảng 638.000 người (1,5%) so với năm 2016, nâng tổng số người có việc làm tại nước này lên 44,3 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 1989. Hầu hết các việc làm mới trong năm 2017 thuộc lĩnh vực dịch vụ, tăng 1,7% so với năm 2016. Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo dự báo, số lượng việc làm của Đức sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2018 và 2019.(Theo Cơ quan Thống kê Đức ngày 03/01)

Châu Á

Hàn Quốc

- Năm 2018 sẽ đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế Hàn Quốc ghi nhận GDP bình quân đầu người ở mức 30.000 USD, trở thành quốc gia thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được con số này, sau Nhật Bản và Australia.Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ thực hiện chính sách thúc đẩy tạo công ăn việc làm và tăng trưởng trong năm 2018, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời đặt nền tảng để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh ở mức thấp và duy trì nhịp độ tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn.Các doanh nghiệp và ngành nghề tạo nhiều công ăn việc làm sẽ nhận được nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi thuế. (Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon ngày 29/12)

- Trong năm 2017, vốn FDI cam kết vào Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 22,94 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2016, đây là năm thứ ba liên tiếp vượt 20 tỷ USD.Trong quý IV/2017,vốn FDI cam kết vào Hàn Quốc đạt 9,36 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hóa dầu. Dự báo FDI vào Hàn Quốc sẽ duy trì xu hướng gia tăng hiện nay, tuy nhiên có thể bị ảnh hưởng bởi chương trình giảm thuế doanh nghiệp và tiến trình nâng lãi suất tại Hoa Kỳ cũng như tình hình căng thẳng địa chính trị. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 03/01)

- Trong năm 2017, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt gần 96 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 574 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất kể từ khi thực hiện thống kê giao dịch thương mại (năm 1956). Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường thế giới của các mặt hàng xuất khẩu Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 3,6%, đưa nước này trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ sáu thế giới, tăng hai bậc so với năm 2016. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc đạt trên 478 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với năm 2016. (Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc ngày 01/01)

Singapore

Trong quý IV/2017, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 5,4% của quý III/2017 nhưng cao hơn 2,7% theo dự báo của thị trường. Trong cả năm 2017, GDP của Singapore tăng 3,5%, cao hơn mức tăng 2% của năm 2016 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 02/01)

Hoa Kỳ

Trong tháng 12/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Hoa Kỳ đạt 54,1 điểm, thấp hơn so với 54,5 điểm của tháng 11/2017, do sự sụt giảm trong lĩnh vực dịch vụ. PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 53,7 điểm, thấp hơn so với 54,5 điểm của tháng 11/2017, do số lượng nhân công tăng chậm, niềm tin kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016. (Theo Công ty IHS Markit ngày 04/01)

Trung Quốc

Trong 11 tháng đầu năm 2017, sản lượng điện mặt trời của Trung Quốc đạt 106,9 tỷ kwh, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng này tương đương với 33 triệu tấn than đá và giúp cắt giảm phát thải 93 triệu tấn carbon dioxide (CO2).

Tính tới cuối tháng 11/2017, công suất của các cơ sở sản xuất điện mặt trời hoạt động tại Trung Quốc tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016 lên 125,79 gw, chiếm 7,5% trong cơ cấu các nguồn phát điện. Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây đã đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời để ứng phó hiệu quả với tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng tăng trưởng. (Theo Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc - NEA ngày 02/01)

Trong tháng 12/2017:

- PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 51,6 điểm, thấp hơn so với 51,8 điểm của tháng 11/2017 và phù hợp với dự báo của Reuters, trong bối cảnh chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí và thị trường bất động sản chững lại đã gây sức ép lên nền kinh tế nước này.

- PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 55 điểm, cao hơn so với 54,8 điểm của tháng 11/2017. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sức tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng sẽ giúp cân bằng lại mô hình tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của nước này.

(Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 31/12)

Trong tháng 12/2017, PMI của Trung Quốc đạt 53 điểm, cao hơn so với 51,6 điểm của tháng 11/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2016. Trong đó, PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 53,9 điểm, cao hơn so với 51,9 điểm của tháng 11/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2014; PMI lĩnh vực chế tạo đạt 51,5 điểm, cao hơn so với 50,8 điểm của tháng 11/2017 và là mức cao nhất trong 3 tháng. Số liệu trên củng cố đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc. (Theo Công ty IHS Markit ngày 04/01)

Trung Quốc quyết định miễn thuế thu nhập tạm thu đánh vào lợi nhuận tái đầu tư ở Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong dài hạn, khuyến khích họ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, có nghĩa là tiền thuế đã thu của năm 2017 sẽ được hoàn lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện để được miễn thuế, bao gồm việc đầu tư trực tiếp vào những lĩnh vực được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và lợi nhuận đầu tư phải được chuyển trực tiếp vào các doanh nghiệp được đầu tư.

Các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò ngày càng lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, khuyến khích đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đại lục trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016 lên 803,62 tỷ NDT (122 tỷ USD), cao hơn mức tăng 1,9% của 10 tháng đầu năm.

(Theo Bộ Tài chínhTrung Quốc ngày 28/12)

Từ ngày 01/01/2018, Trung Quốc áp dụng quy định mới về giới hạn số tiền mặt được phép rút ở nước ngoài. Theo đó, mỗi chủ thẻ tín dụng chỉ được phép rút không quá 100.000 NDT/năm ở nước ngoài và mỗi ngày không được phép rút quá 10.000 NDT. Theo nhà chức trách Trung Quốc, biện pháp mới này nhằm hạn chế các rủi ro tài chính và ngăn chặn thất thoát dòng vốn ra ngoài lãnh thổ. (Theo TTXVN ngày 01/01/2018)

 

Nhật Bản

Tính đến cuối tháng 9/2017, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 174,157 triệu tỷ JPY (1.500 tỷ USD), tăng 33 nghìn tỷ JPY (291,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016, trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi rõ nét từ tháng 6/2016. Đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bán lẻ tại nước ngoài và hoạt động mua bán doanh nghiệp trong lĩnh vực đang có sự cạnh tranh toàn cầu như viễn thông, tài chính. (Theo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhật Bản ngày 04/01)

Trong tháng 12/2017, PMI lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản đạt 54 điểm, cao hơn so với 53,6 điểm của tháng 11/2017 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 02/2014, do đơn đặt hàng mới tăng mạnh (mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2014), sản lượng tăng tháng thứ 5 liên tiếp và các đơn hàng xuất khẩu mới tăng nhanh. Trong khi đó, PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 51,1 điểm, thấp hơn so với 51,2 điểm của tháng 11/2017, tháng giảm thứ 2 liên tiếp, do đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn. (Theo Công ty Markit ngày 05/01)

Australia

Trong tháng 11/2017, thâm hụt thương mại của Australia là 0,63 tỷ AUD, cao hơn so với mức thâm hụt 0,3 tỷ AUD của tháng 10/2017 và trái ngược với mức thặng dư 0,55 tỷ AUD theo dự báo của thị trường. Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,85 tỷ AUD, bằng mức của tháng 11/2017; kim ngạch nhập khẩu tăng 1% lên mức cao kỷ lục 32,48 tỷ AUD. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, Australia đạt thặng dư thương mại 12,17 tỷ AUD. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 05/01)

Đàm phán - Ký kết

Lào và Trung Quốc

Ngày 02/01 tại thủ đô Viên Chăn đã diễn ra lễ ký Hiệp định hợp tác Dự án nguồn vốn đặc biệt giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương. Hiệp định được triển khai theo kết quả Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất, có tổng trị giá 3.494.400 USD và là cơ sở cho việc thực hiện 13 dự án thuộc 5 bộ, ban ngành của Lào. (Theo Thông tấn xã Lào ngày 02/01)