Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 09-14/1/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Thế giới: Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2017, thấp hơn dự báo 2,8% đưa ra trước đó, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 2,3% của năm 2016, chủ yếu do kinh tế của các thị trường mới nổi có sự cải thiện. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 10/01)

- Các nền kinh tế phát triển: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 và 2018 đều đạt khoảng 1,8%, tăng nhẹ so với mức 1,6% của năm 2016, mặc dù vẫn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng từ lạm phát thấp, sự bất ổn trong các điều chỉnh chính sách của các nước. Trong đó, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018; nếu chính quyền mới triển khai toàn diện các đề xuất cắt giảm thuế sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đạt 2,2-2,5% trong năm 2017 và 2,5-2,9% trong năm 2018. (Theo WB ngày 10/01)

- Các nước mới nổi và đang phát triển: Dự báo tăng trưởng trong năm 2017 và 2018 lần lượt đạt 4,2% và 4,6%, cao hơn so với 3,4% của năm 2016; đóng góp 1,6% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017 (2,7%), lần đầu tiên đạt tỷ lệ 60% kể từ năm 2013. Trong đó Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,3% 2018; Ấn Độ tăng trưởng 7,6% trong năm 2017, cao hơn 0,6% so với năm 2016, nhờ việc triển khai những biện pháp cải cách kinh tế giúp tăng năng suất lao động; kinh tế Nga tăng trưởng đạt 1,5% trong năm 2017 và 1,7% năm 2018. (Theo WB ngày 10/01)

- Trung Quốc: GDP năm 2016 tăng khoảng 6,7% trong bối cảnh nền kinh tế đang phát đi những dấu hiệu ổn định, trong đó chi tiêu tiêu dùng trong nước đã đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ các cải cách kinh tế của Chính phủ, kết cấu ngành công nghiệp đã được tối ưu hóa và kinh tế có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. (Theo Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc Xu Shaoshi ngày 10/01)

- Anh:

+ Tốc độ tăng trưởng đạt 2,2% trong năm 2016 - mức tăng cao nhất trong nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), tuy nhiên sẽ chậm lại trong năm 2017 (đạt khoảng 1,2). Trong khi đó, CPI tăng 1,2%, gồm chi phí bảo hiểm tăng 6,6%, giá các loại đồ uống không cồn giảm 4,1% và rau quả giảm 4,8% so với năm 2015. (Theo TTXVN ngày 09/01)

- Đức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 1,5% trong năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 1,8% của năm 2016 (mức cao nhất trong 5 năm), do ba động lực chính của nền kinh tế là xây dựng, tiêu dùng và chi tiêu chính phủ đều tăng trưởng chậm lại. Chính phủ Đức cần tiến hành các chương trình cải cách, gia tăng đầu tư cho công nghiệp số hóa, nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục, nhằm tạo đà cho một chu kỳ kinh tế mới, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. (Theo Hiệp hội Công nghiệp Đức ngày 10/01)

- Ấn Độ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017) đạt 7,1% - mức thấp nhất 3 năm, sau khi tăng trưởng 7,6% trong năm 2016, do ảnh hưởng từ quyết định thu hồi các đồng tiền mệnh giá lớn của Chính phủ (tháng 11/2016), gây ra bất ổn kinh tế. Hầu hết các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Ấn Độ trong tài khóa 2016 xuống 6,5 - 7%, từ khoảng 7,5% trước đó. (Theo Cơ quan Thống kê Ấn Độ ngày 06/01)

- Thái Lan: Kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2017 với tốc độ tăng trưởng đạt 3,4%, cao hơn mức tăng 3,3% của năm 2016; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,4-4,5%. Trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm hơn so với tăng trưởng kinh tế, Thái Lan cần chuyển hướng sang phát triển kinh tế nội địa. (Theo Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan - NESDB ngày 11/01)

- Nga: CPI tháng 12/2016 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012, sau khi tăng 5,8% trong tháng 11/2016, do giá lương thực, nhà ở và các tiện tích, quần áo, hoạt động văn hóa thể thao đều tăng chậm. (Theo Cục Thống kê liên bang Nga ngày 10/01)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính tăng/giảm trái chiều trong tuần qua, chỉ số công nghệ Nasdaq đã có thời điểm lên mức cao kỷ lục nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu một số tập đoàn công nghệ. Tính chung cả tuần (09 - 13/01/2017), chỉ số Dow Jones giảm 0,39%; S&P 500 giảm 0,1% và Nasdaq Composite tăng 0,96% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (06/01/2017). Trong ngày giao dịch cuối tuần (13/01/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 19.885,73 điểm, giảm 0,03%.

+ S&P 500 đạt 2.274,64 điểm, tăng 0,18%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.574,12 điểm, tăng 0,48%.

- Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, chứng khoán châu Á tăng/giảm trái chiều. Dù phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm trước đó, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,15% xuống 140,35 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,86% xuống 19.287,28 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,33% xuống 3.112,764 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,58% xuống 5.721,117 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,93% lên 22.937,38 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,53% lên 2.076,79 điểm.

Dầu mỏ

Thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ giữa OPEC và 11 nước ngoài khối, trong 8 ngày đầu tiên của tháng 01/2017, Nga đã cắt giảm 130 nghìn thùng dầu (từ mức của tháng 10/2016) xuống còn 11,1 triệu thùng; trong khi Kazakhstan giảm 20 nghìn thùng/ngày (Theo Bộ Năng lượng Kazakhstan ngày 10/01 và Bloomberg ngày 09/01).

Trong 10 ngày đầu tiên của tháng 01/2017, Saudi Arabia đã giảm sản lượng dầu mỏ xuống dưới 10 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 02/2015. Nước này có kế hoạch tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhiều hơn trong tháng 2. Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2017 sẽ tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày, hỗ trợ đà tăng của giá dầu. (Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih ngày 12/01)

Trong năm 2017, giá dầu thế giới sẽ tăng trung bình 35,2% so với năm 2016 lên 55 USD/thùng, cao hơn mức dự báo 50 USD/thùng (dự báo tháng 6/2016). Trong các năm 2018 và 2019, đà tăng giá dầu vẫn được duy trì với các mức tăng lần lượt là 8,4% và 4,6% do tình trạng dư cung dầu mỏ trên thế giới giảm dần. (Theo WB ngày 10/01)

Tuần từ 09-13/01/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3% và 2,89%, do những nghi ngờ về mức độ cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (13/01/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 64 cent (-1,22%) xuống 52,37 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 56 cent (-1,01%) lên 55,45 USD/thùng.

Châu Á

Châu Á - Thái Bình Dương

Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (09/01) đã hỗ trợ các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương 31,5 tỷ USD trong năm 2016, tăng 17% so với mức 26,9 tỷ USD của năm 2015, do nhu cầu phát triển trong khu vực tiếp tục tăng mạnh.

Malaysia

Tính đến cuối năm 2016, dự trữ ngoại tệ của Malaysia đạt 94,6 tỷ USD, giảm nhẹ so với 95,3 tỷ USD cùng kỳ năm 2015. Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), mức dự trữ ngoại tệ trên đủ để hỗ trợ các giao dịch quốc tế như trang trải 8,8 tháng nhập khẩu, chi trả 1,3 lần số nợ nước ngoài ngắn hạn.(Theo Tạp chí New Straits Times ngày 06/01)

Châu Mỹ

Canada

Thặng dư thương mại của Canada trong tháng 11/2016 đạt 526 triệu CAD (397 triệu USD) - mức thặng dư thương mại đầu tiên kể từ tháng 9/2014, trái ngược với dự báo thâm hụt 1,6 tỷ CAD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,3% lên 45,6 tỷ CAD do xuất khẩu kim loại, khoáng sản, sản phẩm nông, ngư nghiệp, máy bay và các thiết bị giao thông vận tải tăng cao; kim ngạch nhập khẩu tăng 0,7% lên 45,1 tỷ CAD, chủ yếu do nhập khẩu năng lượng tăng.(Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 07/01)

Brazil

Các hoạt động sản xuất công nghiệp của Brazil trong 11 tháng đầu năm 2016 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2015, do tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế trong 2 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp ôtô giảm mạnh nhất (20,19%) sau 4 năm liên tiếp sụt giảm. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil - IBGE ngày 06/01)

Trung Quốc

Trong năm 2016, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 3,35 nghìn tỷ NDT (486 tỷ USD), giảm 9,1% so với năm 2015. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 2% xuống còn 13,84 nghìn tỷ NDT; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 0,6% lên 10,49 nghìn tỷ NDT. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2016 giảm 0,9% so với năm 2015 xuống 24,33 nghìn tỷ đồng. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 13/01)

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 12/2016 giảm 41 tỷ USD xuống 3.011 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2011 và là tháng giảm thứ 6 liên tiếp, do tác động từ việc bán ngoại tệ để ổn định đồng NDT. Trong cả năm 2016, dự trữ ngoại hối giảm khoảng 320 tỷ USD, thấp hơn so với mức giảm kỷ lục 513 tỷ USD của năm 2015. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/01)

Trong năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư 32 tỷ USD (30 tỷ EUR) vào các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong và ngoài nước, tăng 60% so với cả năm 2015, đồng thời thu hút 3,5 triệu trên tổng số 8,1 triệu việc làm trong ngành năng lượng sạch thế giới, cao hơn nhiều so với mức 800 nghìn việc làm tại Hoa Kỳ. (Theo báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính - EEFA ngày 06/01)

Tỷ giá trung tâm của đồng NDT ngày 09/01 giảm 594 điểm (0,86%) xuống 6,9262 NDT/USD - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2016, sau khi tăng 0,92% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2005 lên 6,8668 NDT/USD trong phiên giao dịch ngày 06/01. Theo các nhà giao dịch, các ngân hàng thương mại nhà nước tại Trung Quốc đã bán USD trong thời gian qua nhằm ngăn chặn đồng NDT giảm giá quá mạnh sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 8 năm (vào tháng 11/2016).(Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc ngày 09/01)

Nhật Bản

Trong tháng 11/2016,thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 lên 1.420 tỷ JPY (12,34 tỷ USD). Trong đó, thương mại hàng hóa thặng dư 313,4 tỷ JPY (2,73 tỷ USD) do đồng yên tăng giá so với các đồng tiền khác làm giảm kim ngạch nhập khẩu; thặng dư trong thu nhập cơ bản (phản ánh nguồn thu của Nhật Bản từ đầu tư nước ngoài) giảm 21,6% xuống 1.020 tỷ JPY (8,88 tỷ USD). (Theo Báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 12/01)

Đàm phán - Ký kết

Nhật Bản và Philippines

Nhật Bản cam kết gói hỗ trợ trị giá 1 nghìn tỷ JPY (8,7 tỷ USD), bao gồm viện trợ chính phủ và đầu tư tư nhân, dành cho Philippines trong vòng 5 năm tới để giúp nước này phát triển cơ sở hạ tầng. Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Philippines, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, dịch vụ tài chính và sản xuất ô tô, thông qua các tập đoàn như Toyota, Mitsubishi và Canon. (Theo Thủ tướng Nhật Bản ngày 12/01)

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 11/01 công bố giảm lãi suất cơ bản 75 điểm phần trăm xuống 13% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015, cao hơn mức dự báo giảm 50 điểm phần trăm của thị trường, trong bối cảnh lạm phát đang tăng trưởng chậm lại.

Nhận định
chuyên gia

Steven Englander, Trưởng bộ phận Chiến lược tiền tệ toàn cầu của Citigroup Inc (07/01):

Đồng USD có thể tăng mạnh hơn 10% so với đồng EUR và JPY, lên tương ứng 0,9 USD/EUR và 130 JPY/USD, nếu Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump và Quốc hội nước này triển khai chương trình kích thích tài chính lớn nhất kể từ năm 1980, trong bối cảnh thị trường lao động đang tăng trưởng mạnh.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman (10/01):

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ đang bị “đe dọa” bởi những chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong đó, với quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Trump đã từ bỏ vị thế nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và tạo thêm việc làm, Chính phủ Hoa Kỳ cần tăng cường cạnh tranh với các nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ.

Giám đốc chiến lược David Kostin của Goldman Sachs Group Inc (10/01):

Việc cải cách thuế, đồng USD tăng giá và tăng lương sẽ quyết định diễn biến chính trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong năm 2017. Dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng vượt mức 2.400 điểm trong 3 tháng đầu năm (tăng 5,4% so với phiên giao dịch ngày 06/01), sau đó giảm xuống 2.300 điểm vào cuối năm. Tính cả năm 2017, chỉ số này sẽ tăng khoảng 2,3%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - BoE, Mark Carney (11/01):

Sự kiện Brexit không còn là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính của Anh, một phần nhờ vào những biện pháp mà BoE đã áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi lên thị trường. Các nhà hoạch định chính sách của cả Anh và EU cần đề phòng những tác động của tiến trình sự kiện Brexit, trong đó những nguy cơ bất ổn tài chính của EU được đánh giá cao hơn so với Anh.

Mansoor Mohi-uddin, chiến lược gia của NatWest Markets, Royal Bank of Scotland Group Plc (ngày???):

Đồng yên có thể giảm xuống 125 JPY/USD trong năm 2017 - mức thấp nhất kể từ giữa năm 2015, khi lộ trình thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) làm gia tăng sự khác biệt về lãi suất giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đồng yên đã mất giá hơn 9% so với đồng USD kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ (08/11/2016), trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền chủ chốt.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's - S&P (11/01):

Triển vọng xếp hạng nợ công của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ổn định trong năm 2017. Tuy nhiên, xu hướng phản đối toàn cầu hóa và các biện pháp bảo hộ thương mại đang gia tăng là những yếu tố bất lợi cho khu vực này, vốn được hưởng lợi lớn từ thương mại và vốn đầu tư toàn cầu.

Ed Parker, Giám đốc bộ phận xếp hạng tín nhiệm khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Fitch (12/01):

Kế hoạch cắt giảm 6,2 nghìn tỷ USD thuế trong 10 năm tới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump nếu được triển khai sẽ khiến nợ công của Hoa Kỳ tăng thêm khoảng 33%, làm gia tăng áp lực đối với xếp hạng tín nhiệm của nước này (hiện đang ở mức xếp hạng cao nhất AAA). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chỉ số tín nhiệm của Hoa Kỳ chưa bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế nước này tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng giá của đồng USD.