Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 5-10/9/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Eurozone và EU:

+ GDP của Eurozone và EU trong quý II/2016 tăng trưởng lần lượt là 0,3% và 0,4% so với quý trước, giảm tốc so với mức tăng 0,5% của quý I/2016 tại cả 2 khu vực. Trong đó chi tiêu hộ gia đình tăng 0,2% trong Eurozone và 0,4% trong EU;đầu tư cố định không thay đổi trong Eurozone và tăng 0,2% trong EU. Tăng trưởng kinh tế tại châu Âu có thể sẽ tiếp tục giảm tốc trong nửa cuối năm 2016 khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone giảm xuống còn 52,9 điểm trong tháng 8 - mức thấp nhất trong 19 tháng qua, từ 53,2 điểm của tháng 7. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 06/9)

+ Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2016 đạt 1,7%, tăng so với dự báo 1,6%; năm 2017 và 2018 cùng đạt 1,6%, giảm so với dự báo 1,7% đưa ra trước đó; lạm phát trong 3 năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 0,2%; 1,2% và 1,6%. (Theo Chủ tịch Ngân hàng châu Âu ECB Mario Draghi ngày 08/9)

- Nhật Bản: GDP quý II/2016 đạt tốc độ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 0,2% so với với quý I/2016. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vẫn thiếu động lực khi nhu cầu tiêu dùng nội địa và bên ngoài rất yếu, đồng yên tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực sản xuất trong nước. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 08/9)

- Anh: Kinh tế Anh đang dần hồi phục và thoát khỏi suy thoái khi các lĩnh vực sản xuất chế tạo, dịch vụ, chi tiêu tiêu dùng và xây dựng đều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 ước đạt 0,5%, cao hơn so với mức giảm 0,6% của dự báo đưa ra trước đó. (Theo Ngân hàng Credit Suisse ngày 06/9)

- Singapore: Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 ở mức 1,8%, không thay đổi so với dự báo đưa ra tháng 6/2016, mặc dù GDP trong quý II chỉ tăng 0,1% so với mức dự báo 2%, trong đó tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất là 0,7%; thương mại 2,1%; công nghiệp tài chính và bảo hiểm 2%; xây dựng 3%; dịch vụ ăn uống và nhà ở 1,4%. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 tiếp tục giữ mức 1,8%, giảm so với dự báo 2,1% đưa ra trước đó. (Theo Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore - MAS ngày 07/9)

Thị trường tiền tệ

Thị phần của London trên thị trường ngoại hối toàn cầu dự báo giảm từ mức kỷ lục 41% năm 2013 xuống 37,1% trong năm 2016. Đứng thứ hai là New York (19%). Thị phần của ba trung tâm giao dịch tiền tệ lớn nhất châu Á là Tokyo, Hong Kong và Singapore tăng từ 15% lên 21%, cho thấy vị thế ngày càng quan trọng của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, trong thương mại toàn cầu. (Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ngày 01/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong tuần qua, do thông tin Fed sẽ không tăng lãi suất sớm và cuộc thử hạt nhân lớn nhất của Triều Tiên cũng ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư, thúc đẩy việc bán tháo trên thị trường. Tính chung cả tuần (05-9/9/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,2%; 2,39% và 0,65% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (2/9/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (9/9/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.085,45 điểm, giảm 2,1%.

+ S&P 500 đạt 2.127,81 điểm, giảm 2,5%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.125,91 điểm, tăng 2,5%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm. Chứng khoán Nhật Bản tăng khi giới đầu tư chờ đợi thông tin chính thức từ Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi cả 2 cơ quan này sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng vào tuần bắt đầu từ ngày 12/9. Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh với kỳ vọng dòng vốn lớn từ Trung Quốc đại lục “chảy” vào thị trường này. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,58% lên 140,34 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,24% lên 16.965,76 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,37% lên 3.078,85 điểm .

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 3,58% lên 24.099,70 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,94% xuống 2.037,87 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,59% xuống 5.339,184 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 8/2016, nguồn cung dầu từ OPEC tăng thêm 120.000 thùng/ngày lên bình quân 33,69 triệu thùng/ngày.Iraq tăng mạnh nhất với mức tăng thêm là 70.000 thùng/ngày lên 4,48 triệu thùng/ngày; Iran tăng thêm 60.000 thùng/ngày lên 3,62 triệu thùng/ngày; Saudi Arabia - thành viên lớn nhất OPEC - cũng tăng thêm 30.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 10,69 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của Nigeria sụt giảm mạnh nhất, giảm 130.000 thùng/ngày xuống còn 1,44 triệu thùng/ngày. (Theo Bloomberg ngày 02/9)

Tuần từ 05 - 09/9/2016, mặc dù giảm trong phiên cuối tuần nhưng giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 3,24% và 2,52%, chủ yếu do trong phiên thứ năm (8/9), giá dầu thô tăng hơn 4% khi dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999 (Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, sự suy giảm này chủ yếu do trì hoãn việc nhập khẩu dầu, chứ không phải do nhu cầu tăng). Ngoài ra, việc đồng USD tăng mạnh cũng ảnh hưởng tới giá dầu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (09/9/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,74 USD/thùng (3,79%) xuống 45,88 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,98 USD/thùng (4,12%) xuống 48,01 USD/thùng.

Châu Âu

EU

Trong năm 2014, các nước thành viên của EU đã thất thu khoảng 159,5 tỷ EUR (179 tỷ USD) tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó Italy thất thu cao nhất (36,9 tỷ EUR), Luxembourg thất thu thấp nhất (147 triệu EUR). Do vậy, EC đã thông qua một kế hoạch hành động về việc thu thuế VAT năm 2016 - bước đi cần thiết để tiến tới một hệ thống thuế VAT chung trong EU. (Theo Ủy ban châu Âu - EC ngày 07/9)

Anh

- Trong tháng 8/2016, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Anh hồi phục ở mức âm 7,5 điểm, sau khi giảm xuống mức âm 9,2 điểm trong tháng 7/2016 (mức thấp nhất trong vòng 21 năm); chỉ số mua hàng (thể hiện nhu cầu ô tô và các hàng hóa đắt tiền) tăng lên 7 điểm so với mức âm 2 điểm trong tháng 7, trong khi chỉ số tiết kiệm giảm 16 điểm. Các chỉ số trên cho thấy nỗi lo ngại của người tiêu dùng vào nền kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit đã giảm dần. (Theo Công ty nghiên cứu thị trường GfK ngày 31/8)

- Trong tháng 8/2016, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Liên đoàn Công nghiệp Anh tăng lên 8 điểm (so với 5 điểm trong tháng 7) cho thấy nền kinh tế nước này đang trên đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2017. (Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh - CBI ngày 04/9)

Nga

Nguồn quỹ khẩn cấp để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách của Nga đã giảm mạnh từ mức 67 tỷ USD trong năm 2014 xuống còn 30,6 tỷ USD, do dầu mỏ - một trong những nguồn thu chính của nền kinh tế Nga - giảm giá mạnh trong 2 năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2016, thâm hụt ngân sách Nga tăng lên 4,3% GDP, tăng mạnh so với 2,6% GDP năm 2015 và 0,5% GDP năm 2014. (Theo Bộ Tài chính Nga ngày 06/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 8/2016, nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ tạo thêm 151.000 việc làm, thấp hơn mức dự báo là 170.000 việc làm do Market Watch đưa ra trước đó và giảm mạnh so với 275.000 việc làm tạo được trong tháng 7.Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn ổn định ở mức 4,9%- tháng thứ ba liên tiếp và tổng số người thất nghiệp dài hạn giữ nguyên ở mức 2 triệu người.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/9)

Trong tháng 7/2016, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ giảm 11,6% so với tháng 6 xuống 39,47 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, sau khi tăng 1,9% trong tháng 6, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9% - mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, sau khi tăng 0,8% trong tháng 6, mặc dù đồng USD liên tục tăng giá sau sự kiện Brexit. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,8%, kim ngạch nhập khẩu giảm 4%, thâm hụt thương mại giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 02/9)

Trung Quốc

Trong tháng 8/2016:

- CPI Trung Quốc tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh so với mức tăng 1,8% của tháng 7, thấp hơn mục tiêu tăng 3% trong năm 2016 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2015, do giá lương thực chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,3% trong tháng 7.

- Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,8%so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức giảm 0,9% được dự báo trước đó.

(Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 09/9)

Trong tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 4,4% trong tháng 7; kim ngạch nhập khẩu tăng 1,5% - lần tăng đầu tiên sau 21 tháng, sau khi giảm 12,5% trong tháng 7, cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa đang tăng. Thặng dư thương mại đạt 52,05 tỷ USD, thấp hơn mức 52,31 tỷ USD trong tháng 7. Nếu sự phục hồi kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc bền vững, sẽ hỗ trợ tích cực cho kinh tế nước này và toàn cầu. (Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc ngày 08/9)

Cuối năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc đã chiếm 14,6% thị phần xuất khẩu của toàn thế giới, cao hơn so với mức 12,9% trong năm 2014 và cao nhất tính từ năm 1980. Theo HSBC, yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng là do Chính phủ nước này đã quyết định chuyển sang sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao như hàng điện tử. (Theo Bloomberg ngày 06/9)

Trong tháng 8/2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.185 tỷ USD, giảm 15,89 tỷ USD so với tháng trước và là mức thấp nhất từ tháng 12/2011 (3,181 nghìn tỷ USD) do các nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng FED sẽ nâng lãi suất. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm không đáng lo ngại đối với nền kinh tế nước này do mức giảm trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm kỷ lục 107,9 tỷ USD tháng 12/2015 và 99,5 tỷ USD vào tháng 01/2016. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/9)

Trong phiên giao dịch ngày 06/9, tỷ giá CNY/USD đã giảm 0,16% xuống 6,7 CNY/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010 trong bối cảnh giới đầu tư dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm các biện pháp hỗ trợ đồng CNY. Kể từ đầu tháng 8/2016, đồng CNY đã giảm 0,6% so với đồng USD do quan ngại về sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc và khả năng FED có thể nâng lãi suất trong năm 2016. (Theo Bloomberg ngày 06/9)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc) đã sa thải 25.000 nhân viên (1,5%) - cao nhất trong 6 năm qua, xuống còn 1,62 triệu nhân viên; chi phí nhân lực bao gồm lương, thưởng, trợ cấp, phúc lợi khác giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2015, do các ngân hàng đang phải đối diện với nhiều áp lực bởi nền kinh tế giảm tốc và mối nguy cơ nợ xấu ngày càng gia tăng. (Theo Bloomberg ngày 07/9)

Nhật Bản

Trong quý II/2016, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 9.310 tỷ JPY (90 tỷ USD) vào tư liệu sản xuất và tài sản cố định, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước - quý XIII tăng liên tiếp, là nhân tố chủ chốt để vực dậy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản)

Trong tháng 7/2016, tiền lương thực tế của Nhật Bản (đã được điều chỉnh theo lạm phát) tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015, bằng tốc độ tăng của tháng 6/2016 - tháng tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Lương và chi tiêu hộ gia đình tăng là những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chính sách kích thích kinh tế Abenomics. (Theo Bộ Lao động Nhật Bản ngày 05/9)

Philippines

Trong tháng 7/2016, thâm hụt thương mại của Philippines là 2,05 tỷ USD, tăng so với mức 1,52 tỷ USD cùng kỳ năm 2015. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 13% - mức giảm mạnh nhất trong 16 tháng qua - xuống còn 4,67 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,7% - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2016 - xuống 6,72 tỷ USD. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Philippines ngày 09/9)

Đàm phán - Ký kết

- Nga và Saudi Arabia: Bộ trưởng Năng lượng Nga - Alexandre Novak và Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia - Haled ben Addel Aziz alh-Falex cho biết, ngày 05/9 Nga và Saudi Arabia đã ký tuyên bố chung về bình ổn thị trường dầu mỏ. Theo đó, hai bên thỏa thuận hợp tác song phương hoặc với các nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ và đảm bảo mức đầu tư bền vững trong dài hạn.

- Anh và Australia: Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo và Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế của Anh Liam Fox ngày 07/9 thông báo về việc thành lập Nhóm chuyên viên thương mại chung để thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do song phương nhằm tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa giữa hai nước ngay sau khi Anh chính thức rời EU.Dự kiến nhóm này sẽ tiến hành họp thường kỳ (2 lần/năm) kể từ đầu năm 2017.

Chính sách

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 06/9 thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5%, trong bối cảnh RBA đang chờ thêm thông tin về lạm phát trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo.Trong 4 tháng qua, Australia đã hai lần cắt giảm lãi suất nhằm gia tăng lạm phát. Tỷ lệ lạm phát trong quý II/2016 đã giảm xuống 1%, mức thấp nhất trong 17 năm qua và cách xa mục tiêu 2 - 3% của RBA.

- Eurozone: ECB quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt là lãi suất tiền gửi qua đêm -0,4%; lãi suất tái cấp vốn 0%, lãi suất cho vay 0,25% và duy trì chương trình mua tài sản trị giá 1.740 tỷ EUR (1.950 tỷ USD) đến tháng 3/2017 trong bối cảnh cơ quan này đang tìm cách khôi phục tăng trưởng và nâng cao tỷ lệ lạm phát của khu vực. (Theo Chủ tịch Ngân hàng châu Âu ECB Mario Draghi ngày 08/9)

Nhận định
chuyên gia

Ông Abdelmadjid Attar, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp khí đốt Algerianhận định:

Nếu OPEC đạt được thỏa thuận giới hạn sản lượng dầu tại Hội nghị dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9/2016, giá dầu có thể tăng lên 60 USD/thùng vào năm 2017,nếu tình hình ngược lại, giá dầu sẽ không vượt quá 45 USD/thùng.