Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 24-29/10/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Hoa Kỳ: Trong quý III/2016, tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 1,4% trong quý II, do thâm hụt thương mại hàng hóa giảm mạnh (giảm 5,2% xuống 56,1 tỷ USD trong tháng 9), dự trữ hàng hóa bán buôn và bán lẻ tăng (mức tăng lần lượt là 0,2% và 0,3% trong tháng 9). (Theo khảo sát của Reuters ngày 26/10)

- Pháp: Trong quý III/2016, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt 0,2%, thấp hơn mức dự báo 0,3%, sau khi giảm 0,1% trong quý II. Trong đó đầu tư và chi tiêu chính phủ tăng, chi tiêu hộ gia đình không thay đổi, thâm hụt cán cân thương mại tăng làm giảm tăng trưởng. (Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Thống kê Pháp - INSEE ngày 28/10)

- Đức: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm 2017 do tác động của sự kiện Brexit. Trong đó lĩnh vực xuất khẩu, động lực chính của kinh tế Đức, sẽ giảm khoảng 9%, do sự yếu đi của đồng bảng Anh. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế IW Cologne, Đức ngày 25/10)

- Canada: Tốc độ tăng trưởng GDP của Canada năm 2016 đạt 1,1%; năm 2017 đạt 2%, giảm tương ứng so với 1,3% và 2,2% (dự báo tháng 7/2016). BoC nhận định, hoạt động kinh tế thế giới dường như đã “chạm đáy” và sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong hai năm tới. (Theo Ngân hàng Trung ương Canada - BoC ngày 19/10)

- Hàn Quốc: Trong quý III/2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đạt 0,7%, cao hơn mức dự báo 0,6%, nhưng giảm so với mức tăng 0,8% trong quý II/2016, do chi tiêu cá nhân và đầu tư giảm tốc. So với cùng kỳ năm 2015, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,7% trong quý III, thấp hơn mức tăng 3,3% của quý II. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 24/10)

Năng lượng

Năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới, đặc biệt tại 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, do chi phí thấp và các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 825 GW vào năm 2021 (tăng 42% so với năm 2015) - chiếm 28% sản lượng điện toàn cầu (so với 23% cuối năm 2015). (Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA ngày 25/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong tuần qua do báo cáo lợi nhuận quý III/2016 của doanh nghiệp Hoa Kỳ được công bố tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư. Tính chung cả tuần (24-28/10/20160), chỉ số S&P 500 giảm 0,31% và Nasdaq Composite giảm 0,46% trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0,13% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (21/10/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (28/10/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.161,39 điểm, giảm 0,05%.

+ S&P 500 đạt 2.126,44 điểm, giảm 0,31%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.190,10 điểm, giảm 0,5%.

- Chứng khoán châu Á: Các thị trường chứng khoán chính có sự tăng giảm trái chiều trong tuần qua, chứng khoán Nhật Bản có tuần tăng mạnh, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm trong tuần qua; chứng khoán Trung Quốc dù giảm 2 phiên cuối tuần, nhưng do các phiên trước tăng mạnh nên tính chung cả tuần vẫn tăng. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,71% xuống 138,72 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,50% lên 17.446,41 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,35% lên 3.104,271 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,20% xuống 22.954,81 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,65% xuống 2.019,42 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 2,72% xuống 5.283,840 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 24-28/10/2016, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3,28% và 4,31% do thị trường lo ngại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không hiện thực hóa được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (28/10/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,02 USD/thùng (2,09%) xuống 48,70 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,76 USD/thùng (1,53%) xuống 49,71 USD/thùng.

Châu Á

Singapore

- Trong tháng 9/2016, CPI của Singapore giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 23 liên tiếp, là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2014, thấp hơn mức giảm 0,3% của tháng 8/2016, do giá lương thực tăng mạnh hơn; CPI lõi (không bao gồm chi phí ăn ở và giao thông cá nhân) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2015, giảm so với mức tăng 1% của tháng 8/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 24/10). Dự báo lạm phát lõi sẽ tăng lần lượt 1% và 1 - 2% trong năm 2016 và 2017. (Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore - MAS và Bộ Công nghiệp và Thương mại - MTI ngày 25/10)

- Trong tháng 9/2016, sản lượng sản xuất công nghiệp của nước này tăng 6,7%, vượt xa mức tăng 0,5% của tháng 8. Trong đó sản lượng ngành kỹ thuật y sinh học tăng cao nhất (22,2%), tiếp theo là thiết bị điện tử (15,9%), trong khi ngành vận tải giảm 18,9%. (Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore ngày 26/10)

Philippines

Trong tháng 8/2016, ngân sách của nước này thặng dư 32,6 tỷ peso (676,57 triệu USD), trong đó tổng thu ngân sách đạt 209,6 tỷ peso (4,35 tỷ USD), tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015; trong khi chi ngân sách đạt 177 tỷ peso (3,67 tỷ USD), tăng 9%. Lũy kế 8 tháng đầu năm, thâm hụt ngân sách đạt 138,4 tỷ peso (2,87 tỷ USD). (Theo Bộ Tài chính Philippines ngày 20/10)

Hàn Quốc

Trong tháng 10/2016, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hàn Quốc đạt 101,9 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 12/2015, sau khi đạt 101,7 điểm trong tháng 9, do người tiêu dùng đã lạc quan hơn về triển vọng kinh tế và điều kiện sống tại nước này. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc trong 12 tháng tới ở mức 2,5%, bằng mức của tháng 9. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 26/10)

Châu Âu

EU

- Trong  quý II/2016:

+ Eurozone: Thâm hụt ngân sách là 1,5% GDP, thấp hơn mức thâm hụt 1,6% GDP của quý I. Trong đó tổng thu đạt 46,4% GDP, tăng so với 46,3% GDP của quý I, trong khi tổng chi vẫn giữ nguyên ở mức 47,9% GDP. Tỷ lệ nợ công đạt 91,2% GDP, giảm so với 91,3% GDP của quý I.

+ EU: Thâm hụt ngân sách là 1,8% GDP, thấp hơn mức thâm hụt 1,9% GDP của quý I. Trong đó tổng thu đạt 44,9% GDP, tổng chi đạt 46,7% GDP, tăng so với các mức tương ứng là 44,8% GDP và 46,6% GDP của quý I. Tỷ lệ nợ công đạt 84,3% GDP, giảm so với 84,5% GDP của quý I.

(Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 24/10)

- Trong tháng 10/2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng tạm thời (PMI flash) của Eurozone đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,6 điểm trong tháng 9.Đây là dấu hiệu tích cực đối với kinh tế Eurozone và giúp làm giảm những lo ngại về tác động tiêu cực của sự kiện Brexit và xu hướng giảm tốc của hoạt động thương mại toàn cầu. (Theo Công ty nghiên cứu IHS Markitngày 24/10)

Nhà kinh tế Chris Williamson (IHS Markit) dự báo, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,4% trong quý IV/2016, cao hơn so với mức tăng 0,3% trong quý II/2016.

Italy

Ngân hàng Monte Paschi di Siena (BMPS) - ngân hàng lớn thứ 3 của Italy, ngày 25/10 đã đưa ra thông báo sẽ cắt giảm 2.600 lao động và đóng cửa khoảng 500 chi nhánh nhằm cải tổ toàn diện hoạt động của ngân hàng này. BMPS ước tính thua lỗ 1,15 tỷ EUR (1,3 tỷ USD) trong quý III/2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu. BMPS đặt mục tiêu sau 3 năm tiến hành cải tổ sâu rộng sẽ đạt lợi nhuận trên 1,1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD) vào năm 2019. (Theo BMPS ngày 25/10)

Pháp

Trong tháng 9/2016, số người thất nghiệp tại nước này giảm 66.300 người (1,9%) so với tháng 8/2016 - mức giảm lớn nhất kể từ năm 1996, xuống còn 3,49 triệu người. Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng số người thất nghiệp tại Pháp đã giảm 90.000 người. (Theo Bộ Lao động Pháp ngày 25/10)

Hy Lạp

Ngày 25/10, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã thông qua khoản giải ngân mới trị giá 2,8 tỷ EUR (3,1 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp sau khi ghi nhận những tiến bộ cải cách mới của nước này. Như vậy, Hy Lạp đã được giải ngân 31,7 tỷ EUR trong tổng số tiền của gói cứu trợ thứ ba là 86 tỷ EUR. (Theo TTXVN)

Australia

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Australia trong quý III/2016 tăng 0,7%, cao hơn mức tăng 0,4% của quý II và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2015. Lũy kế 3 quý đầu năm 2016, CPI của Australia tăng 1,3%, cao hơn mức dự báo tăng 1,1%, do giá chi phí sinh hoạt và các dịch vụ tài chính tăng cao. (Theo Cục Thống kê Australia ngày 26/10)

Hoa Kỳ

Doanh số bán nhà mới tại nước này trong tháng 9/2016 tăng 3,1% lên 593.000 căn, gần bằng mức cao kỷ lục 9 năm 654.000 căn của tháng 7/2016, doanh thu bán nhà tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy nhu cầu nhà ở tại Hoa Kỳ vẫn ổn định. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/10)

Trung Quốc

Đến hết tháng 10/2016, các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực sản xuất thép của nước này sẽ hoàn thành mục tiêu cắt giảm tổng cộng 7,19 triệu tấn thép trong năm 2016, đạt 33,6% tổng kế hoạch cắt giảm 21,37 triệu tấn thép thô trong 3 năm 2016 - 2018 của Chính phủ Trung Quốc. (Theo Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc - SASAC ngày 22/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2016, các công ty Trung Quốc thực hiện 601 thương vụ M&A - cao nhất trong lịch sử, tăng mạnh so với 441 thương vụ của cùng kỳ năm 2015; tổng giá trị các thương vụ đạt 173,9 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó lớn nhất là thương vụ Tập đoàn ChinaChem mua lại Công ty thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ) với giá 46,7 tỷ USD vào tháng 02/2016. (Theo Công ty Dealogic ngày 18/10)

Tính tới cuối tháng 9/2016:

- Tổng tài sản trong nước của các ngân hàng Trung Quốc đạt 217.300 tỷ NDT (32.100 tỷ USD), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó tổng tài sản của nhóm 5 ngân hàng lớn nhất gồm Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Giao thông (BoCom) là 79.500 tỷ NDT (11.740 tỷ USD), tăng 8,1%.

- Hoạt động cho vay trong nước của các ngân hàng Trung Quốc tăng 15,5% so với đầu năm, đạt 200.400 tỷ NDT (29.600 tỷ USD).

(Theo Tân Hoa xã ngày 26/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2015 lên 128.800 tỷ NDT (19.000 tỷ USD). Tuy nhiên lợi nhuận của khối doanh nghiệp nhà nước giảm 1,6% xuống 1.720 tỷ NDT (254 tỷ USD); tổng nợ tăng 9,9% lên 85.300 tỷ NDT (12.600 tỷ USD). (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 28/10)

Ngày 24/10, tỷ giá trung tâm của đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm 132 điểm cơ bản xuống 6,769 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010, do thị trường kỳ vọng việc Hoa Kỳ tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá. Các nhà phân tích nhận định, mặc dù đồng NDT không ổn định trong ngắn hạn do đồng USD mạnh lên, nhưng ít có nguy cơ bị mất giá đột ngột do được hỗ trợ từ sự tăng trưởng kinh tế ổn định, điều kiện tài chính cân bằng và dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc. (Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc - CFETS)

Nhật Bản

Thặng dư thương mại của nước này trong quý II và quý III/2016 đạt 2,46 nghìn tỷ yên (24 tỷ USD), đảo chiều so với mức thâm hụt 1,28 nghìn tỷ yên cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 31,56 nghìn tỷ yên do nhập khẩu dầu thô giảm 37,3%; trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 9,9% xuống 34,02 nghìn tỷ yên. Trong tháng 9/2016, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 498,3 triệu yên, sau khi bị thâm hụt thương mại trong tháng 8/2016 do nhập khẩu giảm 16,3% trong khi xuất khẩu chỉ giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 24/10)

Trong tháng 9/2016, CPI lõi của nước này (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 7 liên tiếp; CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) không thay đổi so với tháng 8. CPI của Nhật Bản hiện nay còn cách xa mục tiêu 2%, gây áp lực cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong việc thực hiện các chương trình kích thích kinh tế. Ngoài ra, chi tiêu hộ gia đình cũng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 28/10)

Nhận định
chuyên gia

Viện nghiên cứu độc lập Resolution Foundation, Anh ngày 26/10:

Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lên đến 84 tỷ GBP trong 5 năm tới do những bất ổn kinh tế sau sự kiện Brexit và nguồn thu từ thuế giảm trong khi chi tiêu ngân sách gia tăng.

Ngày 25/10, lãi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm đã tăng 6 điểm cơ bản lên 1,14%. Các nhà đầu tư dự báo, Chính phủ sẽ vay nợ nhiều hơn trong vài năm tới.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 27/10:

Ai Cập đang đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, do đó nước này cần giảm giá nhanh đồng nội tệ để giải quyết tình trạng chênh lệch ngày càng tăng giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do.