Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 27/2-4/3/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Australia: Trong quý IV/2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,1% - mức tăng mạnh nhất kể từ quý I/2016, sau khi giảm 0,5% trong quý III/2016 và cao hơn dự báo tăng 0,8%, do chi tiêu hộ gia đình tăng 0,9%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cả năm 2016, kinh tế tăng trưởng 2,4%, cao hơn dự báo tăng 2%. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 01/3)

- Nga: Dự báo trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2%, cao hơn mức tăng 0,6% (dự báo tháng 01/2017), trong bối cảnh Nga đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự lệ thuộc của nước này vào nguồn thu từ năng lượng. (Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Maksim Oreshkin ngày 27/02)

- Canada: GDP tăng trưởng 0,6% trong quý IV/2016, thấp hơn mức tăng trưởng 0,9% trong quý III/2016, do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và đầu tư kinh doanh yếu. Trong năm 2016, kinh tế tăng trưởng 1,4%, cao hơn mức tăng 0,9% của năm 2015. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 02/3)

- Eurozone: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 2% - lần tăng đầu tiên kể từ năm 2013, chạm mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), do các kế hoạch kích thích kinh tế đang phát huy hiệu quả, chi tiêu tiêu dùng không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện Brexit và những bất ổn liên quan tới các chính sách của Hoa Kỳ.(Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 02/3)

- Nhật Bản: Trong tháng 01/2017, CPI tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,3% trong tháng 12/2016 và phù hợp với dự báo của thị trường, do chi phí vận tải tăng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2015, chi phí dịch vụ văn hóa giải trí tăng nhanh hơn. CPI lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tăng 0,1% - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 12/2015. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 03/3)

- Hàn Quốc: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 2% đã đạt được trong tháng 1, do chi phí thực phẩm và đồ uống có cồn tăng chậm hơn. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 03/3)

- Đức: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2012, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 01/3)

- Pháp: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,3% của tháng 1 do giá sản xuất giảm nhẹ. (Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Pháp ngày 01/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua, do giới đầu tư hy vọng khả năng Fed tăng lãi suất đã giúp nhóm cổ phiếu tài chính tăng giá. Tính chung cả tuần (27/02 - 03/3/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,88%; 0,67% và 0,44% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước đó (24/02/2017).Trong ngày giao dịch cuối tuần 03/3/2017, so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones tăng 2,74 điểm (0,01%) đạt 21.005,71 điểm.

+ S&P 500 tăng 1,2 điểm (0,05%) đạt 2.383,12 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 9,53 điểm (0,16%) đạt 5.870,75 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,61%.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 95,63 điểm (-0,49%) xuống 19.469,17 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 10,84 điểm (-0,34%) xuống 3.219,19 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 2,67 điểm (-0,13%) xuống 2.076,08 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 175,35 điểm (-0,74%) xuống 23.552,72 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 7,9 điểm (0,14%) lên 5.737,5 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 02/2017, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 29,87 triệu thùng/ngày so với mức 29,96 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2017 và 31,17 triệu thùng/ngày của tháng 12/2016. OPEC đã thực hiện được hơn 90% cam kết cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ hỗ trợ giá dầu tăng lên 60 USD/thùng. (Theo Reuters ngày 28/02)

Tuần từ 27/02 - 03/3/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 1,22% và 0,16%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (03/3/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,72 USD (1,35%) lên 53,33 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,82 USD (1,47%) lên 55,90 USD/thùng.

Châu Âu

Italia

Trong năm 2016, GDP của Italia tăng 0,9%, cao hơn mức tăng trưởng 0,8% của năm 2015 và dự báo tăng 1% trong năm 2017; thâm hụt ngân sách ở mức 2,4%, dưới mức trần 3% theo quy định của EU. Trong năm 2017, Chính phủ Italia ấn định mục tiêu thâm hụt ngân sách là 2,7%; tỷ lệ nợ công tăng lên mức cao kỷ lục 132,6% GDP, so với mức 132% GDP của năm 2015, cao thứ 2 trong Eurozone (chỉ sau Hy Lạp). (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italia ngày 01/3)

Ireland

Trong tháng 02/2017, số người thất nghiệp tại Ireland giảm 154.100 người, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 6,6% - mức thấp nhất trong 9 năm qua.Chuyên gia phân tích Conall Mac Coille dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Ireland sẽ giảm xuống 6% vào giữa năm 2017.Tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên mức cao kỷ lục 15,1% vào quý IV/2011 (tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD là 7%), sau đó đã giảm liên tiếp kể từ quý IV/2012 đến nay. (Theo Cơ quan Thống kê Ireland ngày 28/02)

Châu Á

Châu Á

Theo Báo cáo “Đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (28/02), đến năm 2030, các quốc gia châu Á cần đầu tư 26,2 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để chống đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu, gấp đôi mức đầu tư hiện nay (881 tỷ USD/năm). Theo đó cần đầu tư 14,7 nghìn tỷ USD cho ngành năng lượng; 8,4 nghìn tỷ USD cho giao thông vận tải; 2,3 nghìn tỷ USD cho viễn thông; 800 tỷ USD cho nước sạch và vệ sinh.

Hàn Quốc

- Hàn Quốc sẽ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 50 năm trị giá 300 tỷ KRW (260,8 triệu USD) trong tháng 3/2017 (kế hoạch phát hành cả năm là 1.000 tỷ KRW) nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng về các tài sản an toàn trên thị trường. Trong năm 2016, Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn 50 năm trị giá 1.100 tỷ KRW, khi kinh tế vĩ mô và tài chính công của nước này ổn định hơn. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 24/02)

- Trong tháng 02/2017, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 7,22 tỷ USD - mức cao nhất từ tháng 11/2016 và cao hơn mức 6,78 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,2% lên 43,19 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 23,3% lên 35,97 tỷ USD. (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 01/3)

- Tại thời điểm cuối tháng 01/2017, tỷ lệ nợ quá hạn hơn một tháng trên tổng các khoản nợ ngân hàng tại Hàn Quốc ở mức 0,53%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với tháng 12/2016. Trong đó, tỷ lệ các khoản nợ quá hạn của hộ gia đình tăng 0,02 điểm phần trăm lên mức cao kỷ lục 0,28%, làm gia tăng quan ngại về sự lành mạnh của khu vực tài chính Hàn Quốc.(Theo Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc - FSS ngày 27/02)

Thái Lan

Trong tháng 01/2017, Thái Lan đạt thặng dư thương mại 826 triệu USD, giảm so với mức thặng dư 938 triệu USD của tháng 12/2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016 lên 17,09 tỷ USD - tháng tăng thứ ba liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,17% lên 16,27 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Thái Lan ngày 28/02)

Châu Mỹ

Mỹ La tinh và Caribe

Trong năm 2016:

- Sản lượng thép thô của Mỹ La-tinh và vùng Caribe đạt 57,3 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng của Brazil đạt 30,2 triệu tấn (tương đương 53% tổng sản lượng của khu vực), giảm 9% so với năm 2015.

- Sản lượng tiêu thụ thép cán tại Mỹ La-tinh đạt 61,9 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2015, trong đó, lượng tiêu thụ của Brazil giảm 14%, Argentina giảm 20%, Chile giảm 8%, Colombia giảm 5% và Ecuador giảm 9%.

(Theo Hiệp hội Thép Mỹ La-tinh - Alacero ngày 28/02)

Brazil

Tỷ lệ thất nghiệp tại Brazil từ tháng 11/2016 đến tháng 01/2017 tăng lên mức cao kỷ lục 12,6%, tương đương khoảng 12,9 triệu người không có việc làm, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016, cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong năm 2016. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil ngày 24/02)

BRIC

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thành lập dự kiến cho vay 2,5 - 3 tỷ USD trong năm 2017, tăng gần gấp đôi so với mức cho vay của năm 2016. NDB sẽ huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu có mệnh giá bằng đồng rupee ở thị trường Ấn Độ, sau khi đã phát hành trái phiếu bằng đồng NDT tại thị trường Trung Quốc trong năm 2016.(Theo TTXVN ngày 03/3)

Hoa Kỳ

Doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ trong tháng 01/2017 tăng 3,7% lên 555 nghìn căn; thấp hơn so với dự báo tăng 6,3% lên 570 nghìn căn của các chuyên gia.Doanh số này cho thấy sự cải thiện của thị trường nhà đất, mặc dù lãi suất tăng đẩy lãi suất thế chấp cao hơn. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 24/02)

Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 02/2017 giảm còn 96,3 điểm từ mức 98,5 điểm của tháng 01/2017, tuy nhiên chỉ số này được đánh giá là vẫn duy trì ở mức độ phù hợp với đà tăng của chi tiêu tiêu dùng (dự báo tăng 2,7% trong năm 2017). (Theo Đại học Michigan, Hoa Kỳ ngày 24/02)

Trong tháng 02/2017:

- PMI tổng hợp của Hoa Kỳ đạt 54,2 điểm, thấp hơn so với 55 điểm của tháng 1. (Theo Công ty IHS Markit ngày 01/3)

- PMI lĩnh vực sản xuất - một trong những cấu phần quan trọng của chỉ số PMI tổng hợp - đạt 57,7 điểm, mức cao nhất từ tháng 8/2014, cao hơn so với 56 điểm của tháng 1 do các đơn đặt hàng mới và sản xuất gia tăng. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ ngày 01/3)

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần (20 - 25/02) giảm 19 nghìn đơn so với tuần trước đó xuống 223 nghìn đơn - mức thấp nhất trong gần 44 năm. Thị trường lao động phát triển mạnh và lạm phát tăng cao (tăng 2,5% trong tháng 1 - mức cao nhất 5 năm) có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất trong tháng 3. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/3)

Trung Quốc

Trong tháng 01/2017, Trung Quốc xuất khẩu 7,42 triệu tấn thép, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2016, sau khi giảm 26,8% trong tháng 12/2016 và nhập khẩu 1,09 triệu tấn thép, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2016.Trong năm 2016, sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đạt 108,4 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm 2015.Nguyên nhân do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và nhu cầu tiêu thụ thép trên toàn cầu sụt giảm đã gây tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GAC ngày 23/02)

Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường phái sinh ngoại hối tại nước này nhằm bảo hiểm rủi ro trái phiếu để thu hút dòng tiền ngoại. Theo đó, tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng sẽ được giao dịch các sản phẩm phái sinh bao gồm kỳ hạn, hoán đổi, hoán đổi chéo tiền tệ và quyền chọn với các đại lý thanh toán trong nước. (Theo Cục Quản lý về ngoại hối Trung Quốc ngày 27/02)

Nhật Bản

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2017 trị giá 97,45 nghìn tỷ JPY (870 tỷ USD) trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực trang trải những chi phí phúc lợi để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số và tình trạng lạm phát thấp. Ngân sách mới sẽ được ban hành trước khi năm tài khóa kết thúc (ngày 31/3/2017). (Theo Tân Hoa xã ngày 27/02)

Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 01/2017 giảm 0,8%, trái với dự báo tăng 0,4%của thị trường, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất phương tiện giao thông giảm mạnh (giảm 4,7%). Giới chuyên gia cảnh báo, sản lượng công nghiệp Nhật Bản có thể tiếp tục giảm do đồng yên có xu hướng tăng giá so với đồng USD.(Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 28/02)

Đàm phán - Ký kết

Châu Á - Thái Bình Dương

16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Kobe (Nhật Bản), thảo luận về sáng kiến tự do thương mại khu vực, được cho là có thể thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là vòng đàm phán đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định rút khỏi TPP vào tháng 01/2017 và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương thay vì đa phương.

Các nước tham gia đàm phán gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Trong số này có 7 nước tham gia đàm phán TPP.

(Theo TTXVN ngày 27/02)

Nhận định
chuyên gia

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (23/02):

Kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 3% vào cuối năm 2018, nhờ chương trình cắt giảm thuế và việc nới lỏng các quy định đối với doanh nghiệp và ngân hàng tại nước này.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (23/02):

Trung Quốc đang thao túng tiền tệ và cố hạ thấp giá trị của đồng NDT so với đồng USD để trợ giá cho hàng hóa xuất khẩu của nước này. Do đó, Hoa Kỳ sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.