Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 20-25/2/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh năm 2016 tăng 1,8%, thấp hơn so với mức dự báo tăng 2%. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 22/02)

- Hong Kong: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 1,9% (dự báo đạt 2 - 3% trong năm 2017); tỷ lệ thất nghiệp trung bình đạt 3,4%; tỷ lệ lạm phát toàn phần và lạm phát cơ sở lần lượt ở mức 2,4% và 2,3% - năm giảm thứ 5 liên tiếp; GDP bình quân đầu người đạt 44.000 USD, vượt Nhật Bản và nhiều nền kinh tế phát triển ở châu Âu. (Theo người đứng đầu ngành Tài chính Hong Kong, Paul Chan Mo-po ngày 22/02)

- Thái Lan: Trong quý IV/2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức tăng 3,2% của quý III/2016 do nước này phải đối mặt với những rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ và sự thoái vốn trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) có kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2017. Kinh tế Thái Lan đạt tốc độc tăng trưởng 3,2% trong năm 2016 và dự báo sẽ tăng 3 - 4% trong năm 2017. (Theo Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan - NESDB ngày 20/02)

- Pháp: Trong tháng 01/2017, CPI tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2012, cao hơn mức tăng 0,6% của tháng 12/2016, do chi phí năng lượng, thực phẩm và dịch vụ tăng nhanh, trong khi chi phí sản xuất giảm thấp hơn so với tháng 12. (Theo Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế Quốc gia Pháp ngày 21/02)

- Malaysia: Trong tháng 01/2017, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/2016, cao hơn mức tăng 1,8% của tháng 12/2016 và dự báo tăng 2,8%, do chi phí thực phẩm, đồ uống không cồn và giao thông tăng nhanh. CPI lõi tăng 2,3%, cao hơn mức tăng 2,1% của tháng 12/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 21/02)

- Singapore: Trong tháng 01/2017, CPI của nước này tăng 0,6% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2014, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 12/2016 và phù hợp với dự báo của thị trường, do chi phí giao thông và giá thực phẩm tăng, trong khi chi phí nhà giảm với tốc độ thấp hơn. (Văn phòng Thống kê Singapore ngày 23/02)

Thương mại

Thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2016 tăng khoảng 1%, thấp hơn so với mức tăng 2% trong năm 2015 và 2,7% trong năm 2014. Xu hướng tăng thấp xảy ra tại hầu hết các nước trên thế giới, khác với những năm trước là chỉ xảy ra tại các nước thu nhập cao. Trong giai đoạn 2012 - 2016, thương mại toàn cầu tăng trung bình 3%/năm, thấp hơn mức tăng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 1994 - 2008; năng suất lao động tăng khoảng 1%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trung bình 2%/năm trong giai đoạn 1994 - 2008. (Theo Báo cáo “Bất ổn chính sách cản trở thương mại” của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 23/02)

Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO ngày 22/02 đã thông qua Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA), đây là thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên. Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên WTO sẽ đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông trên toàn cầu.Đây được coi là giải pháp quan trọng trong bối cảnh WTO đang phải đối mặt với những thách thức từ chính sách bảo hộ thương mại của Chính phủ Hoa Kỳ. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết, TFA là cải cách lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong thế kỷ này, giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm. (Theo TTXVN ngày 23/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua, do giới đầu tư hy vọng vào việc tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ sớm công bố kế hoạch điều chỉnh chính sách thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Tính chung cả tuần (20 - 24/02/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,96%; 0,69% và 0,12% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (17/02/2017). Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/02/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 20.821,76 điểm, tăng 0,05%.

+ S&P 500 đạt 2.367,34 điểm, tăng 0,15%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.845,31 điểm, tăng 0,17%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng/giảm trái chiều. Chứng khoán Hồng Công giảm do giá hàng hóa tại thị trường Trung Quốc giảm và dòng tiền từ thị trường chứng khoán Thượng Hải vào thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm; chứng khoán Trung Quốc tăng do có thông tin về những cải cách để tăng cung cho thị trường. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,45% xuống 145,82 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,25% lên 19.283,54 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,59% lên 3.253,433 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,65 % lên 2.094,12 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,28% xuống 23.965,70 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 1,15% xuống 5.738,985 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 12/2016, Nga có sản lượng khai thác dầu mỏ dẫn đầu thế giới (lần đầu tiên kể từ tháng 3/2016), đạt mức 10,49 triệu thùng/ngày, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Saudi Arabia đứng thứ hai ở mức 10,46 triệu thùng/ngày, tăng 3%; Hoa Kỳ đứng thứ ba ở mức 8,8 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksander Novak cho biết, tính đến hết ngày 19/02, Nga đã vượt chỉ tiêu cắt giảm sản lượng của tháng theo thỏa thuận với OPEC. Cụ thể, so với sản lượng tháng 10/2016, các doanh nghiệp Nga như Tập đoàn Gazprom Neft đã giảm 2,58% sản lượng, Rosneft giảm 1,59%; Lukoil giảm 0,44%, Russneft giảm 1,26%, Tatneft giảm 0,65%, Novatek giảm 0,95%... (Theo Joint Organization Data Initiative ngày 20/02)

Tuần từ 20/02 - 24/02/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 1,10% và 0,32% do các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nghiêm túc trong việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã giúp giá dầu thế giới đi lên trong nhiều ngày qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (24/02/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 46 cent (-0,85%) xuống 53,99 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 59 cent (-1,05%) xuống 55,99 USD/thùng.

Châu Âu

- Eurozone: Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của Eurozone trong tháng 02/2017 đạt 56 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, tăng so với 54,4 điểm của tháng 01/2017, trong đó PMI tổng hợp của Pháp và Đức đều tăng mạnh lên các mức lần lượt là 56,2 điểm và 56,1 điểm. Lĩnh vực chế tạo và dịch đều tăng trưởng (Theo Công ty cung cấp thông tin tài chính IHS Markit ngày 21/02)

- ECB: Lợi nhuận ròng của ECB trong năm 2016 đạt 1,19 tỷ EUR (1,3 tỷ USD), tăng so với 1,08 tỷ EUR của năm 2015, chủ yếu do thu nhập ròng từ chương trình mua tài sản và USD trong năm 2016 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đưa lạm phát lên mức mục tiêu dưới 2%.(Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 16/02)

- Đức: Giá sản xuất trong tháng 01/2017 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2012, cao hơn mức tăng 1% của tháng 12/2016 và dự báo tăng 2%, do giá năng lượng tăng 4%, chi phí hàng hóa trung gian tăng 2,4%. (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 20/02)

Trong năm 2016, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 170 tỷ EUR (180 tỷ USD). Đứng thứ hai và ba là Pháp và Hoa Kỳ với tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Đức với 2 nước trên lần lượt là 167 tỷ EUR và 165 tỷ EUR. Nghiệp đoàn Đức BGA nhận định, quan hệ thương mại Đức - Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục được tăng cường để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Theo Reuters ngày 24/02)

- Anh: Doanh thu toàn cầu của Anh đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống lần đầu tiên đạt mốc 20 tỷ GBP (24,9 tỷ USD) trong năm 2016, tăng khoảng 10% so với năm 2015, cho thấy nỗ lực của Anh trong việc thực hiện cam kết thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế sau sự kiện Brexit.(Theo Bộ Môi trường, Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Anh - Defra ngày 21/02)

Châu Á

- Hàn Quốc:

+ Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc trong tháng 01/2017 đạt 102,17 điểm, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất trong 5 năm, có thể khiến CPI tăng nhanh trong ngắn hạn, gây áp lực tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 1,25% hiện nay. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 20/02)

+ Nợ nước ngoài của Hàn Quốc trong năm 2016 là 380,9 tỷ USD, giảm 15,1 tỷ USD so với năm 2015, do nhu cầu đối với trái phiếu Hàn Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài giảm 17,9 tỷ USD. (Theo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 22/02)

- Hồng Kông: Hồng Kông được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới năm thứ 23 liên tiếp, với tổng điểm là 89,8/100, cao hơn 1,2 điểm so với năm 2016 và cao hơn so với điểm bình quân toàn cầu là 60,9 điểm. Singapore tiếp tục đứng thứ hai với 88,6 điểm, tăng 0,8 điểm so với năm 2016, xếp sau đó lần lượt là New Zealand, Thụy Sĩ và Australia. (Theo Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế toàn cầu năm 2017” của Quỹ Heritage Foundation, Hoa Kỳ ngày 16/02)

Hoa Kỳ

PMI tổng hợp (số ước tính) của Hoa Kỳ trong tháng 02/2017 giảm xuống 54,3 điểm từ mức 55,8 điểm của tháng 01/2017; trong đó PMI lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 53,9 điểm từ mức 55,6 điểm, PMI lĩnh vực sản xuất giảm xuống 54,3 điểm từ mức 55 điểm. (Theo Công ty cung cấp thông tin tài chính Markit ngày 21/02)

Trung Quốc

Trong tuần từ 20 - 24/02/2017, để giảm tình trạng thiếu tiền mặt, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PboC đã thực hiện 2 lần bơm tiền vào thị trường thông qua các thỏa thuận mua và bán lại cổ phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,35%, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5% và 28 ngày với lãi suất 2,65%:

- Ngày 20/02 đã bơm 170 tỷ NDT (24,7 tỷ USD).

- Ngày 22/02 đã bơm 120 tỷ NDT (17,4 tỷ USD).

(Theo TTXVN ngày 20/02 và 22/02)

Nhật Bản

Trong tháng 01/2017, Nhật Bản thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 5 tháng, đạt mức 1.090 tỷ JPY (9,7 tỷ USD); trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6.510 tỷ JPY (57,6 tỷ USD) - lần tăng đầu tiên trong 25 tháng; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,3% lên 5.420 tỷ JPY (47,9 tỷ USD). (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 20/02)

Canada

Doanh số bán lẻ của Canada giảm 0,5% trong tháng 12/2016 - lần giảm đầu tiên trong 5 tháng, trái với mức tăng 0,3% của tháng 11 và dự báo tăng 0,1%, chủ yếu do doanh số bán xe cơ giới giảm 0,9%; thực phẩm và đồ uống giảm 0,4%. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 22/02)

Đàm phán - Ký kết

Singapore và Anh

Singapore và Anh đã ký lại Hiệp định Đối tác kinh tế và kinh doanh (EBP), mở đường cho việc hợp tác kinh tế sâu rộng và các cơ hội kinh doanh mới trong một số lĩnh vực như: Hợp tác xây dựng năng lực chính sách thương mại; thành lập một nhóm công tác để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Anh là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ tư của Singapore, với tổng giá trị thương mại song phương đạt 11,4 tỷ SGD (8 tỷ USD); Singapore là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Anh trong khối ASEAN. (Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore - MTI ngày 21/02)

Chính sách

Hàn Quốc: Quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,25% (duy trì từ tháng 6/2016), phù hợp với dự báo của thị trường trong bối cảnh xuất khẩu phục hồi (tăng 11,2% trong tháng 01/2017 so với cùng kỳ năm 2016) còn tiêu dùng giảm (niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 1 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 năm) và tình trạng bất ổn chính trị tại nước này.

(Theo Ngân hàngTrung ương Hàn Quốc - BoK ngày 23/02)

Nhận định
chuyên gia

Bộ trưởng Tài chính Brazil Henrique Meirelles (21/02):

Kinh tế Brazil đã vượt qua thời kỳ khó khăn và có xu hướng tăng trưởng bền vững với chỉ số niềm tin trong hoạt động kinh doanh bắt đầu tăng lần đầu tiên kể từ năm 2011. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều hậu quả do suy thoái kéo dài như tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế một số bang còn khó khăn, phải dựa vào sự hỗ trợ ngân sách từ chính quyền trung ương. Nhiều chuyên gia dự báo, Ngân hàng Trung ương Brazil sẽ tiếp tục hạ 0,75 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt từ mức 13% hiện nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (22/2):

Việc đồng USD tăng giá mạnhkể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ (08/11/2016) là một dấu hiệu phản ánh niềm tin của thị trường đối với những chính sách mới của Tổng thống Donald Trump và triển vọng kinh tế Hoa Kỳ trong 4 năm tới.