Kinh tế tài chính thế giới nửa đầu tháng 7/2013

Theo vinanet.com.vn

Thế giới

Chỉ số PMI toàn cầu trong tháng 6 do JP Morgan khảo sát không đổi so với tháng trước, đứng tại 50,6.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 và 2014. Đây là lần thứ 5 liên tiếp định chế này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu từ đầu năm 2012 trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi giảm tốc, châu Âu suy thoái và kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp.

Hoa Kỳ

Biên bản cuộc họp của Fed

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục dự trữ liên bang Mỹ cho biết các quan chức muốn có bằng chứng rõ ràng hơn về sự phục hồi của thị trường việc làm, trước khi quyết định có thu hẹp chương trình kích thích kinh tế hay không.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, Ben Bernanke cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong chương trình kích thích kinh tế. Lý do mà Chủ tịch Fed đưa ra là bốn năm sau khi thoát khỏi suy thoái sâu, thị trường việc làm ở Mỹ vẫn yếu, lạm phát còn quá thấp, trong khi kinh tế Mỹ còn chưa cảm nhận được đầy đủ tác động của kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ đưa ra hồi tháng 3/2013.

Thặng dư ngân sách lớn nhất trong 5 năm qua

Bộ Tài chính Mỹ: Cán cân thu chi ngân sách trong tháng Sáu dư 116,5 tỷ USD, so với mức thâm hụt 59,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Đây là mức thặng dư ngân sách cao nhất của Mỹ kể từ tháng 4/2008.

Chi tiêu giảm mạnh cộng với nguồn thu từ thuế tăng là hai nguyên nhân chính khiến cán cân thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ trong tháng Sáu đạt mức thặng dư cao nhất trong hơn 5 năm qua. Thu ngân sách của chính phủ liên bang đạt 286,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước trong khi chi tiêu trong cùng tháng chỉ ở mức 170,1 tỷ USD, giảm tới 47% so với mức 319,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2012.

Thị trường việc làm

Bộ Lao động Mỹ thông báo thị trường việc làm của nước này trong tháng Sáu tiếp tục có sự cải thiện với 188.000 việc làm mới được tạo ra so với 134.000 việc làm trong tháng Năm, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp chung trong công nhân Mỹ vào tháng Sáu xuống 7,5% so với 7,6% trong tháng Năm.

Ngoài ra, thu nhập một giờ của lao động cũng tăng 0,4% so với tháng trước, lên 24 USD. Trong vòng một năm, số liệu này đã tăng 2,2%, mạnh nhất kể từ tháng 7/2011. Việc này giúp người Mỹ có nhiều tiền hơn để chi cho gia đình, mà chi tiêu lại chiếm tới 70% GDP Mỹ.

Nhà đất

Mua nhà đã qua sử dụng trong tháng 5 tăng lên 5,18 triệu căn, từ mức 4,97 triệu căn của tháng 4. Xây nhà mới trong tháng 5 tăng lên 914.000 căn, từ mức 856.000 của tháng trước đó.

Thương mại

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng Năm vừa qua, cán cân xuất nhập khẩu của nước này bị thâm hụt lớn nhất trong vòng sáu tháng qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng chỉ đạt 187,1 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng Tư. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu lại tăng 1,9%, đạt 232,1 tỷ USD. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu 45 tỷ USD trong tháng Năm là mức cao nhất kể từ tháng 11/2012 và tăng tới 12,1% so với mức thâm hụt 40,2 tỷ USD trong tháng Tư. 

Chỉ số hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng Sáu chỉ ở mức 52,2 điểm so với 53,7 điểm trong tháng Năm. Đây là chỉ số hoạt động thấp nhất trong lĩnh vực này kể từ tháng 2/2010.

Eurozone

Tại cuộc họp định kỳ tháng diễn ra ngày 4/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,5% (được ECB áp dụng từ ngày 2/5), mức thấp nhất kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào sử dụng năm 2000.

Kết quả khảo sát đối với hàng nghìn doanh nghiệp ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) mà Markit mới công bố cho thấy suy thoái kinh tế ở khu vực này đã dịu bớt vào cuối quý 2 vừa qua và nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm nay.

Theo Markit, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tổng hợp cuối cùng trong tháng Sáu của Eurozone tăng từ 47,7 điểm trong tháng Năm lên 48,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3/2012 và là tháng tăng thứ ba liên tiếp.

Lạm phát eurozone tháng 6 tăng tháng thứ 2 liên tiếp, thêm dấu hiệu cho thấy khu vực này bắt đầu hồi phục sau đợt suy thoái kéo dài.

Lạm phát tháng 6 tăng 1,6% từ mức 1,4% của tháng 5. Lạm phát tăng bởi giá năng lượng tăng 1,6% trong tháng 6 sau khi giảm 0,2% trong tháng 5. Giá lương thực, rượu và thuốc lá tưng 3,2%, trong khi giá dịch vụ tăng 1,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên kỷ lục 12,2% trong tháng 5

Nhật Bản

Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) ngày 11/7 nâng mức đánh giá kinh tế Nhật Bản trong tháng thứ 7 liên tiếp và khẳng định kinh tế Nhật Bản “bắt đầu phục hồi ở mức vừa phải”. Đây là lần đầu tiên trong hai năm rưỡi qua, cụm từ “phục hồi” được sử dụng trong bối cảnh niềm tin của các doanh nghiệp cải thiện và tiêu dùng gia tăng vững chắc.

Tính tới tháng 5/2013, Nhật Bản đã đạt thặng dư tài khoản vãng lai bốn tháng liên tiếp. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, so với một năm trước, đồng yen đã mất 26,8% giá trị so với đồng USD và 28,5 % so với đồng euro.

Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 2% trong tháng 5, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã ngừng giảm lần đầu tiên trong 7 tháng, khi Ngân hàng Trung ương nước này đang thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lui tình trạng giảm phát.

Thêm vào đó, kết quả một cuộc điều tra công bố ngày 1/7 chỉ ra rằng lòng tin của các nhà chế tạo lớn lần đầu tiên ở mức dương trong gần 2 năm.

Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), chỉ số niềm tin doanh nghiệp - Tankan đã tăng lên +4 quý này, từ -8 trước đó. Đây là lần đầu tiên chỉ số này dương từ năm 2011, nhờ hàng loạt chính sách kích thích của Thủ tướng Abe.

Trung Quốc

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm tốc quý thứ hai liên tục và có nguy cơ còn suy giảm thêm trong bối cảnh Bắc Kinh siết tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính. GDP tăng 7,5% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,7% của quý 1.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về mức 7,8%. Một loạt ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, HSBC và Barclays tháng trước cùng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay còn 7,4%, thấp nhất từ năm 1990.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục yếu đi trong tháng 6, khi đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu giảm, và Trung Quốc áp dụng các biện pháp hãm đà tăng trưởng tín dụng, dẫn tới tình trạng thiếu tiền mặt và khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc theo khảo sát của HSBC giảm từ 49,2 điểm trong tháng 5 xuống 48,2 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2012.
Trong khi đó, PMI chính thức theo tính toán của cơ quan thống kê của chính phủ là Liên đoàn Hậu cần và mua sắm giảm từ 50,8 điểm xuống 50,1 điểm.

Lạm phát tăng lên kỷ lục

Lạm phát Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 6 do giá lương thực tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, từ 2,1% trong tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn dưới mục tiêu 3,5% của chính phủ Trung Quốc.

Chỉ số giá sản xuất giảm 2,7% so với mức giảm 2,9% tháng trước đó. Đây là tháng giảm thứ 16 liên tiếp, mạch giảm dài nhất kể từ năm 2002.

Xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của nước này giảm 3,1%, trái hoàn toàn với dự báo tăng 4% của các chuyên gia. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất của Trung Quốc giảm kể từ tháng 1/2012. Nhập khẩu cũng giảm 0,7% sau khi giảm 0,3% trong tháng 5.

Thặng dư thương mại tháng 6 đạt 27,13 tỷ USD, tăng so với 20,4 tỷ USD tháng 5, nhưng thấp hơn dự báo 27,75 tỷ USD của các chuyên gia.

Theo dự báo của giới phân tích, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục "trượt dốc" từ mức tăng trưởng thấp nhất 13 năm do siết chặt tín dụng và tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy.

Các nhà kinh tế cho rằng trong quý II/2013, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 7,5%, so với mức tăng 7,7% của quý 1 và 7,8% của cả năm 2012 - mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Singapore

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ước tính GDP quý 2/2013 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 15,2% so với quý đầu năm. Ngành chế tạo, chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Singapore, trong quý 2/2013 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 37,6% so với quý trước. Tăng trưởng của ngành chế tạo trong quý vừa qua là do có sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất y sinh và sự hồi phục của một số ngành điện tử chủ chốt.