Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 19-24/6/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Nga: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 1,3 - 1,8%, cao hơn mức 1 - 1,5% (dự báo đưa ra trước đó), hoạt động kinh tế tiếp tục được phục hồi. Kinh tế Nga đạt tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp và trong 4 tháng đầu năm 2017, do những thành công trong việc đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa sản xuất trong nước. (Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga ngày 16/6)

Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh đạt 1,6% trong năm 2017và 1,4% trong năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của năm 2016, do những xáo trộn chính trị trong nước, đặc biệt là tác động từ tiến trình đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU. (Theo nhận định của Liên đoàn Công nghiệp Anh - CBI ngày 19/6)

Singapore: Trong tháng 5/2017, CPI tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2014, cao hơn mức tăng 0,4% của tháng 4/2017, do chi phí nhà ở, giá lương thực và vận tải tăng cao. CPI lõi (không bao gồm chi phí sinh hoạt và vận tải tư nhân) tăng 1,6%, thấp hơn mức tăng 1,7% của tháng 4/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 23/6)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng và nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng điểm. Tính chung cả tuần (19/6 - 23/6/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt là 0,05%; 0,21% và 1,84% so với chốt phiên giao dịch 16/6/2017. Trong ngày 23/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 28,57 điểm (0,46%) lên 6.265,25 điểm.

+ S&P 500 tăng 3,8 điểm (0,16%) lên 2.438,3 điểm.

+ Dow Jones giảm 2,53 điểm (-0,01%) xuống 21.394,76 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,8 điểm (0,52%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (23/6/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 10,42 điểm (0,3%) lên 3.157,87 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 3,35 điểm (0,14%) lên 2.370,22 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 4,48 điểm (-0,99%) xuống 25.670,05 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 5,67 điểm (0,1%) lên 5.683,12 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 22,16 điểm (0,1%) lên 20.132,67 điểm.

Hãng cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI thông báo sẽ bổ sung 222 cổ phiếu vốn hóa lớn hạng A của Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi (EM) từ tháng 6/2018, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 0,73% chỉ số thị trường. Đây là lần đầu tiên chứng khoán của Trung Quốc được MSCI bổ sung vào chỉ số thị trường, cho thấy vị thế của thị trường chứng khoán Trung Quốc được nâng cao đáng kể trên thị trường tài chính quốc tế. (Theo Hãng cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ngày 20/6)

Dầu mỏ

Tuần từ 19/6 - 23/6/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3,87% và 3,86%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,27 USD (0,63%) lên 43,01 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,32 USD (0,7%) lên 45,54 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone: Trong tháng 4/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của khu vực này đạt 21,5 tỷ EUR, thấp hơn mức thặng dư 36 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016, do thặng dư hàng hóa giảm xuống 24,7 tỷ EUR, từ 37 tỷ EUR . Lũy kế 4 tháng đầu năm 2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Eurozone đạt 98,6 tỷ EUR, thấp hơn mức 105,9 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 20/6)

 Nga:

- Tại thị trường Moskva, đồng RUB giảm giá so với đồng USD xuống 60,23 RUB/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 02/2017 và giảm 6% so với đầu tháng 6/2017; đồng RUB cũng giảm giá so với đồngEUR xuống còn còn 67 RUB/EUR - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, do chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thấp, tình hình địa chính trị và các động thái điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, đồng nội tệ yếu sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của Nga có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. (Theo TTXVN ngày 21/6)

- Ngân hàng Trung ương Nga quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2017, từ 9,25% xuống 9%, do tỷ lệ lạm phát tại nước này sắp đạt được mục tiêu 4% và hoạt động kinh tế dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nguy cơ lạm phát tăng cao trong trung hạn vẫn còn tiềm ẩn, nên Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ "thắt chặt vừa phải" nhằm kiềm chế lạm phát. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 16/6)

Canada: Trong tháng 4/2017, doanh số bán lẻ của Canada tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn mức dự báotăng 0,2% của thị trường, do giá xăng và nhu cầu về đồ gia dụng tăng cao, là cơ sở hỗ trợ cho khả năng tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada trong cuộc họp vào tháng 7/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 22/6)

Hoa Kỳ

Trong quý I/2017, thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ ở mức 116,8 tỷ USD (tương đương 2,5% GDP), tăng so với mức thâm hụt 114 tỷ USD của quý /2016, do nước này tăng kim ngạch nhập khẩu dầu thô, phụ tùng ô tô và vật tư cho các nhà máy. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa là 200,3 tỷ USD, cao hơn 5,3 tỷ USD so với quý trước. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 20/6)

Trong tháng 5/2017, doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Hoa Kỳ tăng 1,1% so với tháng trước, lên 5,52 triệu căn, sau khi giảm 5,56 triệu căn trong tháng 4/2017 và ngược lại với dự báo của thị trường (giảm 0,5%), cho thấy thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ đang phát triển tốt, mặc dù giá nhà trung bình tăng lên mức cao kỷ lục (252.800 USD/căn). (Theo Hiệp hội Kinh doanh bất động sản Hoa Kỳ ngày 21/6)

Trong tháng 6/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ giảm xuống 94,5 điểm từ mức 97,1 điểm của tháng 5/2017. Đây là mức thấp nhất trong 7 tháng qua do lo ngại của người dân về các chính sách kinh tế của nước này. Người dân Hoa Kỳ kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức 2,6% trong năm 2018 và trong 5 năm tới. (Theo Đại học Michigan, Hoa Kỳ ngày 16/6)

Trong tuần từ 12 - 17/6, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng 3 nghìn đơn lên 241 nghìn đơn. Tuy nhiên, đây là tuần thứ 120 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đạt dưới ngưỡng 300 nghìn đơn, cho thấy thị trường lao động đang phát triển tốt, là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2017 ở mức 4,3%, thấp nhất 16 năm qua. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 22/6)

Nhật Bản

Trong tháng 5/2017, Nhật Bản thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua ở mức 203,37 tỷ JPY (1,8 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.851,4 tỷ JPY, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2015; kim ngạch nhập khẩu đạt 6.054,7 tỷ JPY, tăng 17,8% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2014, do giá năng lượng nhập khẩu tăng cao trong khi nền kinh tế Nhật Bản vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng này. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 19/6)

Trong tháng 6/2017, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Nhật Bản đạt 52 điểm, thấp hơn mức 53,1 điểm của tháng 5/2017, do số lượng các đơn đặt hàng tăng trưởng thấp nhất trong 7 tháng qua. Tuy nhiên, PMI của Nhật Bản vẫn duy trì trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng. (Theo Công ty IHS Markit ngày 22/6)

Trung Quốc

Trong tháng 5/2017, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài (ODI) trong lĩnh vực phi tài chính đạt 8,22 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2016, sau khi giảm 70,8% trong tháng 4/2017. Lũy kế 5 tháng đầu năm, ODI phi tài chính của Trung Quốc đạt 34,59 tỷ USD, giảm 53%, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như dịch vụ thương mại, chế tạo, truyền tải thông tin, phần mềm và công nghệ thông tin. Đầu tư của Trung Quốc tại các nước nằm dọc theo “Vành đai và Con đường” chiếm 14,4% tổng lượng ODI của nước này trong 5 thángđầu năm, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/6)

Trong tháng 5/2017, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 24 tỷ USD lên 3,05 nghìn tỷ USD, cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này có xu hướng ổn định. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường tài chính hai chiều và thúc đẩy tiến trình cải cách quản lý ngoại hối thận trọng và có trật tự. Các doanh nghiệp Trung Quốc được khuyến khích thực hiện đầu tư ra nước ngoài. (Theo Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc ngày 22/6)

Chính phủ Trung Quốc đã chính thức ban hành bản hướng dẫn về danh mục thu hút đầu tư nước ngoài mới được sửa đổi nhằm nới lỏng những hạn chế đối với quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 27 hạng mục thuộc 8 lĩnh vực khác nhau tại các khu thí điểm thương mại tự do (FTZ), trong đó có các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất dược phẩm, chế tạo, kế toán - kiểm toán và tài chính - ngân hàng.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp nước ngoài được phép xây dựng các cơ sở vận tải đường sắt riêng, thay vì phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép mua, bán trái phiếu chính phủ; bãi bỏ yêu cầu về thời gian hoạt động tối thiểu tại thị trường Trung Quốc trước khi triển khai các dịch vụ bằng đồng NDT.

(Theo TTXVN ngày 18/6)

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PBoC đã bơm 120 tỷ NDT (17,65 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giảm áp lực thanh khoản, thông qua các hợp đồng mua và bán lại chứng khoán, bao gồm 50 tỷ NDT kỳ hạn 7 ngày, 40 tỷ NDT kỳ hạn 14 ngày và 30 tỷ NDT kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất lần lượt là 2,45%; 2,6% và 2,75%. Trong khi đó, các hợp đồng repo đảo ngược trị giá 10 tỷ NDT đáo hạn trong cùng ngày. Như vậy, PBoC đã bơm ròng 110 tỷ NDT. (Theo PBoC ngày 19/6)

Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc - CBRC cho biết, tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc tại thời điểm cuối tháng 5/2017 là 2,3 nghìn tỷ NDT (337 tỷ USD); tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,99%, thấp hơn 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016, cho thấy chất lượng tài sản ngân hàng đang được cải thiện. (Theo CBRC ngày 22/6)

Hàn Quốc

Trong tháng 5/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc đạt 102,26 điểm, giảm 0,2% so với tháng trước, do giá dầu sụt giảm. PPI Hàn Quốc tăng tháng tăng thứ 7 liên tiếp, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,5%, tuy nhiên đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2016. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 19/6)

Úc

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s quyết định hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của 4 ngân hàng lớn nhất nước Úc (Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, Ngân hàng Quốc gia Australia và Tập đoàn Ngân hàng Westpac) từ mức Aa2 xuống còn Aa3, do những rủi ro liên quan đến thị trường nhà đất tại nước này tăng mạnh trong những năm gần đây.Tuy nhiên, Moody’s cho rằng, triển vọng xếp hạng của 4 ngân hàng này vẫn ở mức ổn định. (Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 19/6)

Đàm phán - Ký kết

Anh và Liên minh châu Âu (EU)

Anh và Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động tiến trình đàm phán đưa Anh rời khỏi EU (Brexit) theo đúng lịch trình. Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier cho biết, EU hướng tới một cuộc đàm phán xây dựng với Anh. Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh - David Davis tuyên bố Anh muốn là một đối tác mạnh và đặc biệt của EU sau cuộc đàm phán này. (Theo TTXVN ngày 19/6)

Hoa Kỳ và Anh

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox đã thảo luận về khả năng ký thỏa thuận thương mại song phương mới sau Brexit. Tại cuộc gặp, ông Lighthizer cho biết sẽ làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để đặt nền móng cho mối quan hệ thương mại với Anh trong tương lai. (Theo TTXVN ngày 20/6)

Nhận định

chuyên gia

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond (20/6):

Các ngân hàng Anh và Liên minh châu Âu (EU) cần một hệ thống giao dịch mới sau Brexit, nhằm tránh chia rẽ thị trường,do việc phá vỡ nền tảng giao dịch tài chính hiện nay giữa Anh và EU sẽ khiến chất lượng dịch vụ kém hơn, trong khi chi phí dịch vụ lại cao hơn. Việc điều chỉnh cơ chế hợp tác phải có cơ sở pháp lý minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và phải xuất phát từ hai phía, trên cơ sở tin cậy và ưu tiên ổn định tài chính.

 Hãng Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (20/6):

Những khoản cho vay không hiệu quả tại các ngân hàng Thái Lan sẽ đạt mức cao nhất vào cuối năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm và nợ hộ gia đình tăng cao, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư tại nước này. Fitch tiếp tụcduy trì mức xếp hạng triển vọng tiêu cực đối với ngành ngân hàng của Thái Lan.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond (22/6):

Tương lai không rõ ràng của tiến trình đàm phán giữa Anh và EU liên quan đến vấn đề Brexit đã làm cho hàng loạt khoản đầu tư kinh doanh ở Anh bị đóng băng. Do đó, Anh cần sớm đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp để giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư.